Những “sát thủ” trên quốc lộ 6

Những “sát thủ” trên quốc lộ 6
Sau khi theo chân các trinh sát CA Hà Tây bắt quả tang 3 thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình ăn hối lộ, phóng viên báo Tiền Phong đã lên đường đi Sơn La – Hòa Bình nhằm thu thập thêm thông tin về những kẻ đã nhiều năm nay gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những lái xe tuyến Sơn La – Hòa Bình - Hà Tây.

Người cao niên nhất trong nhóm “mãi lộ” là Nguyễn Quốc Sự với chức Đội phó Đội TTGT số 1 tỉnh Hòa Bình. Theo như lý lịch mà Sự khai trước CA Hà Tây thì ông ta sinh năm 1948.  Thế nhưng, trước phóng viên báo Tiền Phong, ông ta “thật thà” thú nhận rằng mình cầm tinh “con trâu” (1949). Sở dĩ phải khai tăng thêm 1 tuổi, theo ông ta, là vì năm 1966, khi xin đi học Trung cấp Giao thông, ông ta mới 17 tuổi nên phải sửa năm sinh để được nhận học.

Trong ngành GTVT Hòa Bình, người ta biết đến Nguyễn Quốc Sự như một người bất cần đời. Có lẽ một phần ông ta có gia cảnh bất hạnh, con cái đứa bị tàn tật, đứa bị tai nạn; phần khác, chắc ông ta chỉ còn một vài năm nữa là “hạ cánh” nên cố “hốt” được càng nhiều càng ít chăng?

Với bản tính như thế, cộng với thâm niên ngót 40 năm trong ngành, Nguyễn Quốc Sự mới dám thách đố trước các chiến sĩ CA Hà Tây rằng “Tớ đang thích được giam đây!”. Quả thực, lúc đó, chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước “độ lỳ” của ông ta. Song, chiều hôm sau, khi chúng tôi “hỏi thăm sức khỏe” của Nguyễn Quốc Sự, các trinh sát mỉm cười: “Ngoan” rồi!

Trái ngược với Nguyễn Quốc Sự, thanh tra viên Nguyễn Minh Giang lại có vẻ rất “nai tơ”. Thế nhưng, sau một thời gian xác minh, tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng Giang chính là nhân vật mà cánh lái xe đặt cho biệt danh “sát thủ”!

Còn nhớ, buổi chiều 14/7/2005, sau khi bị bắt quả tang nhận tiền hối lộ, nhóm TTGT trên bị áp giải về Tổ công tác khu vực đường 21A CA huyện Quốc Oai. Nơi này nằm ngay cạnh một xưởng sửa chữa ô tô. Lúc đó, chúng tôi chưa hề biết họ tên của nhóm TTGT bị bắt. Bỗng dưng, một người trạc 30 tuổi, chạy ra, vừa vỗ tay hoan hô, vừa nói to: “Đáng đời tên sát thủ – nó chính là Nguyễn Minh Giang đó!”.

Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại làm sao biết rõ họ tên người  bị còng tay kia, anh ta đáp: “Em là lái xe chuyên chở hàng mà, còn lạ gì cái mặt nó! Ngày xưa, nó còn làm ở Trạm cân, cực “dã man”. Lái xe chúng em nếu gặp phải nó thì khôn hồn ngoan ngoãn lót tay ngay, nhẹ thì 50.000 -100.000 đồng, nặng thì tới 3-4 triệu đồng, nhất là những xe tải mới đưa vào lưu thông thì phải cung tiến ngay phong bì “2 tê”! (Hai triệu đồng. Trường hợp lái xe Hoàng ở phần trước chúng tôi đã nêu cũng là lái xe mới vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình – PV).

Tiếp đó, một người đứng tuổi, tự xưng là chủ xe, biết chúng tôi là nhà báo, ông đã bức xúc giãi bày: “Suốt mấy năm nay, những lái xe tải khổ nhục vì nhóm TTGT trong đó có Nguyễn Minh Giang. Bình thường, họ “ăn” của chúng tôi trên dưới 100 ngàn đồng/chuyến thì chúng tôi vẫn cứ ngoan ngoãn “cung phụng” không dám hé răng nửa lời.

Thế nhưng nhiều bữa họ rất quá đáng. Chính mắt tôi chứng kiến họ “phục kích” xe hàng, rồi đuổi theo chặn đầu xe, khi lái xe vừa rời ca bin, thì Giang giơ tay tát mạnh vào mặt lái xe, rồi đục biển số xe, rồi chẳng nói chẳng rằng lên xe thanh tra vụt biến mất. Thế là lái xe phải nuốt hận, sớm hôm sau mang ít nhất 1 triệu đồng tới để xin lại biển số…”.

