Những bản kết luận pháp y bất thường

Bố con Đỗ Quang Thiện mong ngày Thiện được giải oan.
Bố con Đỗ Quang Thiện mong ngày Thiện được giải oan.
TP - Căn cứ những kết luận pháp y đầy mâu thuẫn, các cơ quan tố tụng không ít lần lỡ điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án oan sai. Tại Đắk Lắk, cả 2 vụ đưa nam sinh Đỗ Quang Thiện và nông dân Trần Ngọc Trung vào tù đều bắt nguồn từ bản kết luận pháp y bất thường. 

Từ kỳ án “áp giải học sinh giữa sân trường”

Chuỗi bài điều tra năm 2015 của báo Tiền Phong với những bằng chứng cho thấy nam sinh Đỗ Quang Thiện bị kết án oan, chỉ vì đưa một người xa lạ là ông Lê Phước Thọ bị đột quỵ ngã giữa đường vào bệnh viện cấp cứu, sau đó bị vu gây tai nạn giao thông khiến ông Thọ liệt nửa người.

Cậu học trò vô tội thành phạm nhân, vì bản giám định pháp y (GĐPY) thương tích số 1164 kết luận ông Thọ chấn thương sọ não, liệt nửa người trái, tỷ lệ thương tật 50%, do giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk (TTPY) kiêm giám định viên Từ Công Hiển ký.

Trong khi chứng cứ minh oan cho Thiện, là công văn (CV) 696 do Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk hồi âm Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột từ ngày 26/9/2013, khẳng định ông Thọ đột quỵ do bệnh lý chứ không phải bị tai nạn giao thông. Ngày 20/5/2015, ngay sau khi báo Tiền Phong in nguyên bản CV 696, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, và quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi Thiện đã vào tù 2 tháng. Vượt qua nỗi đau cả tinh thần lẫn thể xác, Thiện đã thi tốt nghiệp THTP đạt loại khá và được trường FPT trao học bổng, đặc cách nhận vào hệ cao đẳng tại TPHCM.

Ngày 26/1/2016, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử giám đốc thẩm, ghi nhận khi xảy ra “hành vi phạm tội”, Đỗ Quang Thiện mới 16 tuổi 10 tháng 30 ngày, không tiền án tiền sự với khẳng định: “Kết luận của TTPY thuộc Sở Y tế Đắk Lắk và kết luận của các BV đã điều trị cho ông Lê Phước Thọ trái ngược nhau!”, và phân tích: TTPY không khám trực tiếp cho người bị hại để xác định nguyên nhân thương tích là có phần chủ quan, không bảo đảm tính chính xác...

TAND Cấp cao ghi nhận việc Viện KSND Tối cao đã có CV phân tích những mâu thuẫn trong bản Kết luận pháp y số 1164 dẫn đến việc kết án Đỗ Quang Thiện về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là chưa đủ cơ sở vững chắc. Vì vậy, TAND Cấp cao đã tuyên hủy cả bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, lẫn bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột, để điều tra lại.

Cuối tháng 3/2016, bố con em Đỗ Quang Thiện gặp PV báo Tiền Phong gửi đơn xin các cơ quan tư pháp sớm minh oan cho Thiện. Tuy nhiên đến nay, Thiện vẫn còn mang thân phận bị can. Trao đổi với báo Tiền Phong, đại tá Vũ Hòa Bình, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết, các điều tra viên đang thực hiện các bước tiếp theo, bảo đảm đúng các quy định pháp luật.

Đến vụ người chồng bị tố gí điện giết vợ

Bị cáo Trần Ngọc Trung hiện vẫn ngồi sau song sắt trại giam thi hành bản án phúc thẩm và đến ngày 7/10/2016 mới hoàn tất 2 năm thi hành án. Trong phiên tòa phúc thẩm lần hai vào chiều ngày 1/9/2016 tại TAND tỉnh Đắk Lắk, khi Hội đồng xét xử cho nói lời cuối cùng, bị cáo Trung uất nghẹn kêu: Xin tòa cho tôi sớm ra tù, tôi sẽ chống án và kêu oan tới cùng! Hàng chục nhân chứng là nông dân hàng xóm phẫn nộ la ó, vì họ đã 4 lần bỏ việc đồng áng để dự tòa (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) để kêu oan cho ông Trung nhưng cả 4 lần Hội đồng xét xử đều “không lắng nghe”.

Lý do các cơ quan tố tụng kết tội ông Trung, cũng căn cứ vào bản kết luận GĐPY số 164 do giám đốc TTPY Từ Công Hiển ký. GĐPY số 164  ghi “Căn cứ hồ sơ bệnh án”, dù toàn bộ hồ sơ bệnh án của BVĐK Thiện Hạnh nơi bà Như Thị Giang nhập viện xác nhận bà Giang chỉ bị bệnh nội khoa, không có thương tích trên thân thể. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, bác sĩ Hoàng Dũng từng trực tiếp thăm khám điều trị cho bà Giang tại BVĐK Thiện Hạnh đã bàng hoàng khẳng định suốt những ngày điều trị tại BV này, bà Giang không hề có các vết thương “tổn thương cháy xém 1/3 mông phải 1x2cm; và nhiều chỗ ở mặt trong 1/3 dưới cẳng chân trái khoảng 5x7cm” như  bản GĐPY số 164 được lập 100 ngày sau đó. 

Tại tòa, luật sư Phan Ngọc Nhàn bào chữa miễn phí cho ông Trung chứng minh bản GĐPY số 164 chỉ mô tả theo những tấm ảnh bà Giang tự thuê người chụp, có dấu hiệu photoshop nhằm vu khống ông Trung cố ý giết người. Vì giám định viên vẫn cáo bận không đến, luật sư đề nghị áp giải giám định viên đến làm rõ vì sao có bản GĐPY vô lý kia nhưng bị tòa bác bỏ. Chính thẩm phán Văn Công Dần, người từng ban hành bản án phúc thẩm phạt em Thiện 9 tháng tù giam, tại phiên tòa này vẫn cho rằng GĐPY là căn cứ pháp lý tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Trung 2 năm tù giam!

Lúc vụ án Đỗ Quang Thiện còn sục sôi dư luận, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk hứa sẽ sớm tìm nhân sự khác “đàng hoàng hơn” cho ghế giám đốc TTPY. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lời hứa là sự thật, ông Trung đã không lãnh bản án gây bất bình sâu nói trên. Bác sĩ Phạm Xuân Toàn- nguyên Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia khẳng định: Trước sự tác động, mua chuộc, giám định viên không liêm khiết, bản lĩnh rất dễ làm sai lệch vụ việc, khiến kết quả GĐPY không còn đúng với thực tế.

MỚI - NÓNG