Nhân chứng khai trái ngược nhau

Nhân chứng khai trái ngược nhau
Nội dung chủ yếu trong các lời khai của bà Lâm là bị đe doạ, bức cung để khai theo ý điều tra viên (ĐTV) Cao Văn Hùng, còn bà chỉ là “dân ngu cu đen, khổ như chị Nguyễn Thị Dậu, biết gì đâu”.

Cũng như bà Lâm, trong gần 1 giờ bị  thẩm vấn, Trần Thanh Vân hầu như không trả lời trực tiếp các câu hỏi, chỉ kêu oan và tố cáo ĐTV đánh đập, bức cung.

Khi được thẩm phán chủ toạ phiên toà Phạm Hùng Việt hỏi về một tờ giấy do chính Vân viết  có nội dung phản đối ĐTV sắp đặt lời khai “oan cho dượng Sáng và chú Nén”, Vân cũng chưa nghe kỹ đã “tố” ĐTV Cao Văn Hùng.

Theo thẩm phán Phạm Hùng Việt, thái độ này của Vân khiến người ta nghĩ Vân có gì đó không bình thường. Tuy nhiên ông Phạm Hùng Việt cũng cho rằng văn bản này cho thấy sự vi phạm quy định trong tố tụng – ĐTV cho bị can nghe băng ghi âm và bản khai của bị can khác.

Khi bị thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thị Tiến cũng một mực kêu oan. Tiến sinh con ngày 24/5/1993, nhưng bị truy tố vì tham gia giết bà Mỹ đêm 18/5/1993, trực tiếp cướp một số tư trang của bà Mỹ.

Chị Phương - con dâu bà Mỹ khai, khi bà Lâm đến nơi có xác chết trong vườn điều, bà giở sọt che xác ra rồi la lên “đây là con Mỹ chứ ai” (theo biên bản giám định hiện trưòng, xác chết không còn khả năng nhận dạng). Một nhân chứng khác là ông Minh cũng khai bà Lâm là người đầu tiên nói người chết là bà Mỹ.

Ông Hai Hoàng - chủ vườn điều khai cùng lúc có nhiều người nói xác chết là bà Mỹ, nhưng không rõ bà Lâm có nói không.

Theo kết luận điều tra, bà Mỹ bị giết lúc 1h30 ngày 19/5/1993, nhưng chị Nguyễn Thị Thuỷ chuyên gánh nước đêm ở chợ Tân Minh khai, lúc hơn 2 giờ sáng hôm đó còn thấy bà Mỹ đi từ chợ ra quốc lộ, ngược hướng vào vườn điều.

Buổi chiều, sự xuất hiện của chị Trần Thị Kim Yến, hiện ở Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hoà) khiến không khí trong phòng xử sôi động hẳn lên. Chị Yến khai mình là người viết “lá thư định mệnh”. Chị nhớ thời điểm viết thư vì viết sau khi chị sinh con 20 ngày, sau 12 năm còn nhớ chính xác nội dung thư vì nó ngắn gọn chỉ 1 câu(?).

Về những bản tự khai nhận tội và thư thông cung của bà Lâm, bà khai chúng do Nguyễn Thị Kim Lan - phạm nhân bị giam chung phòng cầm tay bà viết. Nguyễn Thị Kim Lan chính là người tố giác bà Lâm đã kể với mình về việc gia đình bà giết bà Mỹ, tố giác bà Lâm viết thư thông cung.

Nay đã mãn hạn tù, Lan ra trước Toà với thái độ vui vẻ, còn làm duyên, khai hoàn toàn không có việc dạy chữ cho bà Lâm. Tuy nhiên chỉ sau vài câu hỏi của thẩm phán Phạm Hùng Việt, Lan đã mất bình tĩnh, khai không cầm tay bà Lâm viết đơn thư nhưng có chứng kiến bà viết thư.

Ông Phạm Ngọc Giang - Giám định viên của cơ quan giám định pháp y Bình Thuận cho biết, trong văn bản trưng cầu giám định, cơ quan điều tra Bình Thuận ghi là “giám định thời gian chết của bà Dương Thị Mỹ”.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Mười - Viện trưởng VKSND huyện Hàm Tân cho biết, không ai làm biên bản xác định người chết trong vườn điều là bà Mỹ, vì ai cũng nghĩ đó chính là bà. Cơ quan giám định chỉ thu giữ một số mẫu máu, tóc, quần áo…, không lấy vân tay, không lấy mẫu trong dạ dày.

Ông cũng khẳng định, người chết bị vỡ xương hàm do bị vật tày đánh, không phải do bị chém. Về “con dao gây án”, đại diện Viện Khoa học hình sự Bộ CA tại TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có thể kết luận mẫu vật được trưng cầu giám định có thành phần chính là sắt.

Với hình dạng mẫu vật, không thể xác định nó là con dao hay không phải con dao. Việc xác định sự phân hủy của vỏ bao xi măng sau 5 năm chôn dưới đất còn nằm ngoài khả năng của Viện KHHS.

MỚI - NÓNG