Đối với cánh lái xe ở Sơn La thì nỗi kinh hoàng và khổ nhục còn tăng gấp bội, bởi họ không còn con đường nào trốn thoát khỏi bàn tay của “sát thủ” Nguyễn Minh Giang. Lái xe CD, chỉ 2 lần mắc lỗi quá tải và không che bạt, đã phải “nôn” cho nhóm TTGT trên gần 3,5 triệu đồng. VL, lái xe biển số BKS 26K… do “sơ ý”, đã bị nhóm của Giang đuổi theo chặn đầu xe và tháo luôn biển số.

Sau khi VL đếm đủ 2 triệu đồng (không biên bản) trao cho Giang thì xe của VL mới tiếp tục được lưu thông. Có lái xe chạy tuyến Sơn La, qua địa phận Hòa Bình, khi gặp nhóm của Nguyễn Minh Giang, biết mình phận yếu, trong túi lại trống rỗng, nên đã ngoan ngoãn tự tháo biển số dâng cho Giang để khi gặp lại làm “luật” đỡ bị gây thêm rắc rối. Nói ra chắc khó ai có thể tin nổi rằng, đã từng có lái xe phải quỳ lạy nhóm Nguyễn Minh Giang giữa đường nhưng vẫn chẳng được buông tha.

“Tức nước vỡ bờ”, có lái xe biển kiểm soát 26K22… không chịu nổi sự hà hiếp thái quá, đã “vùng lên” choảng nhau với  nhóm TTGT của Giang. Nhóm TTGT tiêu cực tuy không giỏi võ thuật, nhưng rất thạo võ trị lái xe, họ giở chiêu kích động đám nghiện khoe mình đang dính “ết” ra đối phó. Thế là  mấy lái xe định “vùng lên” kia “xẹp”  xuống ngay, trật tự lập lại đâu vào đó !

Trong số thông tin của bạn đọc gửi tới báo Tiền Phong có lái xe đã hai lần gửi thư tới báo. Chúng tôi xin lược trích đăng một số nội dung trong bức thư này:

“Chúng tôi là những người dân đồng thời là lái xe hàng ngày chạy trên các tuyến đường trong và ngoài tỉnh Hòa Bình, vô cùng phấn khởi bởi cuối cùng thì những kẻ lợi dụng chức quyền chuyên sách nhiễu, ép vòi tiền cánh lái xe chúng tôi, đã bị pháp luật vạch mặt để trừng trị.

Đã từ lâu, tất cả các loại xe ôtô, từ xe chở khách đến xe tải mỗi khi lưu hành trên đường cho dù chấp hành luật lệ giao thông đến đâu chăng nữa, nhưng mỗi khi nhìn thấy bóng dáng của TTGT là phải ngoan ngoãn dừng lại, chuẩn bị sẵn tiền “làm luật”, nếu không, họ sẽ hạch sách, soi mói, kiểm tra kiểu “bới bèo ra bọ” rồi lập biên bản, giữ bằng lái xe hoặc tháo giữ biển số xe cho dù chỉ mắc lỗi nhỏ.

Đặc biệt đối với những xe tải chở hàng hóa, mỗi khi chở quá khổ, quá tải một chút mà gặp TTGT thì coi như chuyến hàng đó đi toi, bởi “khung hình phạt” rất cao, nhẹ thì 500-700 ngàn đồng, nặng thì 3-4 triệu đồng, nếu không, họ sẽ tháo biển số, giữ giấy tờ xe. Nhiều lái, chủ xe vì phải “làm luật” và nộp phạt cho TTGT quá nhiều nên đã phải bán xe để chuyển nghề khác kiếm sống. Nếu lái, chủ xe nào muốn yên ổn làm ăn thì phải nộp tiền luật theo tháng từ 2-3 triệu đồng…

Được biết, ngoài việc dùng chiếc xe BKS 28A-3367 để đi làm những việc phi pháp, nhóm TTGT trên còn thường xuyên sử dụng chiếc xe BKS 28A-1459 có lắp ăng ten liên lạc và còi ú chuyên dùng cho lực lượng cảnh sát, và thường đặt một băng vải đỏ mang dòng chữ vàng “khu II” (là băng dùng cho lực lượng TTGT khu QLĐB II), đặt trước kính xe để chặn xe kiểm tra đòi tiền luật.

