Nhập nhằng trong bồi thường giải tỏa ở Kiên Giang

Nhập nhằng trong bồi thường giải tỏa ở Kiên Giang
TP - Đoàn kiểm tra liên ngành không làm theo chỉ đạo của tỉnh, không họp dân, không đo đạc, xác định lại thực địa. Có một số gia đình bị cưỡng chế trong dịp Tết. Có gia đình bị thu hồi đất đã 5 năm nay vẫn chưa được bố trí tái định cư.
Nhập nhằng trong bồi thường giải tỏa ở Kiên Giang ảnh 1
Đất tạm thu của gia đình ông Thanh trong vùng dự án

Công trình thoát lũ, ngăn mặn Lình Huỳnh nằm trên địa bàn xã Thổ Sơn (Hòn Đất), khởi công từ tháng 12/1999, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2003. Thế nhưng, hơn 5 năm qua người dân trong vùng dự án vẫn liên tiếp khiếu kiện đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.

Công trình do BQL Thủy Lợi 419, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT (nay là BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10) làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi 110.853 m2 đất của 113 hộ dân giao cho đơn vị 419 để xây dựng cống, trong đó 23.096,76m2 là đất tạm giao, số đất này sau khi xây dựng xong cống phải san lấp lại mặt bằng, trả đất cho dân.

Ông Trần Văn Thanh, một trong 3 hộ có đất tạm giao cho biết: “BQL lấy đất của gia đình tôi là lô số 8, thuộc đất tạm giao, diện tích thực tế trên 7.000m2, nhưng quyết định thu hồi chỉ ghi có 2.563m2. Khi gia đình tôi khiếu nại thì họ nói đất ở lô số 8 là đất của hộ bà Võ Thị Thơm, còn của tôi lô số 7. Đây là điều hết sức vô lý bởi nhà bà Thơm cách cống gần 400m, nằm hoàn toàn ngoài vùng dự án.

Nguyên nhân của việc nhập nhằng này là do cán bộ khi đo vẽ lập dự án đã đo sai với diện tích, vị trí đất thực tế. Khi đo để bồi thường giải tỏa các cán bộ đã đo vượt trên 5.000m2 đất của nhà tôi, vì thế không đủ đất để trả. Theo quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang có 3 bãi lấy đất (tạm giao), hiện đã trả bãi số 1, 2, còn bãi số 8, BQL vẫn chưa trả cho chúng tôi”.

Tương tự, hộ bà Trần Thị Phường có diện tích 4.000m2, nhưng quyết định thu hồi chỉ ghi 2.030m2. Kỳ lạ hơn trong phần xác định ranh giới với gia đình bà Phường có cả chữ ký của ông Tới, một người đã chết trước đó hơn 10 năm?!

Không chỉ lập lờ về diện tích, vị trí bồi hoàn giải tỏa, việc trả lại đất theo nguyên trạng cho dân cũng không được thực hiện nghiêm túc. Toàn bộ đất tạm giao dùng để lấy đất đắp cống hiện vẫn là những vũng nước sâu, người dân không thể canh tác.

Khi cán bộ đi kiểm kê, đo đạc xác nhận nhà của ông Bùi Văn Hoa là nhà cấp 4. Thế nhưng khi bồi thường lại chi tiền theo giá nhà tạm. Ông Hoa khiếu kiện không giải quyết lại còn bị cưỡng chế giải tỏa vào ngày 26 Tết năm 2002.

Do kiểu làm “tiền hậu bất nhất” này nên dân cứ khiếu kiện dài dài. Nhà bà Thị Lệ có 10 khẩu, bị giải tỏa hoàn toàn từ đầu năm 2002, nay vẫn chưa được bố trí tái định cư.

Bà Lệ cho biết: “Họ chỉ bồi thường nhà cửa cho gia đình chúng tôi mà không bồi thường hoa màu. Tôi không đồng tình thì ngày 28 Tết năm 2002 họ đến cưỡng chế, bắt gia đình tôi ăn tết ngoài trời. Tôi đi khiếu nại lên trụ sở tiếp dân trung ương, họ nói địa phương làm sai, viết giấy cho về giải quyết nhưng chưa thấy đâu”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao giải tỏa nhà dân trong dịp Tết thì một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang trả lời: “Do công trình xây dựng cấp bách, bức xúc phải làm cho kịp tiến độ theo chỉ đạo” (!?).

Do dân khiếu kiện quá nhiều, ngày 4/4/2007, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã có văn bản yêu cầu BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 san lấp, trả lại mặt bằng nguyên hiện trạng cho dân ở những khu vực đất tạm giao. Đồng thời, đơn vị này phải cung cấp kết quả thực hiện chi trả tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng và trợ cấp ổn định đời sống cho các hộ dân trong vùng dự án để trả lời khiếu nại của dân.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2007 này, BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 vẫn đang… im lặng.

Nhiều hộ dân ở Lình Huỳnh bức xúc: Chủ tịch tỉnh yêu cầu họp dân, đo đạc làm rõ những vấn đề dân khiếu nại. Thế nhưng đoàn cán bộ của tỉnh, huyện làm trái với chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh. Họ làm việc không khách quan, không họp dân, không đo đạc lại thực địa…

MỚI - NÓNG