Những ngày ở tù của Lã Thị Kim Oanh

Những ngày ở tù của Lã Thị Kim Oanh
Vào một buổi sáng đẹp trời, Oanh được dẫn giải từ phòng biệt giam ra ngoài hội trường của trại nghe ông giám thị công bố quyết định tha tội chết của Chủ tịch nước. Niềm vui tột đỉnh làm cho Oanh trở nên lúng túng, đến một lời cảm ơn cũng lắp bắp mãi mới nói được.

Tôi đến trại giam số 5 Thanh Hoá vào giữa tháng 9-2006. Trung tá Phó giám thị Nguyễn Thị Can – người phụ trách toàn bộ khu phạm nhân nữ - hỏi: “Chị từ Hà Nội vào, chắc biết Lã Thị Kim Oanh chứ?”. Tôi ngạc nhiên: “Vâng, đó là một người đàn bà nổi tiếng. Nhưng tại sao chị lại quan tâm đến bà ta như vậy!”.

Trung tá Can cười: “Vì Oanh bây giờ đang là phạm nhân trong phân trại này”. Tôi tròn mắt: “Thật sao? Lã Thị Kim Oanh bị tuyên án tử hình cơ mà!”. Trung tá Can giải thích: “Oanh được Chủ tịch nước tha tội chết, mới chuyển từ Trại T16 về đây được mấy tháng”. À, thì ra là vậy!

Chiều hôm ấy, sau khi hết giờ lao động, tôi gặp Lã Thị Kim Oanh. Nắng chiều đã gần tắt hẳn. Bốn bề rừng núi dường như âm u hơn. Oanh mặc quần áo trại, cài kín cổ, tay cắp một chiếc nón cũ để lộ cườm tay trắng muốt, tóc dài, vấn gọn gàng ở phía sau.

Oanh nhìn tôi thoáng chốc rồi lại cúi xuống, tay di dưới mặt bàn những đường tròn vô định, gương mặt dường như tối lại. Tôi hỏi, và Lã Thị Kim Oanh khóc ngay từ những câu trả lời đầu tiên. Tôi không bao giờ hình dung được người đàn bà thét ra lửa một thời bây giờ lại yếu đuối và rụt rè đến thế.

Còn nhớ, hôm Tổng cục Cảnh sát bắt Oanh. Đó là một buổi chiều, cũng muộn như thế này. Trong vòng vây của các nhà báo, trong ánh đèn flash, máy ảnh chớp sáng liên tục, Oanh vẫn còn cười nhạt khi tay đã bị còng. Hôm ấy, Oanh mặc một chiếc jupe màu sáng, áo hoa sặc sỡ, đầu cắt tém kiểu Nhật, uốn xoăn, son phấn “rộn ràng”. Cho đến giờ phút ấy, Oanh vẫn là người bất chấp pháp luật hiếm thấy: không ký vào bất cứ một biên bản nào – từ biên bản bắt, đến biên bản khám xét, kể cả biên bản thống kê tài liệu bị thu giữ.

Thời ấy, bà giám đốc này luôn coi thế lực của bản thân cộng với những mối quan hệ xã hội đang có là một thứ rào cản đối với lực lượng điều tra. Chỉ cần đưa ra hai ví dụ nhỏ để thấy uy thế của Kim Oanh lúc bấy giờ.

Thứ nhất, tháng 4-1995, khi Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn được thành lập, làm giám đốc, mặc dù, Oanh chưa từng làm kinh tế bao giờ. Vốn tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sau một thời gian làm tuyên truyền ở Bộ Lương thực (cũ), Oanh được ngồi tót vào ghế giám đốc doanh nghiệp.

Trong cơ quan, Oanh trực tiếp quản lý két tiền, trực tiếp quản lý chi tiêu với kiểu ném tiền tỉ qua cửa sổ không cần giấy tờ, chứng từ hay sổ sách. Oanh thả sức lộng hành suốt 5 năm mà Bộ chủ quản không có ý kiến gì. Thậm chí có lần đoàn thanh tra đến làm việc, Oanh đóng cửa không tiếp nhưng cũng chẳng ai dám động đến thị.

Ví dụ thứ hai là chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, những thủ tục cơ bản liên quan đến lô đất gần 2.000 m2 mà công ty Oanh được giao đã hoàn tất một cách êm ru. Buổi sáng Sở Địa chính ký tờ trình gửi UBNDTP về việc giao đất cho công ty Oanh  thì buổi chiều cùng ngày UBNDTP ra quyết định.

