Những bài học đắt giá

Thẩm phán Đặng Phúc Lâm đang tuyên đọc bản án trong phiên tòa đại hình, sau khi vừa làm oan cho bốn thanh niên
Thẩm phán Đặng Phúc Lâm đang tuyên đọc bản án trong phiên tòa đại hình, sau khi vừa làm oan cho bốn thanh niên
TP - Qua bài viết về các vụ án oan, các PV Tiền Phong thử rút ra những bài học kinh nghiệm, giúp hạn chế thấp nhất việc làm oan cho người vô tội.

>> Kỳ 7: Kháng nghị là có căn cứ

Thẩm phán Đặng Phúc Lâm đang tuyên đọc bản án trong phiên tòa đại hình, sau khi vừa làm oan cho bốn thanh niên
Thẩm phán Đặng Phúc Lâm đang tuyên đọc bản án trong phiên tòa đại hình, sau khi vừa làm oan cho bốn thanh niên.


Vô cảm trước lời kêu oan

Ngay khi Tiền Phong đăng tải loạt bài này, đã có nhiều bạn đọc gọi điện, gửi thư về tòa soạn, đặt câu hỏi: Hồ sơ cơ quan điều tra “chuốt đi chuốt lại” sạch sẽ rồi, đối tượng nhận tội rồi, vậy thẩm phán - chỉ đọc hồ sơ thôi - làm sao cởi oan được cho các bị cáo? Trong vụ án này, chẳng lẽ chỉ mỗi cơ quan xét xử cấp sơ thẩm phải chịu trách nhiệm trong việc làm oan?

Bài viết này chưa bàn đến trách nhiệm của các cán bộ, các cơ quan liên đới trong việc làm oan cho bốn thanh niên ở phường Hà Lầm. Vấn đề cần bàn là: Khi hồ sơ của CQĐT bị sai lệch, người không phạm tội bị ép thành “tự giác đầu thú, chủ động khai báo hành vi phạm tội”, khi đó các khâu truy tố, xét xử tiếp theo, có cách nào để phát hiện, xử lý?

Từng theo dõi nhiều phiên tòa hoặc những cuộc điều tra minh oan, từng trao đổi kỹ với các luật sư và cả các cán bộ tiến hành tố tụng, PV Tiền Phong nhận thấy, thực ra những vụ án oan có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết.

Dấu hiệu nổi bật là khi ra tòa, các bị cáo đều không nhận tội, kêu oan, đồng thời tố cáo những hành vi bức cung, nhục hình của các cán bộ điều tra. Vụ án ba thanh niên “cướp tài sản, hiếp dâm” ở Hà Nội (xem loạt bài Kỳ án mười năm uẩn khúctrên Tiền Phong), vụ án một số công dân bị quy “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang, vụ án bốn thanh niên “cướp tài sản” ở Quảng Ninh... đều có chung dấu hiệu này.

Những người tham gia giải oan những vụ án này thường không đi sâu vào lời khai của các bị cáo có trong hồ sơ, vì nó không đủ độ tin cậy. Ngược lại, họ nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ, đi sâu vào những chứng cứ khách quan như hiện trường, vật chứng, lời khai ban đầu của bị hại, nhân chứng... Họ không bỏ qua, mà trái lại, họ lật đi lật lại, nếu cần tự mình phúc cung, thực nghiệm, đối chất, nhằm phát hiện, củng cố những chứng cứ ngoại phạm của các bị cáo.

“Thử nghĩ xem, nếu con em mình chẳng may bị làm oan, đau xót biết nhường nào?”, một cán bộ cao cấp của Viện KSND Tối cao phát biểu với các PV (vị cán bộ này từng tham gia giải oan cho bốn bị án, khi còn là Viện trưởng một Viện KSND cấp tỉnh), “Muốn tránh làm oan, trước hết, người cán bộ tiến hành tố tụng đừng thờ ơ, đừng vô cảm trước lời kêu oan của bị can, bị cáo”.

Tôn trọng quan điểm của luật sư

Một dấu hiệu nữa để nhận biết án oan, đó là trước hoặc tại các phiên tòa, các luật sư thường có bài kiến nghị, bào chữa rất công phu, rất chi tiết, rất giàu cảm xúc nữa, và kết thúc bằng lời đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tuyên bố thân chủ của họ không phạm tội, hoặc chí ít cũng điều tra bổ sung hoặc điều tra lại.

