Nguyễn Lâm Thái có dấu hiệu tâm thần?

Nguyễn Lâm Thái có dấu hiệu tâm thần?
TP - Đúng 8 giờ 30 phút ngày 9/4, vụ án “Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm” đã được TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ở ngày đầu xét xử, các ý kiến của giới luật sư tham gia tố tụng đã bị HĐXX bác bỏ tất cả.

TAND tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị cho phiên tòa này khá kỹ. Trụ sở TAND tỉnh được chia làm 4 khu vực:

Khu tầng trệt chia làm 2 khu riêng biệt, một phòng dành làm nơi xét xử với các thành viên HĐXX và 46 bị cáo cùng trên 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Có 7 bị cáo tự bào chữa, trong số này có 3 bị cáo: Vũ Anh, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vy Thành, mặc dù không mời luật sư bào chữa cho mình nhưng  do 3 bị cáo bị truy tố về khung hình phạt cao nhất là tử hình nên  HĐXX đã mời luật sư để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.

Phòng còn lại dành cho những đương sự có nghĩa vụ quyền lợi, liên quan và nhân chứng theo dõi phiên tòa qua màn hình rộng; Khu vực trên tầng 1 dành cho báo chí và khách mời. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 1 tháng.

Các bị cáo được tại ngoại cũng như bị tạm giam đã đến phiên tòa từ trước 8 giờ. Nguyễn Lâm Thái cùng các thành viên của “tập đoàn” CIP được đánh số vị trí ngồi theo mức độ phạm tội nghiêm trọng nhất và giảm dần. Số 1 là trùm Nguyễn Lâm Thái; số 2, Vũ Anh; số 3, Vũ Ngọc Hoan; số 4, Vũ Công Đại…

Khán phòng xử án nhỏ nên hầu hết chỗ ngồi đều dành cho bị cáo và nhóm luật sư bào chữa, trong đó hai luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là Trịnh Anh Dũng và Nguyễn Đặng Quang, đảm nhận việc bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái.

Nguyễn Lâm Thái xuất hiện trước vành móng ngựa có vẻ thư sinh với cặp kính cận.

Trong phiên tòa này có đến 32 bị cáo vốn là cán bộ thuộc ngành bưu chính viễn thông phải hầu tòa.

Hai “nhân vật” từng gây sự chú ý trong dư luận khi được “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” là Lâm Đợi (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Trần Tạo (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Long An) đã có đơn xin vắng mặt.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng tới phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Nguyễn Lâm Thái có dấu hiệu tâm thần?

Ngay trong phần làm thủ tục phiên tòa, các ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo rất đáng lưu ý. Luật sư Trịnh Anh Dũng cho rằng thân chủ của ông là  Nguyễn Lâm Thái có biểu hiện của bệnh tâm thần cùng với nhận định, các kết luận giám định trước đó của trung tâm giám định là không khách quan.

Nếu chứng minh được việc Nguyễn Lâm Thái có biểu hiện tâm thần thì không những bị cáo này được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà các bị cáo khác cũng sẽ được thay đổi tội danh.

Do đó luật sư Trịnh Anh Dũng cho rằng, nếu không hoãn phiên tòa thì HĐXX phải có biện pháp triệu tập các giám định viên để các luật sư có thể làm sáng tỏ vụ việc. Khi phóng viên chụp ảnh, Nguyễn Lâm Thái đã có hành động chắp tay trước ngực chào theo kiểu Thái…

Trước khi phiên tòa diễn ra, mẹ của bị cáo này là bà Lâm Mỹ Thạnh từng có đơn đề nghị cơ quan chức năng đi giám định sức khỏe cho con bà. Theo  bà Thạnh, Nguyễn Lâm Thái từ bé đã có tính nóng nảy, tự cao tự đại và có những biểu hiện không bình thường.

Theo đó, HĐXX đã nhờ trung tâm giám định bệnh tâm thần tại TPHCM và đã có kết quả bị cáo Thái  không bị tâm thần. Do đó, đối với vấn đề mà phía luật sư Dũng đưa ra, HĐXX cho rằng, việc tòa trưng cầu giám định tâm thần với bị cáo Thái là một cơ quan trung lập, không chịu bất cứ áp lực nào.

Về việc triệu tập các giám định viên theo yêu cầu luật sư, HĐXX cho biết, trong phần thẩm vấn, phần nào cần thiết, liên quan thì tòa sẽ triệu tập các giám định viên.

Còn luật sư Nguyễn Đặng Quang cũng đề nghị với HĐXX triệu tập các thẩm định viên về giá của các thiết bị vật tư của Bộ Tài chính để giải thích rõ, đồng thời trả lời chất vấn của các luật sư về công việc này. HĐXX cho biết, đã triệu tập ông Trương Văn Hòa (Tổ trưởng tổ giám định) có yêu cầu gì thì các luật sư hỏi ông Hòa.

Dự kiến, phần thẩm vấn của phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 25/4.

MỚI - NÓNG