Những 'quý tử' xấu số trong vụ chín người chết tập thể

Những 'quý tử' xấu số trong vụ chín người chết tập thể
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhiều người trong số nạn nhân chết ngạt là con độc nhất trong gia đình hoặc hiếm muộn. Vì vậy sự ra đi của họ làm cho nỗi thương đau của người thân nhân lên gấp bội…

Những 'quý tử' xấu số trong vụ chín người chết tập thể

> Kết luận chính thức vụ chín thanh niên chết tại Hải Phòng
> Không khởi tố vụ án chín người chết tập thể
> Dùng ma túy trước khi chết ngạt?
> Phát hiện 9 thanh niên chết trong một ngôi nhà

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhiều người trong số nạn nhân chết ngạt là con độc nhất trong gia đình hoặc hiếm muộn. Vì vậy sự ra đi của họ làm cho nỗi thương đau của người thân nhân lên gấp bội…

Những 'quý tử' xấu số trong vụ chín người chết tập thể ảnh 1 
Bà Nguyễn Thị Gái và hai chắt ngoại (con của nạn nhân VũThị Thanh Hương)  

Ngơ ngác nhìn di ảnh mẹ

Trong số 9 nạn nhân có 2 người là nữ: Vũ Thị Thanh Hương, sinh 1985, ở 55/33 Đường Dư Hàng, quận Lê Chân và Hoàng Thị Huyền Trang, sinh 1986, ở ngõ 84 đường Nguyễn Trãi, quận Ngô Quyền. Đặc biệt hơn, Vũ Thị Thanh Hương hôm đó còn đưa cả em trai mình - Vũ Duy Cường, sinh 1994, đang là học sinh lớp 11 đi theo và cũng bị tử nạn. Còn Hoàng Thị Huyền Trang lại là đứa con duy nhất trong gia đình hiếm muộn.

Chúng tôi đến nhà của chị em Vũ Thị Thanh Hương và Vũ Duy Cường vào một buổi chiều gần đây. Mấy bữa nay ông bà ngoại sang ở cùng với mẹ của 2 hai người cho cửa nhà đỡ trống trải. Cảnh tượng đau lòng đập vào mắt mọi người là hai cháu (Lyly, 5 tuổi rưỡi và Lala, 3 tuổi - con đẻ của Hương) cứ bám chặt lấy cụ, ngơ ngác nhìn lên di ảnh trên bàn thờ mẹ và cậu.

Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Tính, anh trai của bà Nguyễn Thị Hường (mẹ của Hương và Cường). Ông Tính cho biết: “Năm qua gia đình vừa sang cát cho bố các cháu. Vừa dứt tang chồng, em gái tôi lại mất liền 2 đứa con. Hương là chị lớn còn Cường là em trai út, bây giờ nhà chỉ còn em trai kế của cháu Hương là Vũ Văn Huy, sinh 1990, đang học ở Trường Bách Nghệ Hải Phòng”.

Theo ông Tính, vợ chồng bà Hường sinh được 3 người con (1 gái, 2 trai). Vài năm trước chồng mất, bà Hường một mình lăn lộn với cuộc sống nuôi dạy các con. Học xong phổ thông, Hương lên Hà Nội học, rồi sớm sinh liền 2 con. Đến năm nay mới học nốt năm cuối của Trường sư phạm mẫu giáo trung ương. Tết này Hương đưa cả 2 con về ăn tết với bà ngoại, nào ngờ...

Đang dở dang câu chuyện thì bà Hường đi chùa về. Nghe ông Tính giới thiệu chúng tôi, bà không cầm nổi nước mắt và bảo: “Bác Tình nói chuyện với các anh là đủ, giờ tôi lại phải đi lên chùa làm nốt thủ tục để các con mồ yên mả đẹp”. Ngồi từ đầu đến giờ, vừa ôm 2 chắt nhỏ, cụ ngoại mới lên tiếng: “Những đêm vừa qua, bà của 2 cháu đây không hề chợp mắt, cứ vật vã suốt đêm, lũ trẻ thì khóc thét lên đòi mẹ, thật đau lòng quá…”.

Ông Tính đỡ lời bảo: “Khổ nhất bây giờ là cô em tôi, không biết có còn đủ sức lực xoay xở nuôi con, nuôi cháu mình nữa không nữa”. Chẳng muốn nhắc nhiều chuyện của gia đình Vũ Thanh Hương, Vũ Duy Cường, chúng tôi chia tay gia đình.

