Những điều chưa biết về vụ 'ăn đất' Đồ Sơn

Những điều chưa biết về vụ 'ăn đất' Đồ Sơn
Kéo dài tới 4 năm kể từ giai đoạn thanh tra, vụ án tham nhũng đất đai Đồ Sơn sắp được TAND TP Hải Phòng đưa ra xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Những người thụ lý, điều tra nói gì về vụ án tham nhũng đất đai nổi cộm này?
Những điều chưa biết về vụ 'ăn đất' Đồ Sơn ảnh 1

Một quyết định giao đất trái pháp luật trong vụ đất đai Đồ Sơn.

Khi thụ lý vụ án Đồ Sơn, Thiếu tướng Trần Văn Nho đang mang hàm Đại tá, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT. Đầu tháng 3/2005, ông nhận được chỉ đạo của Bộ Công an về việc giao Văn phòng Cơ quan CSĐT trực tiếp thụ lý, điều tra vụ án trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ số 694/TTCP - V4 về việc thanh tra đơn tố cáo của ông Đinh Đình Phú.

Lập biên bản khống đánh lừa CQĐT

"Nhận nhiệm vụ vào thời điểm này nhưng trước đó tôi cũng đã biết vụ việc tham nhũng ở Đồ Sơn vì ngay từ năm 2003, 2004, báo chí, dư luận đã phản ánh một Đại tá Quân đội nghỉ hưu tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng, trục lợi đất đai trên địa bàn. Đơn của ông Phú cũng gửi tới Cơ quan CSĐT của Bộ, tuy nhiên theo quy trình còn phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ" - Thiếu tướng Trần Văn Nho nhớ lại.

Nhiều năm làm nghề điều tra, giữ các cương vị khác nhau nên ông rành rọt các thủ đoạn tham nhũng và đối phó của những sâu mọt đất đai.

Nhiều chuyện, khi điều tra viên yêu cầu kiểm tra, đối chứng hồ sơ thì thấy hồ sơ vẫn đầy đủ cả! Khi xác minh việc giao đất cho 113 hộ tái định cư theo Quyết định số 1381/QĐ-UB ngày 23/6/2003 của UBND TP Hải Phòng, vẫn có 3 biên bản về việc họp hội đồng xét duyệt giao đất tái định cư.

Đơn ông Phú và các lời khai nói không có việc họp hội đồng, những người này tự ý chia chác đất, vậy mà kiểm tra vẫn có 3 biên bản với đầy đủ chữ ký, thế thì biên bản này ở đâu ra?

Biên bản ghi cuộc họp xét giao đất tái định cư vào ngày 13/5/2003 tại phòng họp Thị uỷ thị xã Đồ Sơn, còn hội đồng xét duyệt thành lập theo Quyết định số 113/QĐTU ngày 26/11/2002. Nếu xét các văn bản này thì việc xét duyệt là hợp pháp, tức người tố cáo đã tố cáo sai.

Nhưng nghiệp vụ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng cho phép các điều tra viên đặt câu hỏi đằng sau những giấy tờ tưởng như hợp pháp đó. Và các anh đã vào cuộc làm rõ sự thật. Ngay lập tức, những người có tên trong hội đồng xét duyệt, những người có tên trong cuộc họp ghi biên bản bất ngờ được triệu tập và lấy lời khai.

Việc lấy lời khai độc lập và bất ngờ khiến giữa những người này không có sự bàn bạc, trao đổi trước để tránh sự thông đồng trong lời khai. Kết quả, phần lớn các thành viên có tên trong hội đồng xét duyệt ngày 26/11/2002 xác định họ không được biết mình là... thành viên trong hội đồng!

Còn cuộc họp giao đất được coi là dân chủ, công khai với 3 biên bản thì sao? Những người này cuối cùng thừa nhận họ không được tham gia bất kỳ cuộc họp nào và những chữ ký trong biên bản hoàn toàn là chữ ký khống.

