Những sai phạm nghiêm trọng ở Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM

Những sai phạm nghiêm trọng ở Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM
TP - Trong những năm qua, Ủy ban Phòng chống (UBPC) HIV/AIDS Tp. HCM đã nhận hàng triệu đô la từ các nhà tài trợ, nhưng hoạt động không hiệu quả và có dấu hiệu tiền chảy vào túi cá nhân.
Những sai phạm nghiêm trọng ở Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM ảnh 1
Trung tâm tham vấn hỗ trợ Cộng đồng quận 1 - một trong số những đơn vị thuộc UBPC HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh

Điều đáng chú ý, trong khi vụ ém nhẹm thông tin về nước tương chứa chất 3-MCPD liên quan đến ông  Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chưa thanh tra xong thì ông này lại phải tiếp đoàn thanh tra khác thanh tra UBPC HIV/AIDS, do chính ông Giang là Phó Chủ tịch thường trực.

Bài 1: Làm trái lệnh Thủ tướng 

Về những khuất tất liên quan đến tư cách hoạt động và việc chi tiêu của UBPC HIV/AIDS TP HCM, chính bác sĩ, nguyên Giám đốc  Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thế Dũng đã đứng đơn tố cáo gửi đến Thành ủy TPHCM cùng các cơ quan có thẩm quyền. 

Từ lá đơn tố cáo này, UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra.

Hiện chưa có kết quả thanh tra, tuy nhiên theo những tài liệu mà Tiền phong thu thập được, trong vai trò là Phó Chủ tịch thường trực UBPC HIV/AIDS, ông Lê Trường Giang đã có những biểu hiện sai phạm trong hoạt động tài chính; kinh phí tài trợ không phục vụ cho cộng đồng nhiễm HIV mà đã bị xà xẻo, tư túi và hàng loạt các sai phạm khác.

Một mình một phách

Năm 1990, UBPC HIV/AIDS Quốc gia được Chính phủ thành lập sau khi phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên của cả nước. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định (QĐ) 1122 nhằm kiện toàn bộ máy, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBPC HIV/AIDS Quốc gia và của các cấp, các ngành.

QĐ này chỉ đạo các tỉnh thành phải thành lập UBPC HIV/AIDS. Tuân theo chỉ đạo, năm 1999, UBND TPHCM ra QĐ 3496 để kiện toàn UBPC HIV/AIDS của TPHCM.

Tuy nhiên, đến năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có QĐ 61, thay thế QĐ 1122. QĐ 61 buộc các UBPC HIV/AIDS ở các tỉnh thành phải giải thể và mọi đầu mối tập trung về Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Trong khi các tỉnh thành trên cả nước phục tùng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hợp nhất UBPC HIV/AIDS về BCĐ thì TPHCM vẫn để UBPC HIV/AIDS hoạt động độc lập. Chẳng những thế, đến năm 2005, cơ quan này tiếp tục được kiện toàn và ông Lê Trường Giang được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực. 

Bức xúc trước cách làm ngược nêu trên, mới đây trong cuộc họp bàn về công tác phòng chống HIV/AIDS, bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TPHCM khẳng định: “Chức năng của UBPC HIV/AIDS TPHCM hiện nay  chiếu theo các QĐ của Thủ tướng Chính phủ, nó hết hiệu lực pháp luật!”.

Vấn đề dư luận đặt ra là vì sao người ta vẫn cố tình để UBPC HIV/AIDS hoạt động? Có thật những người tham gia vào bộ máy thuộc cơ quan này được lĩnh lương đúng như nhiệm vụ của họ? Toàn bộ kinh phí được sử dụng từ các nguồn tài trợ có thực sự phục vụ hết cho cộng đồng nhiễm HIV/AIDS? PV Tiền phong đã đi tìm câu trả lời.