Một vài người biết việc kể lại rằng, Oanh đã thao túng được một số người ở các cơ quan chức năng. Nhiều khi Oanh cho đánh máy sẵn các quyết định cần thiết theo ý  của mình rồi đưa đến dí cho một số người có trách nhiệm để… ký. Phải là người quen biết nhiều lắm, có thế lực lắm Oanh mới làm được như vậy trong cơ chế hành chính còn nặng tính quan liêu như ngày đó.

Tự cho mình là người có thế lực thế cho nên khi biết anh em Phòng 2 và một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát vào cuộc điều tra, Lã Thị Kim Oanh bước đầu tỏ ra hết sức ngạo mạn. Một lần khi trực tiếp đi xác minh ở một đơn vị xây dựng có liên quan trong vụ án, tình cờ Thượng tá Phạm Thiện Hạng, Trưởng phòng 2, Cục C15 gặp Lã Thị Kim Oanh ở đó. Bà ta đi xe hơi, ăn vận cực kỳ sang trọng và thở ra giọng sặc mùi kim tiền.

Lã Thị Kim Oanh nói với Thượng tá Hạng ràng: “Tôi thấy trời mưa nắng thất thường thế mà các anh em trinh sát của ông suốt ngày bám theo tôi, tôi thấy khổ cho họ quá. Ông về nói với họ không khéo họ phải chết bất đắc kỳ tử vì biển số xe âm dương của tôi đó”. Tiếp đó, Oanh hỏi tuổi Thượng tá Hạng rồi cười phá lên: “Với tuổi đó, anh chả bao giờ bắt được tôi đâu!”.

Người ở ngoài xã hội “hoành tráng” thế, tôi nghĩ, khi ở tù, chắc cũng chả cô độc. Nhưng không, khi tôi hỏi, chắc bây giờ Oanh vẫn được những người quen cũ đến thăm hỏi chứ thì Oanh cười cay đắng: “Không có ai cả. Chỉ có nhà tôi và hai đứa con thôi!”.

Oanh kể, sau phiên toà phúc thẩm, khi bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, cũng giống như nhiều tử tù khác, Oanh đã có một thời gian dài sống trong sự hoảng loạn. Nhiều tháng ròng nằm trong trại, Oanh nghĩ đến cái chết, đến một ngày sẽ phải ra pháp trường mà toát mồ hôi hột.

Nhưng nghĩ riết rồi cũng bớt sợ dần, rồi  lại tỉnh táo. Những lúc tỉnh táo nhất là những lúc Oanh nghĩ nhiều đến chồng và hai con. Trời ban phước cho Oanh có được một  gia dình yên ấm. Chồng vốn là một công chức mẫn cán và nghiêm túc ở cơ quan Bộ Y tế, hai cô con gái ngoan và học giỏi. Cô con gái đầu tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp, cô con gái thứ hai cũng đã tốt nghiệp đại học.

Cái gia đình bé nhỏ ấy dường như không màng gì đến cái thế lực của Oanh, đến cái thứ danh vọng hão huyền mà Oanh đeo đuổi. 5 năm làm giám đốc, Oanh đã gây thiệt hại cho Nhà nước 75 tỉ đồng và 113 nghìn USD (tính tròn số). Số tiền này, nếu là loại giấy bạc 50 nghìn thì phải dùng xe tải loại 5 tấn chở mới hết. Trong đó, riêng một mình Oanh tiêu hết 72 tỉ đồng và 70 nghìn USD. Làm giám đốc ngần ấy năm, tiêu tiền như giấy lộn nhưng khi Cơ quan điều tra đến khám nhà Kim Oanh chả thu được gì đáng kể…

Oanh kể, những ngày trong trại chờ thi hành án, đêm nào Oanh cũng bấm độn xem ngày nào là ngày phải “đi” vì Oanh là người vốn rất mê tín.

Thế nhưng, may mắn cho Oanh, vào một buổi sáng đẹp trời, Oanh được dẫn giải từ phòng biệt giam ra ngoài hội trường của trại nghe ông giám thị công bố quyết định của Chủ tịch nước. Niềm vui tột đỉnh làm cho Oanh trở nên lúng túng, đến một lời cảm ơn cũng lắp bắp mãi mới nói được.