Sự việc này được xác định: ông Hoàng Anh Hùng và một số người khác đã bày trò nhằm đánh lạc hướng cơ quan CSĐT, tạo ra chứng cứ giả.

Có lúc dư luận hoài nghi cả CQĐT

Nghiêm túc, thận trọng vậy, thế mà có lúc dư luận cũng có thông tin không đúng. Đó là vào tháng 9/2006, tức sau khi vụ án đã được chuyển tới TAND TP Hải Phòng xử sơ thẩm, một tình tiết được đăng tải trên báo chí không đúng khiến có dư luận ngờ vực sự đúng đắn của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Ra tòa sơ thẩm lần đó, ông Chu Minh Tuấn chỉ với tư cách người liên quan chứ không phải bị cáo. Viện KSND tối cao không truy tố ông Tuấn ra trước tòa. Từ chỗ này, không ít thông tin đã cho rằng, CQĐT "ém" hành vi phạm tội của Tuấn, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và những khuất tất đằng sau đó.

Trở lại Cơ quan CSĐT, việc lúc này là chúng tôi muốn tìm hiểu là nắm lại bản kết luận của Cơ quan CSĐT và ý kiến của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT.

Đợi mãi đến cuối buổi chiều ngày 5/9/2006, tôi mới gặp được Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ khi suốt ngày hôm đó, ông bận sang Viện KSND tối cao dự cuộc họp liên ngành thực hiện kiến nghị của Thủ tướng về vụ án Đồ Sơn.

Rà soát lại bản kết luận điều tra, quả nhiên, trong đó ghi rõ việc CQĐT khởi tố và kết luận Chu Minh Tuấn có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Từ kết luận này, CQĐT đề nghị truy tố ông Tuấn về tội danh quy định tại Điều 285 - BLHS.

Chạy trời không khỏi nắng

Trong danh sách các hộ xin giao đất làm nhà ở khu dân cư Vụng Hương, phường Vạn Hương, thị xã Đồ Sơn có tên bà Phạm Thị Nguân, xếp thứ tự thứ 70, là vợ của ông Chu Minh Tuấn, diện tích 250m2.

Tuy nhiên, tại quyết định chính thức của UBND TP Hải Phòng số 807, ngày 2/4/2004, UBND TP đã gạt bỏ 28 hộ không có hộ khẩu tại thị xã Đồ Sơn, rút danh sách ban đầu từ 129 hộ xuống còn 101 hộ. Trong số 28 hộ bị gạt có tên bà Phạm Thị Nguân.

Đáng chú ý, mặc dù hai bản danh sách khác nhau (đề nghị cấp 129 suất - bản danh sách đầu, 101 suất - bản danh sách sau) ở 2 thời điểm khác nhau nhưng không hiểu vì sao UBND thị xã Đồ Sơn lại chỉ có 1 tờ trình và tờ trình này trên sổ sách lại không thay đổi số, ngày tháng và các nội dung khác!?

Một số nguồn tin cho rằng, có thể do sợ bị lộ khi UBND TP bác bỏ 28 cá nhân không có hộ khẩu ở Đồ Sơn, UBND thị xã Đồ Sơn đã huỷ tờ trình cũ, huỷ chứng cứ, thay tờ trình mới với số, ngày tháng giống nhau. Mặc dù vậy, với hành vi cài tên vợ vào danh sách để trình lên UBND TP cũng đã đủ chứng minh động cơ vụ lợi của ông Tuấn.

Trên thực tế, khi đề nghị truy tố các đối tượng về tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có ý kiến cho rằng UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi đất cấp sai đối tượng, mục đích, tức hậu quả đã được khắc phục, không còn nghiêm trọng.

Quyết định là vậy nhưng khi Thiếu tướng Nho cử cán bộ xuống hiện trường tìm hiểu thì có 6-7 suất đất đã được bán cho kẻ khác, kiếm lợi từ 500 đến 700 triệu đồng mỗi suất. Cháo người ta múc rồi, thế thì hậu quả đã được khắc phục là ở đâu?

Theo Đăng Trường
CAND

MỚI - NÓNG