Những nỗi đau lặng lẽ

Những nỗi đau lặng lẽ
TP - Hai người phụ nữ trẻ đều có chồng nghiện ma túy và chết vì AIDS. Hai người vợ cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng họ. Những ngày sống trong tận cùng tuyệt vọng, hai người phụ nữ ấy đã viết chung một cuốn nhật ký.

>> Bài 1: Những nỗi đau lặng lẽ

BÀI 2: Người ta ân ái thì vui

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 1
Những dòng nhật ký cuối cùng của Hằng

Trong đám tang đầy nước mắt của Hạnh - một phụ nữ mới 34 tuổi, chồng chết vì căn bệnh AIDS cách đó bốn năm, nhiều người ở TP Bắc Giang  cho biết, chị cũng mất đi quyền được sống vì căn bệnh lây nhiễm từ chồng.

Khác với những đám tang của người nghiện, mắc bệnh AIDS thường vắng vẻ, chóng vánh, đám tang Hạnh không vắng vẻ mà còn có nhiều tiếng khóc như xé ruột gan.

Có một người là bạn của Hạnh, tên là Hằng. Hằng khóc cho bạn nhưng cũng khóc cho chính mình. Hai cô ở cạnh nhà nhau, thân thiết với nhau vì có nhiều điểm tương đồng, kể cả những nỗi đau và bi kịch.

Hạnh làm nghề xây dựng, chịu thương chịu khó, có hai con, một trai một gái. Hằng là một thợ may giỏi, làm dâu ở một gia đình khá giả. Mẹ chồng Hằng là thiếu tá công an. Hằng có một con gái, khi ấy đã năm tuổi. Hai người chồng của Hạnh và Hằng đều nghiện ma túy, nhiễm HIV. Chồng Hạnh mất năm 2006. Đến năm 2007 chồng Hằng cũng ra đi. Từ đó, Hạnh và Hằng ngày càng gắn bó, thường tâm sự, an ủi lẫn nhau.

Hai chị còn viết chung với nhau một cuốn nhật ký. Trong cuốn nhật ký ấy, có những câu thơ bày tỏ nỗi lòng, suy nghĩ và cả sự đau đớn không thể tỏ bày. Hai câu đầu là của Hạnh, hai câu sau của Hằng. “Người ta ân ái thì vui/Còn tôi ân ái bùi ngùi xót xa/ Người ơi hãy hiểu lòng ta/ Chỉ vì chữ Nghĩa hóa ra sự này”.

Về chữ nghĩa trong câu thơ, Hằng tâm sự với tôi, ấy là nỗi lòng của người vợ dù biết chồng mắc nghiện, rồi sau này mắc bệnh mà không nỡ rời bỏ, không nỡ xa lánh và cả chuyện ái ân cũng chẳng nỡ chối từ.

“Em đã nói với anh nhiều lần. Phận anh đã vậy, anh phải nghĩ đến con và em, chứ đừng vì một chút ham muốn nhỏ nhoi, tầm thường mà cướp đi những gì mà chúng ta gây dựng. Nhưng anh nào có nghe”. (Nhật ký của Hằng và Hạnh)

“Biết làm sao khi chức năng làm vợ- làm mẹ của người đàn bà bổn phận phải luôn tuân thủ”

“Trước lúc từ giã cõi đời, anh trăng trối: “Em hãy chăm sóc con cho anh, cho bé H. được ăn học nên người”. Em làm sao mà thực hiện được lời di chúc ấy, bởi sinh mệnh em cũng như chiếc bong bóng phập phồng, biết tan vỡ lúc nào”.

“Bố mẹ ơi, con thật là một đứa con bất hiếu. Bố mẹ có biết không? Một năm có 360 ngày thì 359 ngày con nghĩ về bố mẹ và nghĩ về con gái của con. Chỉ còn một ngày con dành cho mình thôi, bố mẹ ạ. Hằng đêm con chỉ khóc thương cho số phận của mình. Con khổ quá bố mẹ ơi! Con phải làm sao đây?”.

Những nỗi đau lặng lẽ ảnh 2
Bìa cuốn nhật ký của Hạnh - Hằng

Sau đám tang Hạnh, Hằng sống trong im lặng, một mình một bóng. Cô con gái Hằng đã được ông bà nội đón về vì họ bảo sợ để gần mẹ sẽ lây nhiễm. Buồn tủi, tuyệt vọng, ngày nào Hằng cũng sang nhà Hạnh thắp hương. Hằng cũng tự tay may cho Hạnh một bộ quần áo giấy mà không mua ở cửa hàng vàng mã.

“Khi mọi người đọc những dòng chữ này của tôi, có thể tôi đã rời xa thế giới này rồi. Tôi bàng hoàng sau những gì xảy ra với tôi. Một cuộc sống thanh bình, một gia đình nhỏ và hạnh phúc, bây giờ tôi biết tìm nó ở đâu?”.

“Hôm nay là ngày 28/5/2009. Chị Hạnh ơi, em sắp đi gặp chị rồi. Chị hãy đón em chị nhé. Em Hằng”.

(Nhật ký của Hằng)

Đó là những dòng cuối cùng mà Hằng viết trong nhật ký. Đêm 31/5/2009, Hằng trút hơi thở cuối cùng.

Cũng thật may, bé H. sau nhiều lần được xét nghiệm đều có kết quả âm tính với HIV. Cô bé  nhí nhảnh ấy là một trong những học sinh giỏi đứng đầu toàn trường. H. cứ hồn nhiên vui đùa với ông bà, với các cô các chú, chỉ có điều, thi thoảng, bé H. lại buột miệng hỏi bố mẹ cháu sao lâu về thế.

Sau khi Hằng chết vài tháng, chúng tôi tìm về quê của cô, cách TP Bắc Giang hơn 30km. Căn nhà ấy, nơi cô sinh ra, được ăn học và đến khi trưởng thành lấy chồng về thành phố giờ phủ một bầu không khí ảm đạm và lành lạnh.

Có thể đó là cảm giác của tôi, nhưng cũng hoàn toàn có thể là thực. Là thực bởi nỗi đau mất con, nỗi đau mất chị, nỗi đau mất mẹ của bé H. trong căn nhà ấy khó mà khỏa lấp, mà giấu giếm đi được.

Bố cô, người có vẻ cứng cỏi nhất, cũng chỉ nén không cho nước mắt chảy ra ngoài. Ông là cán bộ trong quân đội đã nghỉ hưu, mỗi ngày vẫn lấy niềm vui tưới cây, tỉa cành để mà bận rộn. Mẹ cô vẫn đang là thủ trưởng của một cơ quan thuộc ngành giáo dục.

Không thiếu thốn về kinh tế, không thiếu thốn về vị thế xã hội và, thế nên, khi biết cô sẽ lấy chồng về thành phố thì cả nhà đều rất vui, nghĩ rằng cô cao ráo, xinh đẹp như thế, gia đình nền nếp như thế thì chuyện lấy chồng thành phố sáng sủa, đẹp trai là xứng đáng. Ngày xe hoa về quê đón dâu cũng là ngày bố mẹ cô mở mày mở mặt.

 (còn nữa)

Đỗ Sơn - Hồng Ánh Phê
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.