Nguyên lãnh đạo Vinafor và CNRTN hầu tòa

Nguyên lãnh đạo Vinafor và CNRTN hầu tòa
TP - Từ ngày 27/5, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên (CNRTN). Nguyên các lãnh đạo CNRTN và TCty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

> Đình chỉ công tác giám đốc và phó giám đốc Vinafor La Ngà
> Phá rừng trồng cây ăn trái

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, từ năm 1998 đến 2006, CNRTN (địa chỉ tại số 9 Nguyễn Thị Định, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thông qua Vinafor đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thu mua, vận chuyển gỗ tròn từ rừng tự nhiên với giá chỉ định (giá sàn, không qua đấu thầu) để phục vụ chương trình đánh bắt xa bờ, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL.

Trong 9 năm, CNRTN được giao chỉ tiêu thu mua 215.054 m3 gỗ tròn các loại tại các lâm trường Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, nhưng không thu mua theo đúng quy định. CNRTN chỉ mua 19.576 m3 đem về chế biến làm đồ gia dụng để kinh doanh, còn lại hơn 154.855 m3 gỗ được CNRTN ký hợp thức hóa hơn 187 hợp đồng kinh tế.

Theo đó, CNRTN đã bán quyền mua gỗ chỉ tiêu được trên 193 tỷ đồng và thu tiền chênh lệch hơn 12 tỷ đồng. Hậu quả, các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL không được thụ hưởng chương trình nhân đạo của Chính phủ.

Vụ án có 14 bị cáo, trong đó 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo Vinafor: Ông Lê Bá - Tổng GĐ, UV HĐQT; ông Phạm Trọng Minh - Quyền Tổng GĐ; ông Trần Đức Sinh - Tổng GĐ, và ông Hà Xuân Hạnh - Phó Tổng GĐ (qua các thời kỳ từ năm 1995 đến 2005) bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, các bị cáo Trần Quốc Trí - nguyên GĐ và 5 cán bộ khác của CNRTN bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Riêng bị cáo Võ Hồng Quỳnh, chủ mưu vụ án - nguyên GĐ CNRTN được đình chỉ điều tra vì mắc bệnh tâm thần.

Liệu có “lọt người”?

Sau phần xét hỏi, trong 2 ngày 3 và 4/6, phần tranh tụng diễn ra kịch tính. Nhiều bị cáo và luật sư biện hộ đã “phản công”, khẳng định họ vô tội, và cho rằng cáo trạng mà VKSND tối cao nêu ra là chưa đủ cơ sở.

Luật sư Trần Văn Tạo cho rằng: Phiên tòa thiếu 3 nhân vật quan trọng là Bộ NN&PTNT, ông Vũ Khang – Chủ tịch HĐQT Vinafor và ông Võ Hồng Huỳnh. Ông Huỳnh là chủ mưu vụ án nhưng chưa đưa ra xét xử công khai mà xét xử các bị cáo khác sẽ gây ra khuất tất. Lời khai trước đó của ông Huỳnh cần được thẩm tra lại.

Bị cáo Vũ Thị Lê Quỳnh – nguyên kế toán, PGĐ CNRTN trình bày: Kế toán của Cty căn cứ chứng từ gốc của lâm trường, mượn tài sản trung gian qua công quỹ truy thu, truy chi để ghi sổ kế toán, chứ không phải giả thu, giả chi hoặc thu khống, chi khống. Các cuộc thanh tra thuế, kiểm toán nội bộ đều kết luận không có vi phạm nguyên tắc kế toán tài chính. Từ năm 1998, trong đợt khắc phục hậu quả cơn bão số 5, bị cáo không hề tham gia các cuộc họp chủ chốt của Cty…

Nhiều luật sư trình bày: Kết luận điều tra, cáo trạng đều cho rằng đây không phải là những DN, cá nhân được mua gỗ thuộc hai chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, trong các văn bản giao nhiệm vụ cho CNRTN, Chính phủ và Bộ NN&PTNT không quy định cụ thể DN, cá nhân hay thành phần kinh tế nào được mua gỗ của Cty.

Điển hình là tại công văn số 654/CP-NN ngày 12/7/2000, Chính phủ quy định “...cung ứng cho nhu cầu của các cơ sở sản xuất để giải quyết việc phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai và đóng tàu đánh cá xa bờ” mà không nói rõ là cơ sở sản xuất nào, thuộc thành phần kinh tế nào.

Ngày 20/9/2001, Bộ NN&PTNT có văn bản 2781/PTNL trình Chính phủ, đề nghị cho CNRTN được thu mua 27.000m3 gỗ tròn từ Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum để kịp thời cung ứng, khắc phục hậu quả thiên tai “cho các địa phương trong cả nước” và được Chính phủ chấp thuận.

Như vậy, không phải toàn bộ số gỗ CNRTN được giao thu mua từ năm 1998 - 2006 đều phải cung ứng cho các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSLC như cáo trạng xác định.

Đại diện VKSND đề nghị:

Các bị cáo tại CNRTN, gồm: Trần Quốc Trí - nguyên GĐ, Vũ Thị Lệ Quỳnh- nguyên PGĐ, Đào Thị Mai - nguyên Phó phòng Kế hoạch - từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù. Phạm Trọng Thi - nguyên PGĐ, Hồ Thị Thanh Hà - nguyên Kế toán trưởng - từ 6 đến 7 năm tù, Phạm Thị Hồng Liên - nguyên PGĐ - 3 năm tù cho hưởng án treo. Đối với nhóm bị cáo môi giới bán gỗ, Bùi Văn Tài bị đề nghị từ 6-7 năm tù, Mai Trung Tâm 5-6 năm tù, Nguyễn Minh Đông 3-4 năm tù, Nguyễn Quang Vinh 2-3 năm tù. Nguyên các lãnh đạo Vinafor bị đề nghị: Lê Bá - nguyên TGĐ, từ 2 đến 3 năm tù; Phạm Trọng Minh - nguyên Phó TGĐ - từ 18 đến 24 tháng tù; Trần Đức Sinh - nguyên TGĐ - từ 18 đến 24 tháng tù, cho hưởng án treo, và Hà Xuân Hạnh - nguyên Phó TGĐ - từ 9 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.