Những tú bà miền sơn cước

Những tú bà miền sơn cước
Với thủ đoạn rủ rê các cô gái đi làm ăn, Lương Thị Ngọc cùng đồng bọn đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ đưa các thôn nữ miền Tây  - những người chúng quen biết sang Trung Quốc bán.
Ghi lời khai của Vi Thị Châm
Ghi lời khai của Vi Thị Châm.

Điều đáng nói ở đây, Ngọc và những đối tượng này đều quen biết các nạn nhân bởi họ ở cùng trong xã Thạch Giám. Thế nhưng vì đồng tiền, họ từ những cô gái hiền lành suốt ngày chỉ biết nương rẫy bỗng chốc trở nên lọc lõi, gian manh với những mánh lới lừa lọc

Đêm 30-3-2011, trực ban Công an phường Lê Lợi - TP Vinh (Nghệ An) nhận được một cuộc điện thoại từ Tương Dương. Trong hơi thở gấp gáp, người đàn ông bên kia đầu dây khẩn khoản nhờ các đồng chí Công an phường giải thoát cho con của họ đang bị một người đàn bà lừa bán sang Trung Quốc.

Theo lời kể của người đàn ông này, hiện con gái của ông đang ở cùng một người đàn bà tại khách sạn Phú An thuộc phường Lê Lợi để chờ bắt xe khách ngược ra Bắc.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, chỉ huy Công an phường Lê Lợi đã trực tiếp chỉ đạo một tổ công tác đến Khách sạn Phú An để kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện tại phòng 203 của khách sạn này có 3 phụ nữ nghỉ trọ không có giấy tờ tùy thân gồm: Lương Thị Ngọc sinh năm 1975, trú tại xã Thạch Giám; La Thị Anh sinh năm 1978 trú tại xã Yên Hòa; Trần Thị Loan sinh năm 1972 trú tại xã Xá Lượng huyện Tương Dương. Ngoài ra, Công an phường Lê Lợi còn thu giữ được 22.500.000 đồng, 400 nhân dân tệ và 5 điện thoại di động.

Đấu tranh với các đối tượng, Lương Thị Ngọc thừa nhận đã thực hiện hành vi buôn bán một số phụ nữ sang Trung Quốc như Lê Thị Tiên sinh năm 1991; Vi Thị Lệ sinh năm 1995 và Lộc Thị Hà sinh năm 1983 đều trú tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương để lấy tiền.

Với thủ đoạn rủ rê các cô gái đi làm ăn, Lương Thị Ngọc cùng những đối tượng trong đường dây đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ đưa các thôn nữ miền Tây sang Trung Quốc bán. Điều đáng nói ở đây, Ngọc và những đối tượng này đều quen biết các nạn nhân bởi họ ở cùng trong xã Thạch Giám.

Thế nhưng vì đồng tiền, họ từ những cô gái hiền lành suốt ngày chỉ biết nương rẫy bỗng chốc trở nên lọc lõi, gian manh với những mánh lới lừa lọc. Vụ việc này hiện đang được chuyển giao cho Công an huyện Tương Dương tiếp tục mở rộng điều tra.

Trước đó, ngày 26-10-2010, Công an huyện Quế Phong cũng thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với tú bà Vi Thị Châm, trú tại xã Quang Phong. Cũng với thủ đoạn lợi dụng quen biết, rồi lừa phỉnh đi làm ăn ở các tỉnh phía Bắc với mức lương 1 – 2 triệu đồng/tháng, ngày 16-9-2009, Châm đã lừa chị Vi Thị Hồng Quyên (SN 1993) trú tại bản Hủa, xã Quang Phong bán sang Trung Quốc với giá 25 triệu đồng.

Trước đó, Châm đã lừa bán một cô gái ở ngay trong bản Cỏ Hưởng mà Châm đang sinh sống là Vi Thị Nhung sang Trung Quốc cũng với thủ đoạn tương tự. Để làm được điều này, chính Châm cũng đã phải trải qua những tháng ngày tủi nhục khi bị lừa bán sang xứ người làm vợ. Sau khi thoát khỏi địa ngục, Châm lại dùng chính thủ đoạn mà người khác đã làm với mình để kiếm tiền ngay với những người mà thị quen biết trong bản.

Đưa ra hai vụ việc điển hình trên để thấy rằng, nạn buôn bán phụ nữ ở miền Tây Nghệ An đang ở mức đáng báo động hơn bao giờ hết. Thủ đoạn của bọn mua bán phụ nữ, trẻ em rất đa dạng.

Chúng thường tìm đến các cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở thôn quê hoặc thông qua người quen để dụ dỗ, hứa tìm giúp việc làm ở thành phố, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng chính sách thông thoáng trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, kết hôn và cho nhận con nuôi; dùng thủ đoạn đẩy phụ nữ, trẻ em hoặc gia đình họ vào con đường sa ngã bắt buộc họ làm theo ý chúng; lợi dụng khu vực biên giới, dân cư thưa thớt có nhiều đường mòn sông suối dễ qua lại.

Xu hướng phạm tội có tổ chức ngày càng thể hiện rõ qua việc câu kết, móc nối giữa các đối tượng có tiền án, tiền sự, chủ chứa, môi giới mại dâm trong và ngoài nước... Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do các nạn nhân bị mặc cảm, rồi lại gặp sự kỳ thị của cộng đồng nên họ không muốn tố giác tội phạm. Việc phối hợp giữa các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế còn nhiều hạn chế; thiếu đồng bộ từ trung ương tới địa phương, chưa có ngành nào chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em còn rất thấp so với thực tế xảy ra…

Từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng Phòng CSHS đã khám phá bóc gỡ 6 ổ nhóm buôn bán phụ nữ.

Sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em phải được coi là nhiệm vụ quan trọng được tiến hành thường xuyên, bên cạnh đó, các lực lượng cần tập trung đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe, nâng cao ý thức cảnh giác trong quần chúng nhân dân, có như vậy mới hy vọng phòng ngừa và làm giảm tội phạm này trong thời gian tới.

Theo Vinh Quang
Công an Nghệ An


Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG