Nhiều sinh viên vay nóng trong vụ ‘sập bẫy iPhone 6 giá bèo’

iPhone 6 dung lượng 16 GB được ông L. rao bán 13,7 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với thị trường - Ảnh được cho là do ông L. chụp đăng trên nhattao.com.
iPhone 6 dung lượng 16 GB được ông L. rao bán 13,7 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với thị trường - Ảnh được cho là do ông L. chụp đăng trên nhattao.com.
Ngày 5/11, nhiều người tiếp tục tập trung trước nhà ông N.D.L nằm trên đường Nghĩa Phát, phường 7, quận Tân Bình (TP.HCM) để đòi lại hàng chục tỉ đồng tiền đặt cọc đưa cho ông L. để mua điện thoại iPhone 6 giá rẻ.

Hầu hết những nạn nhân "sập bẫy" còn rất trẻ, có người kinh doanh, buôn bán, nhân viên văn phòng, công chức… Cũng có những bạn đang là sinh viên năm 2, 3 trót lao vào vòng xoáy lợi nhuận béo bở do ông L. vẽ ra.

Cầm nhà của ông ngoại

T. - sinh viên năm 3 một trường đại học ở TP.HCM, là nạn nhân của ông L. - cho biết hiện anh bị ông L. chiếm đoạt với số tiền là 1,5 tỉ đồng. Lẽ ra số tiền bị mất là 1,7 tỉ đồng nhưng sau khi vụ việc có nguy cơ vỡ lở, ông L. “nhả” bớt cho T. gần 200 triệu đồng với mục đích kéo dài vụ việc cũng như nhử “con mồi” nộp thêm tiền.

Nhiều sinh viên vay nóng trong vụ ‘sập bẫy iPhone 6 giá bèo’ ảnh 1

Các nạn nhân đã làm đơn tố cáo ông L. lên công an - Ảnh: Trung Hiếu

Cũng như phần lớn nạn nhân, trước đó gần 1 năm, T. từng đặt hàng của ông L. Thời gian đó ông L. thanh toán, giao hàng rất sòng phẳng nên T. cũng có lãi chút đỉnh từ việc ăn giá chênh lệch. Tuy nhiên lúc này vốn của T. không nhiều. Do đó, T. đã đưa giấy tờ nhà của ông bà ngoại (T. ở với ông bà ngoại - PV) ở quận Bình Tân, TP.HCM thế chấp vay nóng 700 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó T. đều đặt cọc cho ông L.

Hơn hai tuần qua, các nạn nhân tập trung trước nhà ông L. để đòi nợ đều không được giải quyết.

Trước áp lực đòi nợ, người thân của ông L. đã đóng cửa nhà, tránh mặt sang nơi khác. Hiện những người đặt cọc tiền cho ông L. đã làm đơn tố cáo gửi Công an quận Tân Bình, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM.

“Vay nóng nên lãi suất cao lắm, tới 24-25%/tháng, mỗi tháng riêng tiền lãi suất hơn 20 triệu. Gần tháng nay vụ việc đổ bể, ông L. cầm tiền chạy trốn, em không có tiền đóng lãi nên người ta đến siết nhà của ngoại rồi. Em cũng không có cách nào khác vì giờ tìm không được L. thì lấy tiền đâu mà trả”, T. kể.

Cũng như T., P. - sinh viên năm 3 của đại học B (TP.HCM), quê ở Gia Lai - đưa cho ông L. 120 triệu đồng để đặt cọc mua iPhone 6. P. cho biết số tiền cậu huy động từ người thân ở quê, của chị gái, thậm chí của cả bạn gái.

“Trước đây em có đặt vài chiếc của ông L. thấy được lắm, nên về huy động, mượn tiền mọi người ai dè bị lừa. Hiện chị và bạn gái biết sự việc, chỉ có bố mẹ ở quê chưa biết. Giờ ráng đi với mọi người đến nhà ông L. đòi được đồng nào hay đồng ấy”, P. nói.