Theo thống kê, đến hết năm 2006, UBPC HIV/AIDS TPHCM  đã thành lập 36 trung tâm tham vấn (TTTV) xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn thành phố. Theo quy định, những trung tâm này muốn thành lập phải có QĐ của UBND TPHCM. Tuy nhiên, quy định trên đã không được thực hiện. Và ở đây đã lộ ra những chiếc bánh vẽ do ông Lê Trường Giang “đạo diễn”. 

Làm trái quy định của Bộ Y tế

Theo Chỉ thị 11 ngày 31/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì “Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) là cơ quan duy nhất được công bố về số liệu người nhiễm HIV trên địa bàn”. Thế nhưng, vào năm 2004, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, phụ trách về mảng phòng chống HIV/AIDS cho cả những tổ chức phi chính phủ (NGO) được cấp thẻ xác nhận tình trạng HIV.

Trước hành vi làm trái Chỉ thị 11, Trung tâm YTDP TPHCM đã có tờ trình phản đối việc cấp thẻ loạn xạ để xác nhận tình trạng HIV của ông Giang. Đồng thời, Trung tâm YTDP cũng cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu như cho phép các tổ chức NGO xác nhận tình trạng HIV.

Dù đã có cảnh báo, nhưng không hiểu sao ngày 23/5/2005, UBND TPHCM vẫn có QĐ 159, cho phép các đơn vị tham vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, các trường, trung tâm cai nghiện; đơn vị chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được xác nhận tình trạng HIV (!).

Và khi QĐ 159 chưa có hiệu lực (sau 10 ngày ký mới có hiệu lực) thì  ông Giang đã nhanh nhảu triển khai cho 28 TTTV thuộc NGO được cấp thẻ. Sau đó, CA TPHCM phát hiện ngay tại Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng Life- Gap (quận 2) một “ổ” chuyên mua bán… ma túy cung cấp cho con nghiện đến tư vấn.

Điều nghiêm trọng là trong 5 đối tượng bán “hàng trắng” có 2 người là tuyên truyền viên HIV mà ông Giang vẫn trả lương 60USD/người/tuần, 3 đối tượng còn lại là những tư vấn viên của Life - Gap.

Tháng 2/2007, Thanh tra Sở Y tế kết luận, việc UBPC HIV/AIDS cho lập các TTTV tại các Trung tâm y tế quận huyện là không đúng thẩm quyền. Phía thanh tra cho rằng QĐ cho phép các TTTV điều trị ARV (điều trị kháng vi rút HIV) là không đúng cơ sở pháp lý. Chẳng những thế Thanh tra còn phát hiện 4 TTTV chưa có quyết định thành lập đã hoạt động chui.   

Theo Thanh tra, QĐ 61 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của UBPC HIV/AIDS cũng không có chức năng yêu cầu các quận, huyện thành lập TTTV và cho phép các đơn vị điều trị ARV.

Việc UBPC HIV/AIDS cho phép một số đơn vị cấp thẻ xác nhận tình trạng nhiễm HIV là chưa đúng với Quyết định 3052 của Bộ Y tế (ngày 8/5/2000) và Chỉ thị 11. Do đó sự tồn tại hoạt động của TTTV  từ bấy lâu nay đều trái luật.

Ngoài ra, theo Thanh tra Sở Y tế, hiện có đến 80% CB-CNV đang làm việc tại các TTTV hưởng các chế độ lương chưa rõ ràng. Chưa có quy chế tuyển dụng.

Có người làm việc ở quận Thủ Đức được hưởng 1 triệu đồng/tháng, nhưng người ở Bình Chánh chỉ hưởng vỏn vẹn 300.000 đồng/tháng và thậm chí theo điều tra của Tiền phong có những người ở một trung tâm YTDP quận lĩnh trách nhiệm tham vấn, phục vụ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS chưa bao giờ thấy bảng lương do UBPC HIV/AIDS gửi ký nhận.

Điều này thể hiện có sự nhập nhèm về tài chính.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.