Nhiều quốc gia phối hợp truy bắt Trịnh Xuân Thanh

Nhiều quốc gia phối hợp truy bắt Trịnh Xuân Thanh
TPO - Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, nhiều quốc gia nhận lời cùng phối hợp với Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh.

Sáng 19/10, trao đổi bên lề Hội thảo quốc tế về công tác truy nã tội phạm, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, nhiều quốc gia đồng thuận và nhận lời cùng Việt Nam truy bắt các đối tượng đang bị truy nã trong đó có Trịnh Xuân Thanh.

Trước câu hỏi giả sử ông Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, Trung tướng Vĩnh cho biết, đây là những vấn đề chuyên biệt trong nghiệp vụ nhưng bằng mọi cách sẽ truy bắt bằng được dù có lẩn trốn ở bất kỳ chỗ nào.

Theo Trung tướng Vĩnh, hành lang pháp lý đối với cảnh sát các nước và lực lượng thực thi pháp luật giữa các nước còn có những điểm khác nhau. Với trách nhiệm của mình, Tổng cục Cảnh sát sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ để giảm thiểu những vấn đề còn trống. 

Hội thảo quốc tế về công tác truy nã tội phạm có sự tham gia của các tổ chức và quốc gia như Interpol, Aseanapol, Europol, Trung Quốc, Lào, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Campuchia, Nga, Đức, Séc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia.

Đây là lần đầu tiên Hội thảo được tổ chức tại Việt Nam nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp truy nã tội phạm giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lợi ích của nhau.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo và tập trung trao đổi về tình hình, kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật và triển khai công tác truy nã tội phạm tại các quốc gia và trên thế giới, cũng như những phương thức, thủ đoạn, lẩn trốn của đối tượng, đặc biệt đã chia sẻ, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật của mỗi nước cũng như các vấn đề về hợp tác quốc tế trong công tác truy nã tội phạm.

Theo đánh giá của tổ chức Interpol, hầu hết các loại tội phạm đều gia tăng về số lượng, tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy, tham nhũng và tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia. Hầu hết các đối tượng sau khi phạm tội tìm cách trốn ra nước ngoài đã gây nhiều khó khăn và đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải nỗ lực xác minh, truy bắt.

Tại Việt Nam cũng có những đối tượng phạm tội ở nước ngoài, bị cơ quan chức năng nước ngoài truy nã, chúng lợi dụng Việt Nam để lẩn trốn hoặc tiếp tục hoạt động phạm tội. Trong khi đó, các đối tượng truy nã của Việt Nam thường bỏ trốn sang các quốc gia láng giềng và các quốc gia có nhiều người Việt Nam sinh sống, làm ăn như Trung Quốc, Lào, Mỹ, Campuchia, Nga,… sử dụng giấy tờ tùy thân giả để nhập cảnh và cư trú. 

Năm 2009, Bộ Công an thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã chuyên trách ở cả cấp Bộ và Công an địa phương đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam xác minh, bàn giao cho phía nước ngoài 225 đối tượng truy nã, bắt giữ và tiếp nhận 160 đối tượng truy nã của Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài.

MỚI - NÓNG