Những màn kịch của siêu lừa đảo Phan Thị Yên Phương

Những màn kịch của siêu lừa đảo Phan Thị Yên Phương
Từ quê lên thành phố nhưng Phan Thị Yên Phương đã có trong tay khá nhiều chiêu “độc” . Hàng chục người đã bị Phương chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng và 77 lượng vàng.
Những màn kịch của siêu lừa đảo Phan Thị Yên Phương ảnh 1
Khám xét nơi lamg việc của Phan Thị Yên Phưong

Nếu không phải là tác giả hàng chục phi vụ lừa đảo, hẳn Phan Thị Yên Phương đã có thể xem như một tấm gương vượt khó điển hình. Phương sinh năm 1973 tại xã Phước An, một xã nghèo thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định. Cha mẹ đều là giáo viên nên ngay từ nhỏ, Phương đã được giáo dục khá cẩn thận. Là chị cả trong gia đình nên cô gái này tỏ ra khá đảm đang. Ngày đi học, tối lên ga Diêu Trì bán trà đá, hầu như đêm nào Phương cũng rong ruổi theo những đoàn tàu dọc ngang giữa hai ga Diêu Trì (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên).

Khá vất vả nhưng Phương vẫn học hành đến nơi đến chốn. Năm 1992, 19 tuổi, học xong trung học, Phương một thân một mình vào TP HCM làm “Ô sin” giúp việc nhà. Khi đã kiếm được một số vốn nho nhỏ, Phương quyết định tự lập bằng nghề bán chè và đậu hũ rong, sau đó xin vào làm công nhân may cho Xí nghiệp Bình Minh. Không nhờ cậy sự bao cấp của gia đình, cô vừa làm vừa học và thi đậu vào Trường trung cấp Quân y.

Tưởng như đến đó, cô gái quê này sẽ có cơ hội lương thiện đổi đời với vốn tri thức và kinh nghiệm vừa tích lũy được. Nhưng không, mảnh bằng trung cấp nghề thuốc chính là phương tiện đầu tiên mà Phương trang bị được để bắt đầu cho những phi vụ lừa đảo.

Màn I: Kim thiền thoát xác

Khoảng tháng 10/1999, Phương đã ký hợp đồng làm trình dược viên cho Công ty Hoàng Khang. Nhiệm vụ của Phương là tiếp thị dược phẩm đến các bệnh viện, nhà thuốc, cơ sở y tế. Khi khách hàng chấp thuận mua thuốc theo giá quy định của công ty, Phương được phép giao hàng, nhận tiền và nộp lại cho công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn bán hàng.

Trong khoảng 7 tháng làm việc, Công ty Hoàng Khang đã trả cho Phương 14,6 triệu đồng tiền lương, gần 34 triệu đồng tiền chiết khấu, còn hỗ trợ thêm cho thị trên 6 triệu đồng tiền “giải quyết khó khăn”. Vào thời điểm năm 2000, đó là một khoản thu nhập rất “đáng nể”. Nhưng Phương vẫn chưa thỏa mãn. Toàn bộ tiền bán thuốc các tháng 4, 5, 6/2000, thị vẫn thu đủ của khách hàng nhưng không nộp đủ cho công ty mà cố tình giữ lại hơn 65 triệu đồng (trên tổng số 875 triệu đồng tiền bán hàng).

Ngày 3/7/2000, khi trò gian dối sắp bị lật tẩy, Phương đã dựng nên một màn kịch bị cướp. Phương trình báo với Công an phường 25, Bình Thạnh rằng bị 4 tên cướp đi trên 2 xe Suzuky ép xe trên đường Xôviết Nghệ Tĩnh cướp mất một số tài sản trong đó có 37,5 triệu đồng tiền bán thuốc. Màn kịch đầu tiên khá vụng nên khi dựng lại hiện trường vụ cướp, Phương đã mắc hàng loạt những sơ sót ngớ ngẩn.

Biết nuốt không trôi, ba ngày sau, Phương làm đơn gửi Cơ quan Công an xin... rút lại lời khai, biện hộ là do "đãng trí" nên nghĩ... nhầm là mình bị cướp. Mặt khác, chị ta cũng viết thư gửi BGĐ Công ty Hoàng Khang thừa nhận đã lấy tiền của công ty chi tiêu cho cá nhân, cam kết sau một tuần sẽ chuyển lại cho công ty 10 triệu đồng, số còn lại sẽ trừ dần vào lương. Tuy nhiên, Phương chỉ hứa nhưng không thực hiện, hứa xong là bỏ việc ngay, không chịu thanh toán nợ. Hai ngày 2 và 3/9/2001, người của Công ty Hoàng Khang và Công an phường 17, Gò Vấp tìm đến nơi cư trú, Phương vẫn không mở cửa, không chịu gặp.