P. cho biết trong số các nạn nhân bị ông L. lừa có nhiều người là sinh viên, số người vì tin ông L. thế chấp nhà để có tiền đặt cọc cũng khá nhiều.

Bị lừa hơn 12 tỉ đồng

Trường hợp của ông N.T.D (nhà ở quận 1) khi đặt cọc cho ông L. số tiền lên tới 12 tỉ đồng để mua điện thoại iPhone 6. Đây là 50% số tiền cọc mà ông D. đặt mua 1.500 điện thoại iPhone 6 đang rất “hot” hàng. Giá bán mà ông L. đưa ra cho ông D. là 15 triệu đồng/máy.

Ông D. cho biết việc hợp tác làm ăn với ông L. diễn ra gần 1 năm nay. Tuy nhiên thời gian trước ông D. đặt không nhiều mà chỉ như thăm dò. Gần 2-3 tháng gần đây, khi ông L. đăng tải có lô hàng iPhone 6 giá rẻ, ông D. bắt đầu đặt dồn dập.

Nhiều sinh viên vay nóng trong vụ ‘sập bẫy iPhone 6 giá bèo’ ảnh 2

Nhiều người đến đòi nợ đã vẽ chữ... lên tường nhà ông L. Hiện người nhà ông L. đã chuyển đi chỗ khác. Ảnh: Trung Hiếu.

“Toàn bộ số tiền đặt cọc là tiền gom góp cá nhân, vay mượn người thân, bạn bè, được bao nhiêu đưa ông L. hết. Thế nhưng từ tối 20/10, điện thoại cho ông L. không được. Từ hôm đó đến nay ông L. mất tích luôn”, ông D. nói.

Sao đưa cả chục tỉ đồng cho người lạ mà không sợ à, ông D. đáp: “Thấy mọi người làm ăn xôm tụ quá. Lại thấy nhà của ông L. hoành tráng nên tin tưởng”.

Ông D. cho biết từng chứng kiến cảnh rất đau lòng khi người bị lừa đến nhà ông L. đòi tiền.

“Đêm 21/10, khi hay tin mọi việc đổ bể, tôi đến nhà ông L. chứng kiến một anh thanh niên quỳ trước nhà ông L. từ 4 giờ chiều đến 22 giờ tối để xin trả 300 triệu đồng đưa cho bạn gái mổ tim nhưng người nhà ông L. không đáp ứng. Trước đó anh này cũng bị ông L. lừa hơn 1 tỉ đồng, trong đó có hơn 300 triệu đồng vay của bạn gái”, ông D. nói.

Tương tự, bà Diễm. (nhà ở quận 2, TP.HCM) chỉ vì tin tưởng đã cầm cố nhà để có tiền đưa cho ông L. 1,54 tỉ đồng nhưng đến nay ông L. vẫn bặt vô âm tín.

“Đây là lần đầu tiên tôi làm ăn với ông L. Chỉ vì tin tưởng, tôi đã thế chấp nhà đưa hết tiền cho ông L. Giờ mà không đòi được tiền, coi như tôi mất nhà vì không biết lấy tiền ở đâu để trả nợ”, bà Diễm chua xót nói.

Làm từ thiện để tạo vỏ bọc

Ông D. - một trong những nạn nhân - cho biết trước khi kinh doanh iPhone, ông L. kinh doanh nước hoa và tạo được ít nhiều uy tín với một số người. Ông L. còn tạo lập một nhóm trên mạng có tên “nghiện nước hoa” có nhiều người tham gia.

Để tạo vỏ bọc và gây thanh thế cho bản thân, ông L. thường xuyên bỏ tiền, thậm chí cả hàng trăm triệu đồng, để tổ chức những cuộc từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, với sự tham gia của các thành viên trong nhóm “nghiện nước hoa” và bạn hàng.

“Tôi từng đi từ thiện với ông L. Cứ nghĩ ông hay làm từ thiện sẽ làm ăn đàng hoàng chứ đâu ngờ ổng làm từ thiện để tạo vỏ bọc cho mình để đi lừa người khác”, ông D. nói.

Theo Trung Hiếu

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.