Nhân chứng kể lại vụ 'hành quyết' năm phu trầm

Anh Đỗ Văn Hiền, người chạy thoát trong vụ giết người kể lại sự việc
Anh Đỗ Văn Hiền, người chạy thoát trong vụ giết người kể lại sự việc
"Khi chúng tôi đào các anh từ hố chôn chung lên thì thi thể các anh đã bốc mùi và bắt đầu thối rữa. Các vết thương cho thấy các anh đã bị bọn chúng dùng cây đánh vỡ đầu, gãy cổ rất dã man.”
Anh Đỗ Văn Hiền, người chạy thoát trong vụ giết người kể lại sự việc
Anh Đỗ Văn Hiền, người chạy thoát trong vụ giết người kể lại sự việc.
 

Bắt cóc phu trầm đòi tiền chuộc

Hai làng quê nghèo ở Quảng Bình là Minh Tiến (Quảng Minh) và làng Chay (Quảng Sơn), huyện Quảng Trạch đang bao trùm một không khí tang thương. 5 thanh niên của làng đã bị bọn cướp đánh chết giữa rừng sâu trong một chuyến tìm trầm định mệnh…

Sáng 28/3, chúng tôi tìm về 2 làng Minh Tiến và làng Chay gặp những nhân chứng sống sót trong vụ giết người dã man này-Anh Đỗ Văn Hiền, quê ở Bến Tre, lấy vợ ở làng Chay.

Chưa khỏi bàng hoàng, anh Hiền kể: Nhóm tìm trầm của anh có sáu người, bắt đầu đi tìm trầm từ ngày 19/1 (âm lịch). Sau 20 ngày đi khắp các khu rừng vùng giáp ranh giữa Quảng Bình với Quảng Trị mà vẫn chưa tìm thấy được mẩu trầm nào.

Ngày 23/3, một nhóm thợ khác có chín người bị trấn lột, trên đường chạy trốn thì gặp nhóm anh Hiền nên xin nhập hội. Hai nhóm thợ rừng nhập lại một đội gồm 15 người. Trưa hôm đó, nhóm phân công bảy người cắt rừng trở về lấy thêm gạo, một người đi hái rau, còn bảy người ở lại giữ lán trại.

Đến khoảng 11h có ba người bịt mặt xuất hiện, chúng nói tiếng Việt, một người cầm súng AK, một người cầm nhiều sợi dây dù, còn một người đứng cầm đá ném vào trong lán trại. Chúng hô lớn, bảo anh em thợ rừng ra khỏi lán và bắt anh Hiền tự tay trói sáu người trong nhóm, sau cùng chúng mới trói tay Hiền lại.

Sau khi trói xong cả bảy người, nhóm dắt bảy thợ rừng đi vào rừng. Đến khoảng 15h thì dừng lại nấu cơm, nhưng không cho nhóm thợ rừng ăn. Tại đây, nhóm bắt cóc đòi mỗi người phải nộp cho chúng 15 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắn chết.

Anh Thắng, một người trong nhóm nói không có tiền liền bị một tên bắt cóc lấy dây leo thắt vào cổ. Hoảng sợ, anh Hà - một người trong nhóm hứa, sẽ về nhà đưa tiền cho nhóm bắt cóc.

Đi tiếp đến tối, những kẻ bắt cóc dựng một lán nhỏ, trói sáu người lại với nhau, còn anh Hà thì được thả về lấy tiền. Bọn chúng cho anh Hà ăn cơm (không cho những người còn lại) và đưa cho anh Hà một cây đèn pin và yêu cầu đến tối 25/3 phải đưa tiền lên chuộc, nếu không sẽ giết chết cả sáu người.

“Nhưng tối đó, không hiểu sao, cứ 30 phút một người trong nhóm bắt cóc lại đổi nhau cầm dao, đèn pin đi vào rừng, sau đó tôi nghe có tiếng đào bới đất. Đến 2h sáng thì nhóm bắt cóc gọi anh em chúng tôi dậy, cho mỗi người một điếu thuốc. Lúc đó, tôi giả vờ ngủ say để tìm cách mở dây trói. Sau khi hút xong, bọn chúng dắt anh Sáu đi ra rừng, một lát sau tôi nghe tiếng bịch bịch như đánh vào cây chuối, rồi lặng im. Tiếp đó, anh Trị, anh Thắng và các anh khác lần lượt bị bọn chúng đưa vào rừng. Khi nghe anh Trương Thanh Hiền hét lên đau đớn, đúng lúc tôi mở được dây trói và thoát chạy. Nhóm bắt cóc thấy tiếng động liền cầm đèn pin đuổi theo tôi” - anh Hiền kể.

