Những uẩn khúc quanh việc mua bán đất tại KĐT mới Mỹ đình 2

Những uẩn khúc quanh việc mua bán đất tại KĐT mới Mỹ đình 2
Phát hiện “giấy biên nhận” 3,5 tỷ đồng của “cò” Nguyễn Hữu Tiến; Từ vụ “cố ý gây thương tích”, lần ra một đầu mối vụ “tham ô”.

Xung quanh việc bắt giam Phó Tổng giám đốc HUD Đào Tiến Dũng, báo Tiền Phong đã nêu nghi vấn về vụ chuyển nhượng đất bất thường khác cũng tại Khu đô thị mới Mỹ Đình 2 

Vụ chuyển nhượng bất thành này, theo Tổng Cty HUD, chỉ là do Cty cổ phần An Bình Tây không đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, phía sau vụ việc là những “kịch bản” được dàn dựng khá hoàn hảo.

Lập Cty để hợp thức việc... mua đất

Nguyên Cty cổ phần An Bình Tây được thành lập ngày 1/12/2003, sau khi Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có chủ trương chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật các lô đất công cộng thuộc khu Mỹ Đình 2 khoảng 6 tháng.

Đến ngày 14/12/2003, Cty này mới đệ đơn lên Tổng Cty HUD xin mua 7.755 m2 đất lô CC1, và ngày 25/12/2003 đã ký được hợp đồng mua đất số 188. Tuy nhiên, việc xin mua và ký kết hợp đồng chỉ mang tính hình thức, bởi An Bình Tây đã nắm chắc cơ hội mua được 7.755 m2 đất kia ngay từ khi... chưa ra đời. Trong hồ sơ ĐKKD, An Bình Tây đã đăng ký trụ sở ngay tại lô CC1 Khu đô thị mới Mỹ Đình 2!

Theo các tài liệu Tiền Phong thu thập được, phía sau thương vụ “mua bán” 7.755 m2 đất này đã có bàn tay “đạo diễn” của ông Đào Tiến Dũng. An Bình Tây là Cty do chính… con trai ông Dũng là Đào Minh Huấn (SN 1978, cán bộ thanh tra thuế) góp 50% vốn, 50% còn lại chia đều cho hai cổ đông Hà Minh Đức và Bùi Thị Huyền Sâm.

Theo cổ đông Bùi Thị Huyền Sâm, việc thành lập Cty An Bình Tây để mua bán lô đất trên do ông Đào Tiến Dũng đạo diễn. Theo đó, cuối năm 2003, ông Dũng bàn với bà Sâm và ông Đức “liên doanh” thành lập Cty để ông ta làm thủ tục mua lô đất trên, vì HUD quy định chỉ chuyển nhượng cho đối tượng doanh nghiệp, và ông ta có khả năng mua được khoảng 8.000 m2. Thấy lời mời hấp dẫn, bà Sâm, ông Đức đã nhận lời…

Thực tế cũng cho thấy, việc “mua bán” đất rất thuận chèo mát mái, cho đến khi hợp đồng 188 bị đổ bể, mà theo giải thích của phía HUD, là do An Bình Tây “không đủ năng lực tài chính”. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ đơn giản như vậy…

“Thay chiến mã giữa trận tiền

Đúng một ngày trước khi An Bình Tây tổ chức đại hội cổ đông để bàn việc giải thể, ngày 11/3/2004, các ông Đào Minh Huấn - Hà Minh Đức và một số người khác đã kịp thành lập và có trong tay bản ĐKKD một Cty cổ phần khác mang tên Dải Ngân Hà, vốn điều lệ 10 tỷ đồng (tại thời điểm này, Huấn góp 85% tổng số cổ phần, ông Đức 10%). Sau đó, An Bình Tây đã làm hồ sơ xin giải thể, đồng thời đệ đơn lên Tổng Cty HUD xin huỷ hợp đồng số 188 và chịu nộp phạt…

Khi biết mình lâm vào thế bị “thay chiến mã giữa trận tiền”, Bùi Thị Huyền Sâm đã làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan điều tra. Trong đơn, bà Sâm cho rằng, việc giải thể An Bình Tây, thành lập Dải Ngân Hà… cũng do ông Đào Tiến Dũng chỉ đạo nhằm gạt bà Sâm ra ngoài ê kíp “ăn chia”, vì giá đất Mỹ Đình 2 đã tăng vọt sau khi An Bình Tây ký được hợp đồng; ông Dũng cũng chỉ đạo ông Đức, với danh nghĩa Giám đốc Cty An Bình Tây, làm công văn đề nghị HUD “chuyển hợp đồng 188 sang tên Cty Dải Ngân Hà với lý do An Bình Tây đổi tên thành Dải Ngân Hà”.

Cùng với đơn gửi cơ quan CSĐT, Bùi Thị Huyền Sâm cho biết cũng làm nhiều đơn gửi Phòng ĐKKD Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội và Tổng Cty HUD, đề nghị dừng việc chấp nhận giải thể Cty An Bình Tây, giữ nguyên hiện trạng hợp đồng 188, với lý do An Bình Tây chưa thanh toán cổ phần cùng số tiền 6 tỷ đồng bà Sâm nộp để thực hiện hợp đồng 188 và lợi nhuận từ hợp đồng. Tuy nhiên, như Tiền Phong đã thông tin, sau đó HUD vẫn huỷ hợp đồng 188 và hoàn trả An Bình Tây hơn 9 tỷ đồng tiền “đặt cọc”.

Bà Bùi Thị Huyền Sâm là ai?

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ việc ông Nguyễn Văn Lý, Phó Cục trưởng Cục E14 - Tổng cục VI - Bộ Công an và một cán bộ Cục này bị một số đối tượng hành hung tại ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội vào ngày 22/4/2004 (thời điểm đó báo Tiền Phong đã đưa tin).

Chính bà Bùi Thị Huyền Sâm và chồng là ông Cai Quang Vinh đã gây ra vụ va chạm và gọi một số thanh niên đến hành hung hai người cán bộ này. Vụ án “cố ý gây thương tích” sau đó đã được Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội khởi tố, vợ chồng Bùi Thị Huyền Sâm bị bắt và khám xét khẩn cấp. Đến ngày 10/11/2004, TAND quận Đống Đa ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can.

Đáng chú ý là trong lần bắt, khám xét này, Cơ quan CSĐT đã phát hiện một số tài liệu quan trọng liên quan đến việc chuyển nhượng đất tại khu Mỹ Đình 2. Trong các tài liệu này có một giấy biên nhận của “cò” Nguyễn Hữu Tiến (Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản ASEAN và là một trong 3 bị can đã bị bắt cùng ông Dũng) đề ngày 20/9/2004, nội dung ghi ông Tiến có nhận của Cty cổ phần xây dựng công trình Thăng Long 9 số tiền 3,5 tỷ đồng.

Đây là một trong những đầu mối, chứng cứ đặc biệt quan trọng để sau này cơ quan điều tra phanh phui ra vụ tham ô hơn 7,5 tỷ đồng của Phó Tổng giám đốc HUD Đào Tiến Dũng.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.