Ít lâu sau thì Oanh được chuyển đến trại giam số 5 để thi hành án. Trước khi đi, ông giám thị hỏi Oanh có cần báo tin cho ai không và câu trả lời là: “Xin ông báo tin cho chồng tôi rằng tôi đã được tha tội chết”. “Mà sao không phải là người nào khác?”, tôi hỏi. Oanh cười xa xót: “Bây giờ tôi chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là chồng và hai con thôi”.

Chấm dứt một thời lộng hành, một thời ném tiền… Nhà nước qua cửa sổ, khi ở tù, Oanh trở về là một người đàn bà bé nhỏ và yếu đuối, như đoạn kết của câu chuyện cổ với cái máng lợn sứt ngày xưa. Oanh bảo, nếu biết trước kết cục thế này, Oanh sẽ không dám phạm tội, nhưng đã muộn mất rồi…

Mới về Trại giam số 5 được chừng 3 tháng nhưng Oanh đã được chồng và hai con lên thăm hai lần. Oanh vừa kể vừa xoè tay, tính đốt rồi cười ra chiều hạnh phúc mà mắt vẫn ướt: “Các chị em trong buồng cứ bảo tôi là sướng vì còn được chồng nhớ đến. Nhà tôi với các cháu lên thăm mang cho tôi đủ mọi thứ vật dụng cần thiết của phụ nữ. Trước khi về còn ký gửi  tiền ở căng tin cho tôi để tôi mua thêm đồ ăn lúc ốm đau”. “Ký gửi những 700 nghìn cơ đấy!”, Oanh nói thêm, đầy tự hào.

Tôi  nhìn gương mặt ánh lên niềm vui của Oanh và những liên tưởng xót xa từ đâu bất chợt đến… Người đàn bà này, khi chưa bị bắt toàn tiêu tiền tỉ, trong 5 năm làm giám đốc, tính trung bình mỗi ngày Oanh tiêu hết khoảng… 40 triệu đồng. Riêng tiền tiếp khách, Oanh chi tới 7 tỉ đồng.

Đó là còn chưa kể nhiều tỉ đồng khác chi cho việc tham quan, triển lãm ở nước ngoài, xây tượng đài… tiền tỉ ngày ấy, với Oanh chả là gì vì đó là tiền vớ được, là tiền của Nhà nước. Còn bây giờ 700 nghìn đồng cũng thực là quý bởi đó là đồng tiền dành dụm chắt chiu từ đồng lương hưu ít ỏi của chồng, từ mồ hôi công sức của hai con.

Oanh bảo, với tôi, tất cả đều là đáng tiếc. Giá mà tôi chịu học thêm các kỹ năng quản lý, giá mà tôi không vì cái mớ danh vọng hão huyền, không vì những lời phỉnh nịnh với đủ các thứ mỹ từ, nào là “hào phóng”, nào là “chơi đẹp”... thì tôi không ra nông nỗi này. Bây giờ, ngày ngày ở trại, Oanh cần mẫn chăm chút từng cây hoa, tỉ mẩn vun xới từng gốc rau, ngọn lá nào cũng là một cách học lại bài học tưởng như ai cũng biết, ấy là giá trị của sức lao động.

Cũng từng là giám đốc nhưng khi ở tù, Đặng Xuân Hoà, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh chế biến lương thực thực phẩm Cà Mau, lại không được may mắn như Lã Thị Kim Oanh. Cả hai vợ chồng Hoà cùng phải ở tù. Vợ Hoà - Nguyễn Thị Tuyết, nguyên kế toán của công ty hiện đang thi hành bản án 10 năm tù giam tại Trại giam Thanh Xuân; còn Hoà thì tù chung thân ở Trại giam Nam Hà.

Hoà bảo, chị Kim Oanh còn có chồng con chứ tôi thì chả có ai thăm nuôi, vợ tôi cũng vậy. Hai vợ chồng cùng ở tù, chỉ thi thoảng viết thư động viên nhau thôi chứ lấy đâu ra mà quà cáp mà gửi cho nhau. Quê gốc ở Hà Tây, Hoà đi bộ đội đóng quân ở Cà Mau rồi quen biết Tuyết. Ra quân, Hoà ở lại Cà Mau, lập nghiệp, lấy vợ sinh con.

Hồi đầu mới ra quân, Hoà xin được vào làm ở Công ty Lương thực Minh Hải còn vợ ở nhà buôn bán vặt vãnh. Cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Nhưng rồi cho đến năm 1990 thì Hoà bỏ việc Nhà nước, ra ngoài mở công ty với giấc mộng trở thành tỉ phú.

