Những ngày hãi hùng của bé gái 13 tuổi trong 'tổ quỷ'

Những ngày hãi hùng của bé gái 13 tuổi trong 'tổ quỷ'
Hằng ngày Nhi thức dậy lúc 5 giờ, quét dọn rồi tiếp khách tới 23 giờ, nhiều hôm quá nửa đêm... Nhi kể lại: “Con không biết chuyện gì, khách chở con vào khách sạn rồi ép cho quan hệ. Con khóc kêu đau, van xin nhưng người này cũng không tha".

Ngày 18-9, Công an tỉnh Bình Dương điều tra vụ mất tích của em Trần Thị Nhi (13 tuổi), đồng thời tạm giữ Nguyễn Thị Hoa, chủ quán cà phê Trâm Anh (xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), để làm rõ các dấu hiệu liên quan đến Nhi. Theo lời bà Hoa khai, Nhi có làm phục vụ ở quán nhưng đã nghỉ việc từ lúc người nhà đến quán tìm em. Từ đây, Nhi bặt tăm luôn, mẹ em tìm kiếm khắp nơi nhưng không gặp.

Những ngày tủi nhục

Sáng 1-11, bà Trần Thị Sáu (mẹ của Nhi) gọi điện thoại cho phóng viên báo tin: “Nhi vừa trốn về nhà, các chú đến đây giúp tôi, hình như có người theo dõi nó, họ cứ lởn vởn bên ngoài, tôi sợ con nhỏ bị bắt đi nữa”. Chúng tôi tìm gặp Nhi và mẹ trong căn gác trọ nằm khuất sau một ngôi chợ ở quận 3.


Nhi đen sạm, gương mặt già trước tuổi, mái tóc nhuộm vàng hoe. Mẹ Nhi nói cười mà như mếu: “Từ lúc về tới giờ chân tay nó còn run cầm cập. Tìm được con, tôi vui hơn bắt được vàng”.


Chúng tôi phải động viên hồi lâu Nhi mới dè dặt kể lại quãng thời gian bị bán vào “tổ quỷ”. Đó là quán cà phê Trâm Anh, nơi công an địa phương nghi vấn ban đầu nhưng chưa lần ra manh mối.

Chiều 25-8, sau khi đi bán vé số về, Nhi xin mẹ 12.000 đồng đi ăn hủ tiếu tại lề đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Một người bạn bán vé số tên My đến rủ Nhi đi chơi cùng bạn trai của My. Tối hôm đó do không ai chở về nên Nhi ngủ lại với My tại nhà trọ gần Bến xe Miền Đông.

Sáng hôm sau, Nhi cùng My đón xe ôm trước cổng Bến xe Miền Đông. Người đàn ông chạy xe ôm lợi dụng hai em không biết đường đã chở thẳng đến quán cà phê Trâm Anh. Người này gọi điện thoại báo cho bà Hoa (chủ quán): “Tôi tìm được hàng cho quán nè!”. Bà Hoa đưa gã xe ôm 1 triệu đồng rồi dẫn hai em ra dãy chòi tối om phía sau quán.


Nhi kể: “Bà Hoa cho ăn cơm rồi bắt ra tiếp khách ngay. Con nói không biết tiếp khách là gì, bà bảo phải mặc áo dây hở ngực, ngồi chung ghế, nằm chung võng với khách, cho khách ôm, sờ nắn. Con đau lắm nhưng phải cắn răng chịu đựng, không dám la vì sợ khách nói lại với bà Hoa thì con no đòn”.


Vào làm tại quán Trâm Anh được hai ngày thì Nhi bị chủ buộc phải đi khách sạn cùng với khách. “Con không biết chuyện gì, khách chở con vào khách sạn rồi ép cho quan hệ. Con khóc kêu đau, van xin nhưng người này cũng không tha. Nhiều lần như vậy, tiền thì bà chủ lấy chứ con không biết gì”.


