Những bất thường ở huyện nghèo nhất nước

Trường Dân tộc nội trú do vợ ông Chất làm thủ quỹ bớt khẩu phần của học sinh
Trường Dân tộc nội trú do vợ ông Chất làm thủ quỹ bớt khẩu phần của học sinh
TP - Hàng loạt sai phạm ở huyện nghèo miền núi rẻo cao Minh Hóa, Quảng Bình kể từ khi ông Đinh Minh Chất lên giữ chức Chủ tịch UBND huyện đã được các cơ quan chức năng thanh kiểm tra và kết luận. Tuy nhiên, việc nương nhẹ, thậm chí cho qua không xử lý khiến dư luận ở đây bất bình và tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Kỳ 1: Quái chiêu dùng người

Trường Dân tộc nội trú do vợ ông Chất làm thủ quỹ bớt khẩu phần của học sinh
Trường Dân tộc nội trú do vợ ông Chất làm thủ quỹ bớt khẩu phần của học sinh.

Miễn nhiệm trưởng, bổ nhiệm làm phó phụ trách

Cuối năm 2008, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình kiểm tra các dấu hiệu vi phạm tại huyện Minh Hóa, phát hiện ông Đinh Minh Chất đưa bà Đinh Thị Hồng Thiếp từ một doanh nghiệp về làm Trưởng BQL các dự án kinh tế miền núi huyện (ban A) mà không kiểm tra lý lịch, không lập hội đồng kiểm tra sát hạch năng lực, không ký hợp đồng theo quy định.

Hậu quả việc làm này dẫn đến hàng loạt sai phạm trong quản lý các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) của ban A, trong thời gian bà Thiếp giữ chức Trưởng ban. Đơn cử, công trình lớp học xóa mù ở bản Lòm đã ký hợp đồng xây dựng nhưng không thi công, mà dùng hồ sơ dự án này để nghiệm thu cho công trình nhà ở của đội công tác Biên phòng Ra Mai với số tiền gần 50 triệu đồng; Công trình đường vào trường bắn, UBND huyện lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện.

Nhà thầu thi công tự ý thay đổi nguồn cung cấp vật liệu để hưởng chênh lệch gần 76 triệu đồng, nghiệm thu khống khối lượng gần 14 triệu đồng. Hàng loạt công trình khác cũng bị phát hiện bị rút ruột.

UBKT Tỉnh ủy yêu cầu UBND huyện có hình thức kỷ luật bà Thiếp, không bố trí làm Trưởng ban A, đồng thời chỉ đạo thu hồi tiền nghiệm thu khống. Một năm sau, ngày 24-12-2009, Chủ tịch huyện Minh Hóa mới có quyết định buộc bà Thiếp thôi giữ chức trưởng ban A. Bất ngờ là cùng ngày, UBND huyện lại có thông báo gửi Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa, bổ nhiệm bà Thiếp làm…

Phó ban phụ trách ban A, với lý do chờ tìm người làm trưởng ban. Đến nay, sau hơn nửa năm, ban A có trưởng ban mới, bà Thiếp vẫn tiếp tục làm phó ban. Điều khiến dư luận bất bình là cùng với việc trên, UBND huyện không chỉ đạo thu hồi tiền nghiệm thu khống ở nhiều công trình XDCB mà các kết luận thanh, kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy và Sở Xây dựng đã làm rõ.

Cũng thời gian này, UBND huyện Minh Hóa có nhiều quyết định giao cho Phòng Công Thương thực hiện nhiều dự án XDCB do UBND huyện làm chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Ngày 5-5-2010, Phòng Công Thương đã xin trả toàn bộ hồ sơ, chứng từ 7 công trình cho ban A quản lý theo đúng quy định.

Gia đình trị

Thông báo kết luận kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy (13-11-2008) và Kết luận thanh tra của Sở Nội vụ (7-12-2009) đã bóc tách nhiều sai phạm của Huyện ủy và UBND huyện Minh Hóa trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, cho thấy dấu hiệu bè cánh, gia đình trị.

Ngoài việc bổ nhiệm bà Thiếp, ông Chất còn trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới bổ nhiệm bà Đinh Thị Hồng Hướng làm hiệu trưởng trường Mầm non Yên Đức khi bà này chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của Bộ GD&ĐT; ký hợp đồng và bố trí ông Đinh Quang Thành, làm việc tại phòng Tư pháp trái quy định.

Nhiều người nhà của ông Chủ tịch UBND huyện như bà Đinh Thị Phương (được tuyển thẳng vào biên chế, làm việc ở trường PTDT nội trú huyện), ông Đinh Hoàng Anh (được tuyển dụng làm cán bộ Tư pháp xã Dân Hóa sai quy định.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, trường Dân tộc nội trú huyện là trường THCS, nhưng bà Đinh Thị Lương (vợ ông Chất) và bà Đinh Thị Phương (vợ một phó chủ tịch UBND huyện) chỉ có trình độ trung cấp, làm giáo viên cấp 1, vẫn được tiếp nhận, bố trí dạy một số tiết để nhận tiền đứng lớp.

Ông Đoàn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng trường DTNT giải thích: "Khi tôi làm hiệu trưởng 2 cô này đã công tác ở đây, hơn nữa có những áp lực tôi không thể làm khác được". Được biết, bà Lương còn làm thủ quỹ trường, có trách nhiệm liên quan trong vụ bớt xén khẩu phần ăn của con em dân tộc, vừa bị đoàn kiểm tra UBND huyện phát hiện, lập biên bản.

Những sai phạm trong công tác tuyển dụng thể hiện rõ nhất trong ngành giáo dục huyện này và có dấu hiệu thao túng của ông Chủ tịch huyện. Từ năm 2007, trong số 143 viên chức được xét tuyển, có 127 viên chức giáo dục. Kết luận thanh tra của Sở Nội vụ chỉ rõ nhiều sai phạm lớn trong tuyển dụng viên chức giáo dục như:

Không niêm yết thông báo điều kiện tuyển dụng, cộng điểm ưu tiên tràn lan, tuyển sai đề án. Trường THCS Xuân Hóa còn tuyển người có số điểm thấp nhất trong số các ứng viên (người này là người nhà ông Chất, còn Phòng GD&ĐT bổ nhiệm người có bằng sơ cấp lên làm phó hiệu trưởng.

Đáng lưu ý, chính Trưởng phòng GD&ĐT huyện, bà Đinh Thị Thanh Hương cũng là người nhà ông Chất. Từ một phó hiệu trưởng bà Hương được ưu ái bổ nhiệm thẳng lên phó trưởng phòng phụ trách phòng rồi leo lên tiếp Trưởng phòng GD&ĐT dù không có trong quy hoạch cán bộ, nên nhiều người cho rằng có một đường dây liên hệ giữa bà Hương và ông Chất trong việc bố trí người nhà vào ngành giáo dục, bất chấp quy định của Nhà nước.

Còn nữa

MỚI - NÓNG