Nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu sắp hầu tòa

Nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu sắp hầu tòa
Ngày 16/5, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng vụ án "chạy quota xuất khẩu ở Bộ Thương mại" tới bị can Mai Văn Dâu, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại.

Có 6 bị can nguyên là cán bộ của Bộ Thương mại gồm Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Thường trực, Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu), Bùi Hồng Minh, Mai Thanh Hải, Nguyễn Việt Phú (cùng là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu) và Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng).

Cùng bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này còn có 16 bị can khác, gồm: Lê Văn Thắng, Mai Thanh Hải, Lưu Thị Minh Hiền, Trần Văn Sửu, Bùi Thị Huyền Nga, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú, Nguyễn Cương, Bùi Văn Tuấn, Phan Nghĩa Hiệp, Trần Thu Lan, Võ Thị Thanh Hằng, Trịnh Thị Hồng Điệp, Phạm Anh Tuấn và Lai Wai Hung (quốc tịch Trung Quốc), Tăng Phát Bảo (quốc tịch Mỹ, Đài Loan) bị truy tố về các tội: nhận hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; làm môi giới hối lộ; đưa hối lộ; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Luật sư Phạm Hồng Hải (Luật sư bào chữa cho bị can Mai Văn Dâu) cho biết: Sáng 16/5, ông đã tiếp xúc với thân chủ tại trại tạm giam ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi cáo trạng được tống đạt tới bị can Dâu. Tại cuộc tiếp xúc này, luật sư Hải và ông Dâu đã cùng trao đổi và thống nhất một số luận điểm trong nội dung bào chữa cho phiên tòa sắp tới.

Trong vụ án, VKSND Tối cao đã xác định bị can Mai Văn Dâu nhận hối lộ 6.000 USD từ ông Nguyễn Cương, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM. Đây là số tiền ông Cương đã nhận trong tổng số tiền 185.000 USD của các công ty TNHH để môi giới hối lộ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2003 đến tháng 8/2004. Sau đó, ông Cương đã nhiều lần đưa đại diện các công ty dệt may đến nhà riêng của Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Mai Văn Dâu để được bút phê vào các công văn xin cấp hạn ngạch.

Con trai ông Dâu là bị can Mai Thanh Hải (chuyên viên Vụ XNK, Bộ Thương mại) bị xem xét về hành vi nhận 560 triệu đồng của bị can Đặng Vũ Quang để chạy xin hạn ngạch cho Công ty Qualitex hồi tháng 6/2003. Ngoài ra, Hải còn có hành vi sử dụng bằng đại học ngoại thương giả nhưng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Thương mại) không kiểm tra, xác minh kỹ nên đã trình Bộ trưởng Trương Đình Tuyển quyết định tuyển dụng và bố trí Mai Thanh Hải vào biên chế.

Bị can Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK) cũng bị VKSND Tối cao xem xét về hành vi nhận hối lộ 18.000 USD của Công ty TNHH may thương mại Á Châu và Công TNHH Hải Minh. Bị can Phan Nghĩa Hiệp là cán bộ hưu trí tại thành phố Hồ Chí Minh bị truy tố vì đã lợi dụng việc quen biết Thứ trưởng Mai Văn Dâu để nhận hồ sơ xin hạn ngạch dệt may của một số công ty đem đến Bộ Thương mại nộp và được xét cấp hạn ngạch, từ đó hưởng lợi bất hợp pháp 8.850 USD của các công ty trên.

Cũng trong vụ án này, VKSND Tối cao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm của lãnh đạo Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp trong việc quản lý, xét cấp hạn ngạch dệt may sang thị trường Hoa Kỳ.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Thương mại đã ký và ban hành 5 văn bản có nội dung trái với chỉ đạo của Thủ tướng và trái với quy định tại các Thông tư liên tịch số 02 ngày 27/5/2003 và số 07 ngày 8/10/2003.

Đặc biệt, trong Thông báo số 5373 do Thứ trưởng thường trực Mai Văn Dâu ký có bút phê của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nội dung không rõ ràng khi quy định cho phép các thương nhân được phép vay, nhường hạn ngạch, thực chất là cho phép các đơn vị được mua bán hạn ngạch, dẫn đến tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua bán hạn ngạch để trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng cho việc quản lý Nhà nước đối với ngành sản xuất dệt-may.

Như vậy, bị can Mai văn Dâu sắp hầu tòa.

TTXVN

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.