Những lúc sử dụng chiếc 28A-1459 này, (thường đi vào ban đêm) họ thường có 2-3 TTGT và do chính “sát thủ” Nguyễn Minh Giang (biệt danh do cánh lái xe đặt cho y) cầm lái. Đặc biệt chiếc xe này còn được đội TTGT II-01 thuộc lực lượng TTGT khu QLĐB II (có trụ sở tại phường Chăm Mát – thị xã Hòa Bình – tỉnh Hòa Bình) sử dụng để chặn kiểm tra xe; cách thức làm việc của đội TTGT II-01 này cũng chẳng khác gì những TTGT tỉnh Hòa Bình vừa bị bắt: cũng chặn xe kiểm tra đòi tiền mãi lộ, nếu lái xe không chịu làm luật thì tháo BKS, lập biên bản giữ giấy tờ xe… nhưng địa bàn hoạt động của đội TTGT này là dọc tuyến đường QL6 từ Thanh Xuân – Hà Nội cho tới giáp ranh giữa Hòa Bình – Sơn La.

Đặc biệt là tuyến Nho Quan – Mãn Đức là tuyến đường các xe vận tải hàng nặng thường xuyên chở thiết bị máy móc phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Rất nhiều lái, chủ xe bị các TTGT của Đội này làm luật 2-3 triệu đồng/chuyến hàng nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám tố cáo vì còn phải lấy đường đi lại. Và những lúc Đội này sử dụng chiếc xe 28A-1459 đều do TTGT Nguyễn Minh Sơn (là anh ruột của “sát thủ” Nguyễn Minh Giang) cầm lái.

Nhưng tại sao chiếc xe BKS 28A-1459 là xe của Cty QL và SCĐB 222 đã thanh lý cho tư nhân từ năm 2002 rồi mà vẫn mang biển số cũ - biển số xanh – là BKS chỉ dành riêng cho cơ quan Nhà nước?

Qua tìm hiểu, được biết, chiếc xe này đã được anh em nhà Nguyễn Minh Giang mua của Cty QL và SCĐB bởi có anh ruột Nguyễn Minh Nam là lái xe của Cty này. (Nay, không hiểu vì lý do gì, Nguyễn Minh Nam đã “chạy” được về làm tại Trạm thu phí Chương Mỹ – Hà Tây?!).

Và từ đó đến nay, chiếc xe này thường xuyên được TTGT tỉnh Hòa Bình và Đội TTGT II-01 luân phiên sử dụng – mà trên xe lại có cả còi ú! Phải chăng có sự bao che, tiếp tay của cơ quan chủ quản hay một thế lực ngầm nào đó để cho những TTGT này lộng hành từ bao lâu nay, dùng BKS xanh để dễ dàng hù dọa, đòi tiền mãi lộ của lái xe?

Vì sao, một gia đình có đến 4 anh em ruột đều được làm việc ở những vị trí dễ “kiếm ăn”, thường xảy ra tiêu cực của ngành GT-VT Hòa Bình: hai là TTGT Nguyễn Minh Sơn và Nguyễn Minh Giang, 1 là nhân viên thu phí GT Nguyễn Minh Nam và 1 là cán bộ phòng Quản lý người lái xe và phương tiện Sở TGVT Hòa Bình Nguyễn Thị Thủy?

Khi vụ việc nhận hối lộ bị CA Hà Tây bắt, có luồng dư luận cho rằng: Nếu đưa chúng về Hòa Bình xử lý thì lại “hòa cả làng” vì có nhiều dây ô che chắn, liệu thực tế có xảy ra như dư luận trên không? Rất mong có sự trả lời từ các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng ở hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình cũng như ngành GTVT…”.

Trong số 3 câu hỏi mà bạn đọc đặt ra, hai câu đầu xin chuyển đến tỉnh Hòa Bình cùng ngành GTVT giải đáp. Riêng câu hỏi thứ 3, chúng tôi xin được trả lời như sau: Ngay sau khi bắt quả tang 3 TTGT Hòa Bình nhận hối lộ của lái xe, chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi tương tự đối với CA Hà Tây.

Đại tá Trần Thùy, Phó giám đốc CA tỉnh Hà Tây đã khẳng định: “Không có chuyện di lý các đối tượng về Hòa Bình để “xử lý”; CA Hà Tây đã họp và thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ kiên quyết làm hết chức năng để truy tố và xử lý nghiêm những kẻ phạm pháp!”.

Ngày 1/8/2005, phóng viên báo Tiền Phong đã liên lạc với CA tỉnh Hà Tây và được biết thêm: CA Hà Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, bị can, đồng thời ra lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng để điều tra mở rộng. Chắc chắn, trong một ngày không xa, các đối tượng sẽ bị đưa ra xét xử công khai.

MỚI - NÓNG