Màn kịch này tiếp tục được Phương trình diễn với Công ty Kinh doanh dược phẩm Thiên Y. Là trình dược viên thử việc nên Phương không được phép trực tiếp giao hàng, nhận tiền, chỉ được viết đơn đặt hàng và giao cho trưởng nhóm, việc giao hàng nhận tiền có bộ phận khác lo. Nắm được tâm lý của bộ phận bán hàng là muốn bán hàng nhanh, Phương đã tìm cách giúp hai nhân viên Hà Thắng và Lưu Chí Lợi giao hàng một số chuyến, nhận tiền giúp và giao nộp đầy đủ.

Lấy được lòng tin, trong 20 ngày cuối tháng 8/2001, Phương đã nhận của 2 nhân viên này 5 lô thuốc trị giá 229 triệu đồng, nhưng thay vì đem giao hàng nhận tiền với khách hàng là Trung tâm Ung bướu TP và Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, Phương lại đem bán chúng cho một số tư nhân khác với giá thấp hơn giá ghi trên hóa đơn, lấy tiền bỏ túi riêng.

Công ty Thiên Y tố cáo, bị Công an quận 10 gửi giấy triệu tập, Phương cố tình lẩn trốn. Vì vậy, ngày 4/10/2001, Phương đã bị CQĐT Công an quận 10 bắt khẩn cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Thiên Y. Với số nợ cố tình không thanh toán ở Công ty Hoàng Khang, Phương bị khởi tố thêm tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Màn II: Tay không bắt giặc

Sau 4 tháng bị tạm giam, ngày 21/10/2002, Phan Thị Yên Phương đã được cho tại ngoại điều tra. Nguy cơ đối diện với luật pháp không hề khiến Phan Thị Yên Phương nao núng và tu tỉnh. Vừa được tại ngoại, Phương đã lập tức khuân về nhà hàng đống sách luật, chủ yếu là các bộ sách Luật Hình sự và Luật Thương mại để nghiên cứu.

Khi TP HCM mở lớp đào tạo nghề luật sư, dù không đủ tư cách, tiêu chuẩn để tham gia học, quái nữ này vẫn đều đặn có mặt dự thính tất cả các buổi giảng. Quyết liệt và công phu, Phương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực để nghiên cứu cách thức biến các tội danh hình sự, các màn lừa đảo kinh tế nhằm chiếm đoạt tài sản thành các quan hệ giao dịch dân sự, phòng thủ sẵn phòng khi bị luật pháp sờ gáy một lần nữa.

Phương nhanh chóng thành lập Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Phú và một loạt công ty ma khác kinh doanh đủ loại ngành nghề, nhằm thông qua việc kinh doanh nhà đất và nhiều loại hàng hóa khác để tiến hành lừa đảo.

Ngày 25/6/2003, Phương thỏa thuận mua căn nhà số 65/4 Nguyễn Oanh, P.17, Gò Vấp của ông Nguyễn Tấn Đức với giá 580 lượng vàng nhưng nhờ ông Đức ký giấy bán nhà với giá 880 lượng, lấy lý do là để sau này hùn mở công ty hoặc bán lại cho người khác sẽ dễ dàng hơn. Chị ta làm thêm cho ông Đức một giấy xác nhận giá mua bán thật là 580 lượng.

Theo  hợp đồng, Phương đặt cọc trước 300 lượng vàng, công chứng xong sẽ giao tiếp 580 lượng và nhận nhà. Thực tế, Phương không hề đặt cọc lấy 1 xu. Công chứng xong, Phương hứa sẽ đưa đủ tiền một lần vào ngày 2/7/2003, trấn an ông Đức rằng Phương chỉ giữ hồ sơ công chứng, còn giấy tờ gốc căn nhà ông Đức vẫn giữ, nghĩa là hợp đồng chưa có giá trị. Vì chưa đăng ký trước bạ nên ông Đức cũng phần nào yên tâm, không đòi lại bản chính hợp đồng mua bán đã được công chứng.

