Những mâu thuẫn

Những mâu thuẫn
TP - Hồ sơ vụ án nhận hối lộ 9.000 USD vẫn làm kiểm lâm thể hiện hàng loạt mâu thuẫn, đồng thời cơ quan tố tụng có dấu hiệu bỏ lọt nhiều hành vi phạm tội.

>> Nhận hối lộ 9.000 USD vẫn làm kiểm lâm

Những mâu thuẫn ảnh 1
Bài báo trên Tiền Phong số ra ngày 6/8/2009

Về bản chất, Nguyễn Xuân Việt, nguyên trạm trưởng kiểm lâm Đèo Ngang; Võ Văn Hiệp và Nguyễn Minh Trung khó có thể cùng rủ nhau đến cơ quan CSĐT cùng lúc để tự thú. Phải có người đến trước, rồi mới có người đến sau khai báo.

Nếu Việt đến tự thú trước thì có nghĩa hành vi của Hiệp và Trung bị phát giác và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” và tội “Làm môi giới đưa hối lộ”.

Ngược lại, nếu Hiệp và Nguyễn Minh Trung đến cơ quan CSĐT tự thú hoặc tố giác trước thì có nghĩa là hành vi của Việt bị phát giác. Nếu như thế, việc tự thú của Việt không có ý nghĩa về mặt pháp lý, nên phải bị truy tố theo Khoản 3, Điều 279 BLHS với khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù giam chứ không thể là 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Tòa cho rằng cả ba người (môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ) đều tự giác khai báo, trước khi bị phát giác là không logic về mặt pháp lý.

Xin đơn cử tính tự giác mà tòa xác định cho bị cáo và người có nghĩa vụ có liên quan: Đối với Hiệp (chủ xe 73L - 4507) đến cơ quan CSĐT khai báo vì mục đích lấy lại số tiền đã hối lộ chứ không phải tự giác mang xe ô tô và số gỗ sưa (huê) đến cơ quan CSĐT để nộp. Do đó, không thể xem đây là tính tự giác để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và trả lại tang vật (9.000 USD).

Hành vi của Việt thể hiện tính chất nguy hiểm, từ việc bố trí người canh giữ xe và hàng nơi an toàn, nắm giữ chìa khóa xe hàng, đến việc hẹn địa điểm nhận tiền, đặt điều kiện chỉ gặp riêng Trung; giao nhận tiền trên xe ô tô của Việt bố trí sẵn.

Ngoài ra, việc Hiệp và Nguyễn Minh Trung đi bằng xe taxi ra Quảng Trạch để đưa hối lộ cho Việt 9.000 USD, có mặt Thái Thị Hồng (vợ Hiệp); trong khi đó Hoàng Minh Tiến (cháu Hiệp) là người báo tin cho Hiệp phải hối lộ 200 triệu đồng.

Như vậy, Hồng và Tiến phải biết được hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không tố giác kịp thời thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 68 Luật Phòng, chống Tham nhũng “Người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng”. Điều 314 BLHS về tội “Không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố, xét xử không đề cập vấn đề này.

Lọt hành vi vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đề nghị: Viện trưởng KSND Tối cao xem xét lại vụ án

Cuối năm 2008, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng (PCTN) có Văn bản số 926, gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét lại vụ án này.

Theo tướng Thành, vụ án đã bỏ sót nhiều tình tiết quan trọng, xét xử quá nhẹ các bị cáo, trả lại số tiền hối lộ, không yêu cầu cơ quan kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhất là bỏ qua trách nhiệm về số gỗ quý vận chuyển trái phép trong vụ án đã bị tẩu tán.

Theo một cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, khi nhận được Văn bản 926, thay vì kiểm sát vụ việc theo thẩm quyền, Viện KSND tối cao đã giao lại cho Viện KSND Tỉnh Quảng Bình (chính nơi kiểm sát điều tra vụ án từ đầu) để kiểm sát lại vụ án nên, đến nay, những sai sót trong vụ án vẫn chưa được làm rõ.  

Gỗ sưa (huê) thuộc loại quý hiếm (nhóm IA) là thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (theo NĐ số 32 ngày 30/3/2006); trước nguy cơ bị tuyệt chủng Bộ NN&PTNT đã ra Chỉ thị số 68 ngày 11/7/2007 về “Chỉ đạo chi cục kiểm lâm phối hợp với công an tỉnh tập trung điều tra làm rõ những đối tượng chuyên khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép gỗ sưa, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân vi phạm, trường hợp nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm - Sở NN&PTNT Quảng Bình đã ra văn bản số 296 ngày 26/7/2007, chỉ đạo các trạm kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động phối hợp với công an điều tra làm rõ những đối tượng chuyên khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép các loại sản phẩm gốc, rễ, cành, ngọn và các loại mảnh vụn từ gỗ sưa, kiên quyết xử lý nghiêm người vi phạm, trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình đã bỏ lọt hành vi của Võ Văn Hiệp và Hoàng Mạnh Tiến (chủ xe và lái xe chở thuê), Thái Bá Thủy (mua gom gỗ sưa thuê) và Dương Văn Lạp (người bỏ tiền nhờ Thủy mua gỗ sưa).

Điều khó hiểu hơn là cơ quan CSĐT chỉ căn cứ vào lời khai của chính người có hành vi vi phạm để xác định trên xe chở có 400kg gỗ sưa là thiếu cơ sở.

Tính theo thời giá tháng 7/2007 do Pháp chế Chi cục Kiểm lâm Tỉnh cung cấp, gỗ sưa loại 1 (có mặt 50cm dài trên 2m, giá 180 đến 200 triệu đồng/tấn); loại 2 (vai, mãnh, gốc, rễ có giá từ 30 đến 50 triệu đồng/tấn).

Như vậy, nếu loại 1 thì giá chỉ từ 80 đến 90 triệu đồng/400kg, nếu loại 2 thì giá từ 13 đến 20 triệu đồng/400kg. Điều này mâu thuẫn với lời khai mà cơ quan CSĐT công nhận cho họ là “số gỗ này do Dương Văn Lạp nhờ Thái Bá Thủy mua giá 200 triệu đồng”.

Phải khẳng định rằng, 200 triệu đồng thời điểm đó phải mua được trên một tấn gỗ sưa loại 1, hoặc trên bốn tấn gỗ sưa loại 2 chứ không thể là bốn tạ.

Bỏ qua luật

Đối với Nguyễn Xuân Việt tòa chỉ tuyên phạt ba năm tù cho hưởng án treo là chưa đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. Đã vậy, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình còn nương nhẹ hơn khi chỉ xử lý hành chính cách chức trạm trưởng của Việt và vẫn được giữ nguyên chức danh kiểm lâm viên trung cấp, hiện vẫn công tác trong ngành.

Việc làm này trái với Điều 69 Luật Phòng, chống Tham nhũng “trường hợp người bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải buộc thôi việc”.

Đối với Hạt trưởng Kiểm lâm Huyện Quảng trạch để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng, nhưng chưa bị xử lý kỷ luật là trái với khoản 2, Điều 55 Luật Phòng, chống Tham nhũng “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì phải bị xử lý kỷ luật”.

Điều 68 Luật Phòng, chống Tham nhũng quy định đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách”. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.