Nhi nói những ngày ở quán Trâm Anh như sống trong địa ngục. Hằng ngày Nhi thức dậy lúc 5 giờ, quét dọn rồi tiếp khách tới 23 giờ, nhiều hôm quá nửa đêm nhưng khách chưa về phải ngồi chịu trận cho khách ôm.


Bà Hoa luôn mắng chửi Nhi và các tiếp viên khác. Bà quy định tiếp viên phải đóng tiền cho bà thì mới có cơm ăn, quán nghiêm cấm tiếp viên ra đường mua thức ăn và tiếp xúc với người bên ngoài...


Nhi cho biết lúc bị bán vào quán cà phê Trâm Anh, tại đây có 12 tiếp viên nữ. Trong đó có Quỳnh Như, Ngân, My đều trạc tuổi Nhi. Tất cả đều ngồi, nằm cho khách ôm và phải đi ngủ tại khách sạn nhưng không được chủ quán trả lương.


Trước đây, khi phóng viên tiếp cận quán cà phê Trâm Anh để tìm hiểu, chính các nữ tiếp viên gợi ý “muốn vào khách sạn vui vẻ phải đóng cho chủ quán 1 triệu đồng”.

Sau những ngày tủi nhục, Nhi đã trở về bên vòng tay của mẹ. Ảnh: Pháp luật & xã hội
Sau những ngày tủi nhục, Nhi đã trở về bên vòng tay của mẹ. Ảnh: Pháp luật TP.HCM.

Trốn khỏi “tổ quỷ” nhưng không dám về nhà



Ngày đầu mới vào quán, Nhi cùng “đồng nghiệp” được ông Điệp (chồng bà Hoa) dạy cho cách chạy trốn nếu công an đến kiểm tra đột xuất. Vợ chồng ông Điệp luôn ngồi ở phòng trước để cảnh giới, hễ thấy động là bấm chuông. Nghe chuông báo động, tiếp viên phải chạy trốn ra khu vườn hoang phía sau quán hoặc chui vào toilet. Có lần Nhi lơ ngơ không trốn kịp, bị công an xã bắt lên xe, sau lại thả ra.

Với ý định nhắn tin người nhà đến giải cứu, Nhi mượn điện thoại của khách nhá vào số máy anh rể tên Hoàng. Anh Hoàng tìm đến quán gặp Nhi. Biết chuyện, ông Điệp đã cầm vỏ chai đánh vào ngực và bụng Nhi. Bà Hoa tát vào mặt rồi cầm dép đánh vào người Nhi. Mấy chị làm chung thấy Nhi bị đánh đều khuyên: “Vào đây rồi không thoát được đâu, chủ quán kiểm soát rất chặt, ai định trốn sẽ bị đánh đập dã man”.

Hôm sau, ông Điệp đưa Nhi tới một quán cà phê khác cũng nằm trong hệ thống cà phê ôm của vợ chồng ông nhưng cách quán Trâm Anh khoảng một cây số. Tại đây, Nhi bị đối xử tệ hơn.


Tối 14-9, nhân lúc các tay chăn dắt sơ hở, Nhi bỏ chạy ra ngoài. Ông Điệp phát hiện, gọi nhiều thanh niên bủa vây khắp đường để bắt Nhi. “Con sợ quá nép vào bụi rậm, khi có người chạy xe máy ngang qua thì kêu cứu. Tối đó con bị té tét chân nhưng thoát được”.


Sau khi trốn thoát khỏi “tổ quỷ”, Nhi không dám về nhà ngay mà xin vào phục vụ tại quán bán cơm gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Bởi trước đó, Nhi luôn bị đe dọa nếu báo tin cho công an hay người nhà biết chuyện thì có người tìm mọi cách giết chết Nhi... Do vậy trong các lần gọi điện thoại cho mẹ, Nhi nói vẫn bình an, sẽ trở về nhưng không dám nói rõ mình đang ở đâu.

Theo Pháp luật TP.HCM

MỚI - NÓNG