Nguyên Chủ tịch PVTEX hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng

Các bị cáo trong vụ án.
Các bị cáo trong vụ án.
TPO - Hành vi của Vũ Đình Duy có dấu hiệu phạm vào các tội cố ý làm trái và nhận hối lộ. Tuy nhiên, do Duy đang bỏ trốn và bị truy nã nên cơ quan điều tra tách hồ sơ xử lý sau.

Sáng 28/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Cty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX). Các bị cáo trong vụ án gồm Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch PVTEX; Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX, Vũ Phương Nam - nguyên Kế toán trưởng PVTEX và Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).

Nguyên Chủ tịch PVTEX hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng ảnh 1

HĐXX vụ án gồm 5 người do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Các bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Trần Trung Chí Hiếu đối mặt thêm tội danh “Nhận hối lộ”.

Trong vụ án, PVTEX được xác định là nguyên đơn dân sự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… Tại tòa, thẩm phán, chủ tọa Trần Nam Hà cho biết một số nhân chứng, người liên quan được triệu tập nhưng vắng mặt. Tuy vậy, tòa án tiếp tục làm việc, sẽ triệu tập thêm khi cần thiết.

Tiếp đến, đại diện VKSND TP Hà Nội công bố cáo trạng thể hiện, Dự án nhà ở cho cán bộ, nhân viên PVTEX có tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng từ vốn vay PVN và vốn điều lệ của PVTEX. Năm 2009, Trần Trung Chí Hiếu đã chỉ định Tổng Cty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện dự án.

Nguyên Chủ tịch PVTEX hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng ảnh 2

Đại diện VKSND giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử.

Sau đó, do chủ trương của PVN, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy - nguyên TGĐ PVTEX quyết định thay đổi nhà thầu từ PVC sang liên danh PVC.KBC và Cty CP Thiết kế quốc tế HEERIM.PVC.

Khi đó, cả 2 Cty này đều mới thành lập, không đáp ứng được nhiều yêu cầu tối thiểu để thi công công trình. Như vậy, việc các bị can Hiếu, Duy lựa chọn liên danh PVC.KBC và HEERIM.PVC đã vi phạm các quy định của Chính phủ. Quá trình thực hiện, các đối tượng cũng tự thay đổi thiết kế dự án từ nhà chung cư thành nhà liên kế.   

Năm 2011, dù đang nợ hơn 5 tỷ đồng tạm ứng nhưng Đỗ Văn Hồng vẫn đề nghị PVTEX cho ứng thêm 20 tỷ đồng để thực hiện dự án. Các đối tượng Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy, Đào Ngọ Hoàng, Vũ Phương Nam đều biết việc này trái quy định nhưng đã hợp thức hồ sơ, chuyển 20 tỷ đồng cho PVC.KBC.

Nhận tiền, Hồng sử dụng sai mục đích, không dùng cho hoàn thiện dự án như cam kết. Tháng 3/2012, Hồng dừng thi công, rút người và phương tiện ra khỏi công trường và bị PVTEX đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng vào năm 2014.

Đến năm 2015, PVC.KBC còn nợ PVTEX hơn 19 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Hành vi của các bị cáo còn khiến dự án bị xuống cấp, lãng phí nghiêm trọng buộc UBND TP Hải Phòng phải thu hồi đất.

Nguyên Chủ tịch PVTEX hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng ảnh 3

Có 8 luật sư tham gia bảo vệ cho 4 bị cáo.

Ngoài ra, Đỗ Văn Hồng chủ động khai báo đã hối lộ Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng qua việc góp cổ phần khi thành lập công ty mới. Cụ thể, năm 2010, Duy trao đổi với Hồng việc liên kết thành lập Cty CP PVTEX Kinh Bắc để sản xuất ống sợi, thùng caton và sẽ được PVTEX bao tiêu đầu ra.

Các đối tượng thống nhất, Hồng góp 21 tỷ đồng tương ứng 70% vốn, PVTEX góp 3 tỷ đồng bằng thương hiệu ứng với 10%. Số vốn còn lại, Duy yêu cầu Hồng nộp cho mình và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 10% tức 3 tỷ đồng/người.

Đỗ Văn Hồng đồng ý và cho người nhà đứng tên cổ phần của Hiếu, Duy. Phần mình, bị can Hiếu thấy không phải góp tiền nhưng vẫn có 10% nên nhanh chóng gửi công văn tới PVN xin thành lập PVTEX Kinh Bắc.

Nguyên Chủ tịch PVTEX hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng ảnh 4

Vũ Đình Duy không có mặt tại "vành móng ngựa" do đang bỏ trốn và bị truy nã.

Năm 2011, Vũ Đình Duy nói PVTEX cần tăng vốn điều lệ tại PVTEX Kinh Bắc lên 51% để nắm quyền chi phối. Vì vậy, Đỗ Văn Hồng đã chỉ đạo người nhà làm thủ tục thoái vốn, bán các cổ phần đứng tên hộ Duy và Hiếu. Vũ Đình Duy cũng duyệt chi tiền của PVTEX để mua lại số cổ phần này.

Sau chuyển nhượng, người thân của Hồng đã chuyển cho Duy và Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng, các đối tượng đã chiếm hưởng sử dụng. Hiện tại, Vũ Đình Duy đang bị truy nã nên cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ bị can, xử lý sau.

Quá trình điều tra vụ án còn phát hiện Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC từng cho Đỗ Văn Hồng tạm ứng sai 25 tỷ đồng để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Mảnh đất này sau đó được chuyển cho Cty gia đình của ông Thanh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.