Ngay lập tức, Phương đã mang bản hợp đồng này đến gạ bán căn nhà nói trên cho bà Lê Thị Bông ở 40 Trương Định, Q. Tân Bình với giá 3,5 tỉ đồng và cũng hẹn sẽ giao tiền, nhận nhà vào ngày 2/7. Đúng hẹn, tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, bà Bông đã giao cho Phương 3,2 tỉ đồng, 300 triệu còn lại sẽ giao nốt sau khi nhận nhà. Phương liền chuyển vào tài khoản của ông Đức 2,648 tỉ đồng (tương đương 400 lượng vàng) và lấy giấy tờ nhà từ tay ông Đức đưa cho bà Bông, số tiền còn lại Phương cất riêng.

Số nợ 180 lượng vàng của ông Đức, Phương hẹn trả sau 3 ngày. Nhưng mãi đến ngày 30/7, Phương mới trả thêm được 500 triệu đồng, đồng thời xin nhận nhà trước để mở công ty, số nợ còn lại sẽ trả vào ngày 30/8. Quá nhẹ dạ, ông Đức đã giao nhà cho thị để rồi hôm sau đọc báo mới tá hỏa khi thấy báo đăng việc bà Bông tố cáo Phương lừa đảo.

Khi ông Đức đến thu hồi nhà, Phương và gã em ruột Phan Quốc Thắng đã năn nỉ ông Đức, thề thốt là bị bà Bông vu khống, đồng thời giao giấy phép kinh doanh và con dấu tròn của Công ty TNHH Dược phẩm Phương Đạt do Thắng làm giám đốc cho ông Đức giữ làm tin, xin tiếp tục khất nợ. Sau đó là tiếp tục hàng chục lần khất và trốn nợ, Phương vẫn còn thiếu ông Đức 508 triệu đồng, tương đương 77 lượng vàng.

Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), Phương vẫn trơ tráo khẳng định đã trả hết tiền cho ông Đức vào ngày 2/7/2003. Thị trưng ra bằng chứng là một bản photocopy, trong đó ông Đức xác nhận “đã nhận 400 lượng vàng vào ngày 2/7/2003, đã nhận 180 lượng còn lại và Phương đã nhận nhà vào ngày 5/7/2003”.

Đối chiếu với bản chính ông Đức còn giữ và bằng các biện pháp so sánh kỹ thuật, CQĐT đã khẳèng định, tờ photo mà Phương trưng ra là giấy tờ giả mạo, chữ “sẽ” nhận 180 lượng và “sẽ” nhận nhà đều bị sửa thành chữ “đã”.

Trong khi đó, sau khi nhận 3,2 tỉ đồng tiền mua nhà của bà Bông, Phương đã... đổi ý, không bán nữa, xin bà Bông cho nhận lại giấy tờ nhà để thế chấp ngôi nhà này cùng với ngôi nhà 258/8D Nguyễn Văn Lượng cho Công ty Tài chính cao su để vay 4,5 tỉ đồng, lấy tiền trả lại cho bà Bông.

Để làm hồ sơ vay, Phương lại làm giả một hợp đồng mua bán thuốc tây giữa hai công ty Phương Đạt và Thiên Phú, cạo sửa hóa đơn cho phù hợp số tiền hàng đem nộp cho Công ty Tài chính cao su, vay được 3 tỉ đồng (đợt I). Phát hiện ra hành vi gian dối này, Công ty Tài chính cao su đã không cho vay tiếp đợt II mà ráo riết thu hồi nợ gốc, sau đó khởi kiện ra tòa.

Để tránh bị tòa phát mãi hai căn nhà, Phương đã gặp vợ chồng ông Nguyễn Dũng và bà Ngô Thị Bích Hà vay 4 tỉ đồng, lãi suất 0,5%/ngày, hẹn chỉ vay trong vài ngày, giải chấp xong sẽ bán hai căn nhà trả nợ. Nhận được 4 tỉ đồng, Phương đem 3,268 tỉ  đồng trả cả nợ lẫn lãi cho Công ty Tài chính cao su, lấy 2 bộ giấy tờ nhà về giao cho bà Hà.

Không trả nổi số nợ của vợ chồng bà Hà, Phương lại gạ bán cả hai căn nhà này với giá 8 tỉ đồng. Không đủ tiền mua, bà Hà gọi bạn là bà Trần Thị Hết hùn. Phương đòi đặt cọc 6 tỉ, nhận nhà xong sẽ giao 2 tỉ còn lại. Bên mua đồng ý. Bà Hết đã đưa cho Phương thêm 2 tỉ, cộng 4 tỉ đồng Phương nợ bà Hà vào thành 6 tỉ tiền cọc như thỏa thuận. Bà Hà giữ hồ sơ nhà 65/4 Nguyễn Oanh, bà Hết giữ hồ sơ nhà ở đường  Nguyễn Văn Lượng.