Qua loạt bàiKỳ án mười năm uẩn khúc trên Tiền Phong, bạn đọc đã biết, nếu đối chiếu bản kháng nghị minh oan cho ba bị án ở Hà Đông của Viện KSND Tối cao với bản luận cứ bào chữa của các luật sư tám năm về trước, sẽ thấy nội dung hai văn bản này hầu như trùng khớp.

Những ai từng theo dõi phiên tòa xét xử một số công dân bị tình nghi “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang đều nhận thấy, quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của HĐXX nêu ra mười yêu cầu, chúng hầu hết do các luật sư kiến nghị tại tòa. Viện KSND và CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang sau đó đã đình chỉ vụ án vì không thể “bổ sung” được thêm gì, nhờ đó các bị can đã được minh oan.

Vụ án bốn thanh niên bị làm oan ở Quảng Ninh, quan điểm của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm đã bị HĐXX bỏ qua, nhưng sau đó, những quan điểm này hầu như trùng khớp với nhận định của HĐXX phiên tòa phúc thẩm.

Có thể nêu thêm rất nhiều ví dụ tương tự. Trong việc phòng chống làm oan cho người vô tội, có thể nói không ngoa rằng các luật sư chính là những người tiên phong. Điều này dễ hiểu, bởi họ là những người giữ vai trò phản biện cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vì nhiều lý do, một số cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đang giữ thái độ thiếu thiện cảm, thậm chí gây khó khăn cho việc tác nghiệp của các luật sư. Thực hiện Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, những phiên tòa của chúng ta đang ngày càng dân chủ hơn, nơi các luật sư đang ngày càng được tạo điều kiện để hoàn thành tốt vai trò của mình.

Sự nguy hiểm của bệnh thành tích

Một số bạn đọc tâm huyết gửi thư về tòa soạn Tiền Phong, nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến làm oan, chính là tại “bệnh thành tích” đang tồn tại dai dẳng ở nhiều cơ quan, nhiều cán bộ (không chỉ trong các cơ quan tiến hành tố tụng) của chúng ta.

Theo dõi nhiều vụ án oan, những người viết bài này nhận thấy, vào thời điểm bắt giữ đối tượng tình nghi, các cán bộ điều tra đều có niềm tin nội tâm rằng đối tượng đã có hành vi phạm pháp. Hầu như không ai cố tình bắt oan một người, khi mà trong thâm tâm họ biết rõ người đó không phạm tội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những người bị làm oan thoát ra khỏi vòng dây oan trái thường vô cùng khó khăn. Quá trình điều tra, truy tố, dường như người ta đã thu thập được chứng cứ cởi oan cho họ, nhưng rồi những chứng cứ đó lại bị bóp méo, bị đánh giá sai, thậm chí bị vứt ra khỏi hồ sơ vụ án. Điển hình là vụ án ba thanh niên ở Hà Đông.

Khi xác minh theo đơn kêu oan của các bị án, các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà Nội và của trung ương đã nhận thấy hàng loạt tài liệu cởi tội cho các bị án đã bị “mất” một cách khó hiểu, không có trong hồ sơ vụ án.

Không ai muốn thừa nhận đơn vị mình, địa phương mình có sai phạm. Các bản sơ kết, tổng kết, đọc lên chỉ nghe xoang xoảng âm hưởng của... thành tích.

Vụ án bốn thanh niên ở Hà Lầm bị làm oan, rồi bị “bồi thường chui”, có lẽ cũng xuất phát từ “bệnh thành tích”. Theo một nguồn tin, các bản báo cáo sơ kết tổng kết, đề nghị khen thưởng, tăng lương, bổ nhiệm... của một loạt cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh đều ghi những năm qua, họ đã công tác tốt, không để xảy ra vụ án nào làm oan cho người vô tội.

Và cứ thế, một thẩm phán vừa làm oan xong, lại được ngồi ghế chủ tọa phiên tòa đại hình, để phán quyết về sự sống cái chết của các bị cáo...

MỚI - NÓNG