Nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường tố bị giam trái phép 42 tiếng

Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.
TPO - Tòa trả hồ sơ nhưng không quyết định trả tự do hay không nên nguyên trưởng phòng ở Sơn La và các bị cáo khác vẫn bị tạm giam. Hai ngày sau, họ mới nhận lệnh tạm giam mới từ cơ quan điều tra.

Bị giam không có lệnh?

Ngày 23/2, tại TAND tỉnh Sơn La, phiên xử vụ bồi thường “thừa” gần 1,2 tỷ đồng trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La bước sang ngày làm việc thứ 4.

Vụ án có 17 bị cáo, đa phần là lãnh đạo, cán bộ trong tỉnh và bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại ngày làm việc trước, bị cáo Phan Đức Chính – nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La khai đã làm đơn gửi VKSND tỉnh Sơn La để khiếu nại việc ông và 9 người khác trong vụ bị giam giữ trái phép trong 42 tiếng.

Cụ thể, lệnh tạm giam do TAND tỉnh Sơn La ban hành với các bị cáo có thời hạn từ 1/9 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Chiều 5/6, TAND tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng trưa 7/6, các bị cáo mới nhận lệnh tạm giam mới từ Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La.

Về việc này, cơ quan điều tra có công văn trả lời, kết thúc phiên tòa sơ thẩm phải hiểu là khi tòa tuyên các án phạt tù. Những người bị tạm giam trong vụ nhận lệnh tạm giam vào ngày 7/6 là đúng quy định. VKSND tỉnh Sơn La cũng có văn bản đồng tình ý kiến này.

Bên lề phiên tòa, luật sư Trần Thu Nam cho rằng, văn bản trả lời các bị cáo của cơ quan điều tra rất mâu thuẫn. Cụ thể, văn bản này khẳng định lệnh tạm giam của tòa án còn hiệu lực đến khi các bị cáo có hình phạt tù. Tức khi tòa trả hồ sơ (không có hình phạt), lệnh tạm giam vẫn còn hiệu lực nhưng ngày 7/6, cơ quan điều tra lại ban hành lệnh tạm giam số 07.

“Khi ra lệnh mới, phía điều tra đã công nhận lệnh tạm giam của tòa án hết hiệu lực, không cần các bị cáo bị tuyên án. Như vậy, từ khi tòa trả hồ sơ đến khi có lệnh tạm giam ngày 7/6, các bị cáo bị giam giữ dù không có lệnh, việc này vi phạm nghiêm trọng tố tụng” – luật sư Nam nói.

Ông Nam phân tích thêm: “Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc trả hồ sơ điều tra bổ sung và không thể thay thế hoặc kéo dài lệnh tạm giam. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Sơn La dẫn Điều 280 để trả lời việc tạm giam các bị cáo là không đúng".

Đính chính kết luận giám định   

Tại phần xét hỏi, luật sư Bùi Việt Anh đề nghị nói lý do không cung cấp cho các bị cáo kết luận giám định trong vụ án. Điều tra viên đáp: “Việc thông báo kết luận giám định chỉ áp dụng đối với các trường hợp buộc phải thông báo. Trường hợp này, kết luật giám định liên quan đến việc buộc tội các bị cáo, bị can không phải thông báo cho các bị cáo, bị can”.

Cũng theo điều tra viên, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định đương sự hoặc người đại diện có quyền đề nghị trưng cầu giám định... “Theo quan điểm của cơ quan điều tra, ở đây, việc giám định phục vụ công tác buộc tội nên không phải thông báo cho các bị can trong vụ án” – điều tra viên nói.

Chuyển vấn đề, luật sư Việt Anh dẫn quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung ngày 5/6 thể hiện: “Việc giám định chưa phù hợp với quy định của pháp luật" và "Việc điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Luật sư đặt câu hỏi, vậy đối với 2 nhận định này của tòa án, cơ quan điều tra khắc phục ra sao?

Điều tra viên trả lời, quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan ANĐT tỉnh Sơn La không vi phạm về tố tụng đồng thời đã ra văn bản dẫn tới việc cơ quan giám định đính chính kết luận giám định.

Theo cáo trạng, công tác chi tiền bồi thường cho các hộ dân theo hình thức đất đổi đất tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Tuy nhiên, khu tái định cư không thể bố trí đất ruộng, ao cho người dân như nơi họ phải chuyển đi nên khi Chính phủ đồng ý, UBND tỉnh Sơn La ra công văn số 617 và số 1674 năm 2014 yêu cầu huyện Mường La đo đạc địa chính, đề xuất phương án bồi thường hỗ trợ thêm.

Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai theo công văn 617. VKSND tỉnh Sơn La khẳng định, có sai phạm trong việc ban hành Kế hoạch 41 dẫn tới việc bị cáo Đèo Văn Ban (nông dân) được bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng. Các bị cáo khác dù biết kế hoạch 41 sai nhưng vẫn làm theo hoặc thiếu kiểm tra, không làm đúng quy định...

MỚI - NÓNG