Nhận tiền xong, chiêu... không bán lại diễn ra. Ngắt 1,75 tỉ đồng trong số tiền bà Hết vừa đưa, Phương tìm đến bà Hà “trả trước” và xin đem giấy tờ về, còn lại sẽ trả sau. Nhưng lấy lại hồ sơ xong là Phương lặn luôn, nhà không giao mà tiền cũng không trả. Cũng như lần trước, thị lại chuẩn bị sẵn những giấy tờ giả mạo chứng nhận đã trả đủ tiền cho bà Hà và bà Hết và ung dung chiếm đoạt tiền nhà của các nạn nhân.

Màn III: Mượn đầu heo nấu cháo

Trần Quang Hậu, em ruột ca sĩ Cẩm Ly người đã nhiều lần cưu mang, giúp đỡ Phan Thăng Thạnh, em ruột của Phương. Lấy chiêu bài tình cảm “đền ơn đáp nghĩa”, Phương đồng ý cho Hậu và Thạnh mượn căn nhà nói trên để mở quán ăn, không lấy tiền thuê nhà. Thạnh và Hậu sẽ hùn mỗi người 150 triệu đồng để mở quán ăn Hương Lúa.

Số tiền này, Phương làm giấy mượn của Hậu trong vòng 5 năm không tính lãi. Thực tế, ngoài 150 triệu đồng này, Hậu còn phải góp thêm nhiều lần để sửa quán, tổng cộng tốn thêm 140 triệu đồng. Quán hoạt động, Phương đưa toàn người nhà vào quản lý thu chi, đẩy Hậu ra vị trí chạy bàn. Phương báo lỗ liên tục và liên tục gây khó dễ với Hậu. Quá nản, ông em cô ca sĩ nổi tiếng đành phải rút lui, mất toi 290 triệu đồng.

Trong khi Hương Lúa hoạt động, Phương thường cho người hoặc trực tiếp điện thoại đến các đại lý bia, nước ngọt gọi người chở hàng đến. Nhận hàng xong, thị thường xuất hóa đơn GTGT, yêu cầu chủ hàng ghi xác nhận “đã nhận đủ tiền” vào. Ngay sau đó, nêu hàng loạt lý do, thị hẹn khách hôm sau đến nhận tiền nhưng khi khách đến thì không bao giờ trả. Khách đòi lại hàng, Phương không ngần ngại xua hai tên em trai và nhân viên trong quán ra hành hung.

Kiểu bắt khách xác nhận đã nhận tiền trước, trả tiền sau rồi... xù, siêu lừa diễn đi diễn lại với hàng chục nạn nhân, chiếm đoạt của mỗi người từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi cú lừa. Cụ thể, Phương đã lừa Công ty TNHH Thương mại Hương Thủy 39 thùng sữa bột trị giá 48,3 triệu đồng, của anh Huỳnh Trung Ngôn ở Q.9 tất cả 120 thùng bia Heineken, 80 thùng bia Tiger, 10 thùng Coca-Cola, 5 thùng nước LaVie trị giá 41 triệu đồng, của Công ty Diệu Bình hơn 45 triệu đồng, chiếm đoạt của bà Nguyễn Ngọc Sương, chủ một kiốt tại chợ Bà Chiểu 23,7 triệu đồng...

Ngày 16/2/2004, Phương bị CQĐT Công an TP HCM bắt giữ. Khám xét nơi làm việc của Phương, CQĐT còn thu giữ thêm được 28 con dấu giả cùng hàng trăm bộ hồ sơ chứng từ bị cạo sửa, làm giả. Trong số này có cả 3 tấm bằng đại học mang tên và dán ảnh Phan Thị Yên Phương, dù ngày cấp bằng thậm chí trùng với khoảng thời gian nữ quái siêu lừa đang ngồi trong trại tạm giam!

Tổng cộng, Phan Thị Yên Phương đã lừa hàng chục người, chiếm đoạt gần 6 tỉ đồng và 77 lượng vàng. Dù vậy, làm việc với CQĐT, Phương vẫn nhất mực không khai nhận, vì “đó là bí mật kinh doanh không thể tiết lộ”

Theo Nguyễn Hồng Lam
CAND

MỚI - NÓNG