Hoà thuê một căn nhà mặt tiền to đẹp ở quận 1, Tp Hồ Chí Minh làm trụ sở, sắm xe hơi đắt tiền để đi lấy oai rồi cho em ruột một chân trong Hội đồng quản trị, bổ nhiệm vợ làm kế toán trưởng. Chả được học một chữ nào về quản lý kinh tế, bập vào kinh doanh, Hoà thua lỗ ngay từ thương vụ đầu tiên.

Các thành viên trong Hội đồng quản trị nhìn thấy sự thất bại nên bỏ cuộc, xin ra khỏi công ty hết, chỉ còn hai vợ chồng Hoà và người em ruột là trụ lại, tiếp tục đeo đuổi giấc mộng vàng. Nhưng càng kinh doanh càng lỗ, cầm cự được chừng 2 năm thì đổ bể hoàn toàn. Vợ chồng Hoà toàn phải lừa doanh nghiệp này để lấy tiền trả cho doanh nghiệp kia, cứ thế tít mù vòng quanh trong mớ bòng bong nợ nần chồng chất.

Nhà cửa, của nả có bao nhiêu bán sạch mà vợ chồng Hoà vẫn phải cõng trên lưng món nợ khổng lồ. Cuối cùng, không còn cách nào khác, hai vợ chồng quyết định đốt sạch toàn bộ giấy tờ sổ sách của công ty rồi… bùng.

Lúc đó, Hoà kể, hai đứa con của vợ chồng Hoà còn nhỏ, cháu lớn mới 14 tuổi còn cháu bé mới 10 tuổi mà chả có nhà để cho con ở, cũng chả có tiền gửi lại để nuôi hai con. Cha mẹ bỏ trốn, hai đứa bé cứ sống vật vờ ở nhà bà con họ hàng cho qua ngày đoạn tháng.

Hoà lên Buôn Ma Thuột làm phụ hồ còn vợ thì chui lủi ở TPHCM nương nhờ bạn bè. Sau đó, thương vợ, Hoà quay trở lại Tp Hồ Chí Minh, thay tên đổi họ để làm thuê cho một cơ sở sản xuất giò chả ở quận gò Vấp. Nhưng chỉ trốn được một thời gian rồi vợ chồng Hoà bị bắt.

Ở trại Nam Hà, đầu tiên Hoà được phân vào đội khâu bóng nhưng sau một cơn tăng huyết áp, sức khoẻ Hoà bị giảm sút, Ban giám thị ưu tiên cho Hoà được làm công việc nhẹ nhàng hơn là theo dõi thi đua của các tổ phạm nhân trong trại. 

Hoà ở trại Nam Hà đã 9 năm rồi nhưng phải chịu án chung thân nên chưa biết ngày nào mới được về. Hoà bảo, tất cả là do lòng tham mà ra cả thôi, muốn hốt tiền thiên hạ về làm của mình mà không phải nhọc công thì tất có ngày phải ở tù thôi…

Ở trong phân trại với Hoà còn có một “đại gia” nữa, đó là Nguyễn Hoa Tiêu, nguyên Phó Tiến sĩ triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và kỹ  thuật. Sinh năm 1942 tại một vùng quê có truyền thống hiếu học ở Hà Tĩnh – “Dòng họ tôi đỗ đạt nhiều, chỉ có mỗi mình tôi đi tù thôi, chị ạ!”, ông Tiêu nói đầy xa xót.

Có trình độ học vấn, có tài ăn nói lại giao du rộng, Nguyễn Hoa Tiêu từng được kinh qua nhiều chức vụ để rồi cuối cùng phạm tội khi đang ở vị trí Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và kỹ thuật. Bị tuyên phạt 21 năm tù giam, hiện còn gần 1 tỉ đồng chưa bồi hoàn được nên Nguyễn Hoa tiêu chưa đủ tiêu chuẩn xét đặc xá.

Do tuổi cao lại bị bệnh tiểu đường nên Nguyễn Hoa Tiêu được Ban giám thị cho miễn lao động mà hàng ngày làm nhiệm vụ, phát thanh tuyên truyền pháp luật trên loa cho phạm nhân. Nguyễn Hoa Tiêu khoe, có khá nhiều thơ của Tiêu được đăng trong các tờ báo tường của Trại. Ông ta nói, giá mà đừng tham lam thì bây giờ đâu phải ở tù mà được ở nhà vui thú điền viên với con cháu…”.

Theo Đặng Huyền
CAND

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.