Những việc làm lạ kỳ của bà giám đốc

Những việc làm lạ kỳ của bà giám đốc
TP - Ngoài việc giảm số buổi nghỉ học, nâng chữa điểm cho học sinh, trù úm cán bộ thì tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Trung tâm) còn xảy ra nhiều chuyện lạ.
Những việc làm lạ kỳ của bà giám đốc ảnh 1

Tấm bằng có dấu hiệu giả của ông Trí

Có 14 người ở Trung tâm ký vào Văn bản số 120/TTKTTH - HN phản bác báo Tiền phong. Một số người sau này kể lại vì nể lãnh đạo, do bị thúc ép hoặc bị “lừa” nên mới làm chuyện đó.

Ông Đỗ Quyết Chiến, chi ủy viên chi bộ Trung tâm thừa nhận: “Sáng 1/10 tôi đang dự tiết chào cờ đầu tuần thì bà Nguyễn Thị Bình cho người gọi tôi vào lớp học số 4. Bà Bình chờ sẵn rồi đưa cho tờ đơn thứ 2 của văn bản phản hồi báo Tiền phong.

Bà Bình thúc giục, bản thân không được xem kỹ nội dung nên tôi ký bừa. Tôi thấy việc làm đó là sai vì chưa được họp bàn, thông qua tập thể cơ quan hay chi bộ”. 

Điều đáng nói, có 5 đảng viên tham gia cùng quần chúng ký đơn tập thể, vi phạm vào Điều 19 QĐ/TW Quy định về những điều đảng viên không được làm (chúng tôi được biết, Đảng ủy Khối CCQ Dân Chính tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành xem xét, xử lý vấn đề này).

Bên cạnh đó, bà Bình còn tìm mọi cách để tiếp tục trù úm những người chống đấu tranh chống tiêu cực. Ngoài việc tìm cách đẩy hai cô Nguyễn Quỳnh Thi (giáo viên Sinh học) và Đới Thị Bình (giáo viên dạy Lịch sử) đi nơi khác vì những người này là những “nhân chứng sống” của vụ “sửa điểm, hạ ngày nghỉ” của học sinh, ngày 13/10 lấy cớ “làm công tác tổ chức, sắp xếp công việc”, bà Bình ép buộc chị Dương Thị Thau (cán bộ văn thư) phải giao con dấu cho ông bảo vệ Liễu Quang Phấn.

Chị Thau cho biết, ông Phấn là người có nhân thân xấu. Ông này nguyên là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã bị tòa án tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 7 năm tù vì hành vi nhận hối lộ, tham ô công quỹ. Thụ án xong ông Phấn được bà Bình nhận vào làm tại Trung tâm.

Mặc dù mắc nhiều sai phạm bị cán bộ, giáo viên tố cáo nhưng bà Nguyễn Thị Bình vẫn tự nhận mình đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” năm học 2006 - 2007. Sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn họp xét thi đua, không nhất trí nên hạ xuống một bậc, chỉ cho bà đạt danh hiệu… “Lao động tiên tiến”(?).

Nhiều giáo viên bức xúc cho rằng: Bà giám đốc làm nhiều việc xấu, vi phạm quy chế chuyên môn và chỉ thị “hai không” của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không còn xứng đáng với danh hiệu, nhân phẩm nhà giáo thế mà vẫn đạt “Lao động tiên tiến” là không khách quan, công bằng!

Thầy giáo “rởm” được giám đốc bao chắn

Như Tiền phong đã đăng tải, ông Nguyễn Văn Trí đang là người sửa chữa xe tư nhân ở đường Nhị Thanh (phường Tam Thanh - TP Lạng Sơn), được bà Nguyễn Thị Bình ưu ái “biến” thành giáo viên rồi cử xuống huyện Chi Lăng giảng dạy. Các cấp, các ngành đến “hỏi thăm”, bà Nguyễn Thị Bình đều đưa tấm bằng “kỹ sư” tốt nghiệp Đại học Bách khoa của ông này ra!

Tổng cục Dạy nghề yêu cầu chấm dứt hợp đồng giảng dạy với thầy giáo “rởm”

Chiều 10/10, Đoàn công tác của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) do ông Lê Vinh, Chánh Thanh tra dẫn đầu đã đến làm việc với Trung tâm KTTH-HN tỉnh Lạng Sơn.

Qua thẩm tra trực tiếp tại cơ sở, đoàn công tác đã xác định trong bản Hợp đồng số 01 HĐ/ĐT giữa Trung tâm với Trung tâm GDTX huyện Chi Lăng có nhiều sai sót, không đúng.

Nhất là tấm bằng Đại học Bách khoa của ông Nguyễn Văn Trí, Tổng cục Dạy nghề yêu cầu Trung tâm chấm dứt hợp đồng với ông Trí vì có dấu hiệu sử dụng bằng giả.

Tấm bằng có số hiệu B11316 trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) cấp cho ông Trí ngày 27/5/1985, do Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hiển ký (Bằng sao có công chứng của UBND phường Tam Thanh - TP Lạng Sơn).

Ông Hoàng Thắng, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) khi xem phôi bằng của ông Trí (mà bà Bình cung cấp cho PV) đã khẳng định ngay đó là tấm bằng giả mạo.

Bởi lẽ, năm 1985, Hiệu trưởng nhà trường là giáo sư Hà Học Trạc chứ không phải Phó giáo sư Nguyễn Minh Hiển như trên tấm bằng của ông Trí ghi.

Hơn nữa, mẫu bằng của trường ĐH Bách khoa khác xa với tấm bằng của ông Trí. Ngày 28/9/2007, khi PV chất vấn về sự “lạ đời” này thì bà Bình lại cho rằng: Ông Trí là giáo viên dạy hợp đồng, khi đưa bằng đến nộp bà chỉ biết... nhận mà không hay biết gì” (?!).

Thế mà, sau đó gần một tuần sau, vào ngày 4/10, trong kỳ sinh hoạt chi bộ, bà Nguyễn Thị Bình vẫn khăng khăng cho rằng bằng ĐH Bách khoa của ông Trí là “của” thật và nếu ai muốn xem thì đến phòng Kế toán để xem.

Trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), bà  Nguyễn Thị Bình lại tiếp tục đưa tấm bằng “rởm” này ra.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.