Con ngõ số 84 đường Nguyễn Trãi sâu hun hút, ngóc ngách khó đi làm chúng tôi phải hỏi thăm mãi mới đến được gia đình nạn nhân Hoàng Thị Huyền Trang. Bố mẹ Trang là ông Hoàng Quốc Trung và bà Vũ Thị Mùi (cùng công tác tại một ngân hàng). Đến cùng chúng tôi, một số người bạn làm cùng ngân hàng cũng đến chia buồn. Bà Mùi đứng như trời trồng trước bàn thờ đứa con gái duy nhất. Mãi sau, bà mới tỉnh táo một chút ra ngồi tiếp chuyện. Ông Trung ngồi trên giường phía trong, tiếng khàn đặc chỉ giơ tay chào khách. Nói chuyện với chúng tôi là người bác ruột ở sát nhà.

Theo người bác, bố mẹ Trang lấy nhau sớm nhưng mãi tới năm 1986 mới sinh Trang, cũng chỉ mong muốn nuôi dạy con lớn khôn, tử tế nên chăm chút cho Trang mọi nhẽ. Học hết phổ thông Trang thi đỗ đại học. Vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân xong, Trang lại về Hải Phòng học thêm ngoại ngữ. Trang thích khẳng định mình, không muốn phụ thuộc vào ai. Vì thế, ở ngay Hải Phòng nhưng Trang lại thuê một căn phòng để ở riêng, hàng ngày vừa học thêm vừa quảng bá cho một công ty XNK xe máy.

Trang đã có người yêu làm quản lý trong doanh nghiệp và tương đối thành đạt. Dự định 2 người sẽ làm đám cưới vào năm nay. Thế nhưng trong dịp tết vừa rồi, người yêu của Trang đi công tác ở nước ngoài, nên trong dịp tết bạn bè rủ đi Trang đi chúc tết cho đỡ buồn. Thế là chuyện chẳng hay xảy ra...

Một số người thân trong gia đình ông Trung, bà Mùi kể, Hương với Trang là bạn thân từ hồi học phổ thông. Lần nào từ Hà Nội về Hải Phòng, Hương cũng cùng Trang đi thăm thú bạn bè. “Hôm cái Trang mất, được tin gia đình đi nhận thi hài nó về đưa thẳng vào nhà làm đám tang cho cháu. Nhiều người bảo, chết rồi, đưa người chết về nhà thì xui, nhưng bố mẹ nó và mọi người trong gia đình lại nghĩ khác, sống có nhà có cửa, chết sao phải cách ly nơi sinh ra và lớn lên của cháu để phải làm hương hồn cháu khổ.

Chỉ khổ vợ chồng anh Trung, chị Mùi, thương con đến đứt từng khúc ruột. Trước đây chị vẫn thường bảo mọi người, sinh con nào cũng được, là con gái có khi nó còn tình cảm với bố mẹ hơn con trai. Ai cũng khuyên chị sinh thêm một đứa nữa nhưng chị chỉ cười và bảo “có một đứa con có khi nó còn chu đáo với mình hơn đấy chứ…”. Bởi vậy cô con gái Hoàng Thị Huyền Trang là đứa con độc nhất, là mọi niềm hi vọng của chị. Bây giờ Trang không còn trên cõi đời, nỗi đau thật khó mà kể xiết …

Những 'quý tử' xấu số trong vụ chín người chết tập thể ảnh 2 
Hiện trường phát hiện xác các nạn nhân  

Những "cậu ấm" xấu số

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhiều người trong số nạn nhân chết ngạt là con độc nhất trong gia đình hoặc hiếm muộn. Vì vậy sự ra đi của họ làm cho nỗi thương đau của người thân nhân lên gấp bội...

Nạn nhân Trần Đức Thịnh, sinh 1994 (ở số 8/18/30 đường Dư Hàng, quận Lê Chân) là trường hợp điển hình. Ông Trần Đức Cường (bố của Thịnh) rời quân ngũ từ năm 1987 và khi ấy ông mới xây dựng gia đình với bà Dương Thị Thanh Hường. Có đến 7 năm sau, ông bà mới sinh được Thịnh. Cả họ đều mừng vì họ muộn mằn mà lại có con trai. Năm nay Thịnh đang học lớp 11B7 Trường THPT Trần Nguyên Hãn. Cả 11 năm học, Thịnh luôn là học sinh giỏi. Mới học kỳ 1 năm rồi, cô Hương chủ nhiệm lớp còn thông báo với gia đình là Thịnh đạt học sinh xuất sắc. Ông Cường, bà Hường mừng lắm và đặt nhiều hy vọng vào đứa con trai độc nhất của mình.