Chạy đến 7h sáng, anh Hiền bất ngờ khi thấy mình lại chạy trở về đúng lán cũ - nơi năm anh thợ rừng bị bắt. Hoảng sợ quá, anh tiếp tục chạy trốn đến 15h tới gần một bản ở khu vực biên giới Việt - Lào thì gặp lại nhóm ba tên bắt cóc. Anh Hiền lại cắm đầu bỏ chạy. Bọn bắt cóc phát hiện ra anh Hiền, một tên kêu bắn, nhưng có đứa trong nhóm cản lại, nói đừng bắn vì bắn ở đây dân bản biết.

Cắt rừng cả đêm, đến ngày 25/3, anh Hiền chạy ra tới Sa Lỳ (Lào) thì gặp nhóm đi rừng khác. Sau đó, anh Hiền đã liên lạc với anh Hà (lúc này đã về đến nhà đang trên đường đưa tiền vào chuộc người) đừng vào rừng nữa, anh em đã bị bọn cướp đánh chết hết rồi.

“Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao bon chúng lại nhẫn tâm đánh chết anh em chúng tôi, vì kỳ hạn lấy tiền chuộc cũng chưa đến. Bọn chúng thực sự quá dã man” – anh Hiền bàng hoàng nói trong nước mắt...

4 mẹ con chị Hoàng Thị Hoè ở thôn Chay ôm nhau khóc khi chồng là anh Trần Văn Trị bị chết trong rừng
4 mẹ con chị Hoàng Thị Hoè ở thôn Chay ôm nhau khóc khi chồng là anh Trần Văn Trị bị chết trong rừng.
 

Làng nghèo tang thương phu trầm

Chiều 27/3 thi thể 5 nạn nhân đi trầm bị đánh chết đã được đưa về quê và được mai táng. Trước đó, 25 người làng đã thuê xe vào Quảng Trị, cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Biên phòng Quảng Trị để tìm thi thể của 5 nạn nhân.

Anh Nguyễn Văn Quang - người vừa trực tiếp tìm thi thể của 5 nạn nhân kể:

“Phải mất một ngày, với sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng Quảng Trị chúng tôi mới tìm thấy các anh ấy trong một hố chôn tập thể. Khi chúng tôi đào các anh từ hố chôn chung lên thì thi thể các anh đã bốc mùi và bắt đầu thối rữa. Các vết thương cho thấy các anh đã bị bọn chúng dùng cây đánh vỡ đầu, gãy cổ rất dã man.”

Hiện cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị (vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị) đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình lấy lời khai của các nhân chứng sống sót và tiến hành điều tra truy tìm những kẻ gây ra vụ án giết người dã man này.

Trong số 5 người bị đánh chết hầu hết đều là những gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trong đó có 2 người đã có vợ là anh Trần Văn Trị ở thôn Chay có 3 đứa con nhỏ, và anh Trương Thanh Hiền có 2 con nhỏ.

Gặp chúng tôi, chị Hoàng Thị Hoè, vợ anh Trị chỉ biết ôm 3 đứa con nhỏ vào người mà khóc nức: “Nhà không có ruộng, cả nhà 5 con người chỉ biết bấu vứu vào công việc đi rừng của anh. Giờ anh mất rồi, mẹ con em không biết dựa vào đâu để tiếp tục sống đây”.

Bà Hoàng Thị Nhung (93 tuổi) khóc con trai Nguyễn Văn Thăng
Bà Hoàng Thị Nhung (93 tuổi) khóc con trai Nguyễn Văn Thăng.

Trong căn nhà xây vội chưa kịp hoàn thiện, cụ bà Hoàng Thị Nhung (93 tuổi) đang khóc ngất vì thương đứa con trai xấu số của mình.

Anh Nguyễn Văn Thắng gần 50 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Năm này qua tháng khác, anh Thắng lặn lội trong rừng sâu tìm trầm với hy vọng đổi đời, có tiền cưới vợ. Thế nhưng đã nửa đời người, anh Thắng phải bỏ mạng giữa rừng sâu vì cái nghiệp tìm trầm.

Ông Hoàng Minh Hiền - Trưởng thôn Minh Tiến ngậm ngùi: “Làng tui có đến 297 hộ, 1504 nhân khẩu nhưng chỉ có 40 ha đất canh tác cả màu, cả ruộng. Thanh niên lớn lên không vào miền Nam kiếm ăn, thì cũng vô rừng tìm trầm cả. Hiện có 80% trai tráng của làng đang ở rừng sâu với nghiệp tìm trầm mà không hẹn ngày về. Bây giờ thêm việc 5 người bị đánh chết, người làng chúng tôi hoang mang lắm….”

Theo Dân Việt

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG