Những vụ án bắt cóc 'nghẹt thở' tại Việt Nam

Những vụ án bắt cóc 'nghẹt thở' tại Việt Nam
Khi bị gí súng vào đầu, nạn nhân ngỡ đó là một cuộc thanh toán để tranh giành mối làm ăn, chẳng những thế nạn nhân còn bị buộc phải nhận khoản nợ gần 1 tỷ đồng. Nhờ sự mưu trí của những chiến sĩ CA, vụ tống tiền đã bất thành …

Những vụ án bắt cóc 'nghẹt thở' tại Việt Nam

Phần 1: Bị bắt vì khoản nợ… trên trời

Khi bị gí súng vào đầu, nạn nhân ngỡ đó là một cuộc thanh toán để tranh giành mối làm ăn, chẳng những thế nạn nhân còn bị buộc phải nhận khoản nợ gần 1 tỷ đồng. Nhờ sự mưu trí của những chiến sĩ CA, vụ tống tiền đã bất thành …

Chân dung những kẻ bắt cóc anh Hải
Chân dung những kẻ bắt cóc anh Hải.

Như phim hành động

Bước ra khỏi chiếc Mercedes, anh Nguyễn Văn Hải, Việt kiều Úc, giám đốc một DN, trú tại phố Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP HCM lạnh người khi thấy một vật cứng chĩa vào hông cùng giọng nói lạnh như băng một người đàn ông: “Đi theo tao. Nếu không tao bắn chết”. Hôm đó là ngày 22-6-2008, vụ việc xảy ra tại đường Trường Sơn, quận Tân Bình.

Sau khi áp giải vị giám đốc vào một ngôi nhà, gã đàn ông lạnh lùng nói: “Chúng tôi là người của bà Hương, yêu cầu ông phải trả 45.000 USD cho bà ấy, nếu không đừng trách”. Anh Hải ngạc nhiên: “Tôi không hề thiếu nợ ai cả, các ông tìm lầm người rồi”.

Ngay sau đó, một người phụ nữ bước vào. Anh Hải ngỡ ngàng nhận ra đó chính là Cao Hoài Hương, đối tác làm ăn cũ của mình. Vừa chạm mặt, Hương đã luôn miệng thóa mạ, buộc anh phải trả lại số tiền đã đưa để cùng thành lập Cty.

Một lần nữa anh Hải khẳng định không có việc nợ nần. Nếu tính toán kỹ trong lần làm ăn chung đó thì chính Hương mới là người phải nợ anh. Vì Hương không đưa ra được bất kỳ chứng cứ, giấy tờ gì buộc anh Hải phải trả tiền nên Hương tức giận hét lớn: “Mấy người đập chết nó đi hoặc muốn làm gì thì làm”. Nói xong ả bỏ đi.

Sau đó, đám giang hồ tiếp tục khống chế nạn nhân đến quán cà phê Làng Tôi ở quận Gò Vấp. Lúc này đã rất khuya. Tại đây, gã đại ca chĩa súng vào đầu anh Hải buộc phải đưa 600 triệu đồng chuộc mạng. Sau đó, chúng ép anh đến khách sạn Sao Khuê và tuyên bố, chỉ đến khi nhận đủ tiền mới thả người.

Bọn chúng nhốt anh Hải vào phòng 104 và thay nhau canh giữ. Gã đại ca nói: “Chúng tao là loại người gì chắc mày biết rồi đó. Có thể bắt mày đến đây thì chúng tao chẳng sợ gì. Khôn hồn thì bảo cha mẹ chuẩn bị sẵn tiền mà chuộc mạng”. Chúng buộc anh Hải gọi điện về nhà thông báo bố mẹ chuẩn bị sẵn 600 triệu đồng để sáng mai về lấy vì “có việc quan trọng”.

Nghe giọng con có điều gì khác lạ, cha anh Hải chưa kịp hỏi lý do vì sao thì điện thoại đã cúp máy. Cố liên hệ lại nhưng không được, người cha linh cảm như có chuyện tồi tệ đã xảy ra với con trai mình. Đêm đó, cả nhà ông không chợp mắt.

9h sáng hôm sau, tiếng chuông điện thoại của gia đình anh Hải lại đổ dồn. Anh Hải nói yếu: “Con không biết mình đang ở đâu. Họ có súng…”. Tiếng gã đại ca quát nạt qua điện thoại: “Ngay bây giờ ông phải giao đủ 600 triệu đồng. Không được báo CA, nếu còn muốn nhìn thấy con mình”.

Sa lưới

Thấy vụ việc đi quá xa, bạn thân của cha anh Hải bí mật đến Đội 2 Phòng cảnh sát điều tra Trật tự và Xã hội, CA TP HCM để trình bày toàn bộ sự việc. Khi bản ghi lời khai chưa kịp kết thúc, người bạn này đã nhận được cuộc gọi từ cha anh Hải thông báo: “Chúng đã lấy tiền và thả con tôi về”.

Ngay lập tức, một nhóm trinh sát nhận nhiệm vụ tiếp cận anh Hải thu thập lời khai. Trong trạng thái hoảng loạn, anh Hải cho biết sự việc bắt nguồn từ Cao Hoài Hương và chỉ nhớ nơi bị giam giữ là khách sạn Sao Khuê, người nhà anh Hải cũng cung cấp những địa điểm bọn bắt cóc buộc giao tiền đều thuộc quận Gò Vấp.

Các trinh sát lên đường tìm Cao Hoài Hương nhưng bà này không có mặt ở nơi cư trú. Tiến hành lấy lời khai nhân viên tại khách sạn Sao Khuê, chân tướng gã “đại ca” dần lộ rõ. Hắn chính là Đỗ Hữu Cầu, tự Bình Trang, 35 tuổi, một tay anh chị chuyên sống bằng nghề đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc tại quận Gò Vấp, TP HCM…

Mấy ngày sau đó, khu dân cư tại đường số 6, phường 16, quận Gò Vấp, nơi Cầu ở bỗng xuất hiện nhiều người lạ. Có người đẩy chiếc xe bánh ngọt sục sâu vào từng ngõ ngách, kiên nhẫn mời khách. Có người trong bộ quần áo nhàu nhĩ với sấp vé số trên tay, lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm…

Trong thời gian ngắn, các trinh sát đã thuộc nằm lòng những thói quen, quy luật hoạt động của Cầu và đồng bọn. Đặc biệt, đây là băng nhóm được tổ chức khép kín theo kiểu gia đình, thành viên tham gia đều là họ hàng với nhau.

Đúng khi có lệnh “cất vó”, Đỗ Hữu Cầu “mất tích” tại quán bi-a nơi chúng thường tụ tập. Trung tá Nguyễn Thành Mỹ ra lệnh cho anh em rút lui, chờ bắt bằng được “con cá lớn”. Đến chiều 7-7-2008, ba mũi trinh sát khép chặt ba địa điểm khác nhau, Đỗ Hữa Cầu và đồng bọn đã lần lượt bị sa lưới.

Tại cơ quan điều tra, Cầu khai nhận, Cao Hoài Hương thuê Cầu đòi anh Hải số tiền đã hùn hạp làm ăn trước đó là 45.000 USD. Nếu đòi được, Cầu sẽ được một nửa. Sau nhiều ngày theo dõi, bọn chúng quyết định bắt anh Hải.

Để nạn nhân sợ hãi mà tuân thủ theo mình, Cầu lấy áo sơ mi quấn vào tay, giả vờ có súng để uy hiếp nạn nhân. Tuy nhiên, khi thấy cuộc nói chuyện giữa Hương và anh Hải không có kết quả, Cầu nảy sinh ý định bắt cóc tống tiền anh Hải. Số tiền lấy được từ gia đình nạn nhân, bọn chúng đã chia nhau ăn xài và nướng hết vào cờ bạc, cá độ bóng đá...

(Còn nữa)

Theo Minh Đạo
Pháp luật&Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.