Suốt gần 10 ngày qua, an táng cho con xong, ông Cường chưa ra khỏi nhà. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Cường cứ láy đi láy lại là: “Số thằng Thịnh sao lại khổ thế cơ chứ, vợ chồng tôi sống mà như chết đi từng khúc ruột…”. Ông Cường nhắc lại rằng: “Năm nào cũng vậy, mồng một, mồng hai tết là Thịnh theo bố mẹ đi chúc tết họ hàng bên nội, bên ngoại. Đến chiều mồng ba, cháu xin phép bố mẹ đi liên hoan lớp và chúc tết bạn bè. Đến khoảng 22h, nó về qua nhà và xin phép sẽ về muộn. Song tối thức đợi con cho đến 2h30" sáng mới gọi điện thoại nhưng nó không nghe máy và đến ngày hôm sau thì không còn tín hiệu. Buổi tối, vợ chồng tôi đau đớn biết đứa con mình đã mất, trời đất như đổ sụp xuống nhà tôi…”.

Còn bà Hường ngồi đó cứ ngây người ra, nhìn tội nghiệp. Chúng tôi hỏi bà đã ăn uống gì chưa, bà chỉ lắc đầu. Ông Cường chỉ tay vào túi sữa các bạn cùng lớp 11B7 sáng nào cũng đem đến cho bà Hường đang ngâm vào bát nước nóng nhưng nào có uống đâu. Hôm đưa tang thằng Thịnh, các thầy cô giáo bạn học ở trường ít người vắng mặt…

Đến gia đình nạn nhân Nguyễn Duy Thành, sinh 1990 (ở 19/339 Miếu Hai Xã, Lê Chân). Bố của Thành là ông Nguyễn Duy Thanh, năm nay đã 73 tuổi, nguyên là cán bộ quân đội, được chuyển ngành sang một doanh nghiệp đường biển ở Hải Phòng. Ông và bà Phạm Thị Liên xây dựng gia đình với nhau khá muộn và mãi đến năm 1990 mới sinh được một cậu con trai duy nhất là Thành.

“Suốt cuộc đời vất vả, chúng tôi chỉ kỳ vọng vào nó” - ông Thanh vừa nói vừa lấy khăn lau nước mắt. Vốn đã bị nặng tai do di chứng của những năm tháng trong chiến trường Quảng Trị, giờ ông lại phát thêm chứng bệnh run chân, run tay.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi ông cứ đứng lên ngồi xuống, thỉnh thoảng lại nhìn lên bàn thờ con xem hương còn cháy không. Ông nói rằng: Thành vừa nghỉ học cấp ba và tự liên hệ sang Trung Quốc học ngành điện tử. Tết này Thành về và dự định ngày 10-2 trở lại Trung Quốc học tập. Thành quen Hương và ngày tết cả hai rủ nhau đi chơi, đến tối mùng 4, khi các chú công an báo tin dữ cho gia đình, chúng tôi không tin nổi…

Cùng cảnh ngộ đau xót là gia đình ông Phạm Văn Hùng, sinh 1959 và bà Nguyễn Thị Thuỷ, sinh 1967 (ở số 75 đường Chùa Hàng, quận Lê Chân), bố mẹ nạn nhân Phạm Duy Hiệp, sinh 1993. Tham gia quân ngũ từ khi còn trẻ, sau này ông Hùng về công tác tại Công ty cầu đường Hải Phòng. Ông thuộc “tuýp” người lập gia đình muộn nên mãi năm 1993 ông bà mới sinh được “cậu ấm” Hiệp.

Khi Hiệp đến tuổi đi học, bà Thuỷ, công nhân da giầy, xin nghỉ chế độ về chăm chút con mình. Vài năm sau ông Hùng cũng nghỉ về phụ giúp bên ngoại làm nghề gói bánh chưng. Đang học lớp 11 THPT, “cậu ấm” Hiệp có năng khiếu của một nhà tạo mẫu tóc thời trang, đã tham khảo ý kiến của bố mẹ cho đi học nghề mà cậu đam mê. Không có gì thay đổi, năm tới Hiệp đã thành nghề và mở ngay hiệu tạo mẫu tóc ở nhà mình (mặt đường Chùa Hàng).

Vì hai gia đình Hiệp và Hương ở Dư Hàng thân thiết nhau nên mẹ Hương gọi điện thoại cho bà Thuỷ cho phép Hiệp lên trông nhà giúp để mồng 4 tết bà đi lễ trên Lạng Sơn. Không ngờ sau cái đêm đó, Hiệp mãi mãi không về nữa. Hôm gặp ông Hùng tại nhà, ông vẫn chưa hết vẻ thất thần khi mất con. Nỗi đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt ông. Chúng tôi hỏi gì, ông trả lời đó…

“Thế mới biết không nỗi đau nào hơn là nỗi đau mất con trẻ, nhất là những nạn nhân trong vụ việc chết ngạt tập thể vừa xảy ra lại rơi vào các gia đình chỉ có một người con duy nhất…” - ông Hùng than thở với chúng tôi trước lúc chia tay.

Theo An ninh Hải Phòng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG