Những vụ án hình sự đáng chú ý năm 2009

Những vụ án hình sự đáng chú ý năm 2009
TP - Tiền Phong tổng hợp tám vụ án hình sự đáng chú ý xảy ra trong năm 2009.

Ngày 6-7-2009, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Anh Kim (SN 1949, quê Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) về hành vi hoạt động chống Nhà nước, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Ngày 28-12-2009, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm. Theo cáo trạng, bị cáo Kim đã có hành vi viết đơn xin tham gia tổ chức tự xưng "Đảng dân chủ Việt Nam" với quan điểm muốn thay đổi chế độ, xóa bỏ chính quyền Nhà nước Việt Nam; sau khi gia nhập tổ chức này, bị cáo được "bổ nhiệm" làm Phó tổng thư ký và có nhiều hoạt động bất hợp pháp; bị cáo Kim còn tham gia "khối 8406" với danh nghĩa đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, nhưng thực chất nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước.

TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Kim 5 năm 6 tháng tù giam, về hành vi như cáo trạng đã truy tố.

2. Huỳnh Ngọc Sỹ lợi dụng chức vụ

Ngày 11-2-2009, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM (viết tắt là BQL), về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trước đó, C37 đã khởi tố vụ án "đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Cty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (PCI) liên quan đến BQL, nhưng chưa khởi tố bị can nào trong vụ án này.

Ngày 24-9-2009, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ, tuyên phạt bị cáo này 3 năm tù, do đã có hành vi làm trái quy định Nhà nước, vụ lợi cho BQL và cho cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng.

Dư luận cho rằng mức án dành cho ông Sỹ quá nhẹ. Sau phiên tòa, Viện KSND TPHCM đã có kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo.

Thông tin từ Viện KSNDTC, phía Nhật Bản đã chuyển cho Việt Nam hơn 4.000 trang tài liệu được dịch ra tiếng Anh về vụ án đưa hối lộ tại PCI. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã dịch toàn bộ tài liệu này sang tiếng Việt.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang nghiên cứu các tài liệu này, coi đây là nguồn chứng cứ quan trọng để tiến hành điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.

3. Đầu khủng long, đuôi thạch sùng

Đó là nhận xét của nhiều cơ quan công luận về vụ án liên quan đến vũ trường New Century tại Hà Nội. Khi vụ án được Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy (C17) Bộ Công an phá vào lúc rạng sáng 28-4-2007, thông tin ban đầu khiến dư luận xôn xao, rằng lực lượng chức năng đã triệt phá được một ổ nhóm ma túy cực lớn giữa lòng Hà Nội.

Lần lượt chủ vũ trường Nguyễn Đại Dương, kế toán trưởng Phùng Lam Sơn, thủ quỹ Nguyễn Lý Hương, thủ kho Vũ Nam Sơn bị bắt giữ...

Ngày 4-9-2009, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mở phiên tòa sơ thẩm. Trước đó, các nghi can Phùng Lam Sơn, Nguyễn Lý Hương, Vũ Nam Sơn đã được đình chỉ điều tra do không có hành vi vi phạm pháp luật; bị cáo Nguyễn Đại Dương cũng được đình chỉ về hành vi "chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy", chỉ bị truy tố về hành vi "kinh doanh trái phép".

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND quận Hoàn Kiếm đã miễn truy cứu trách nhiệm cho bị cáo Nguyễn Đại Dương. Ngày 29-12-2009, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Kết thúc vụ án càng cho thấy rõ, đây là vụ án "đầu khủng long, đuôi thạch sùng".

4. Lọt tội, lọt người

Cuộc sống tình cảm của vợ chồng anh Chu Thắng Huế và chị Lại Thị Mai (xã Châu Sơn, TX Phủ Lý, Hà Nam) không thuận hòa, mặc dù họ đã có với nhau hai đứa con, nên họ đưa đơn ly hôn ra tòa. Khi tòa đang thụ lý hồ sơ, ngày 6-8-2008, Huế gọi em gái là Chu Thị Hưng đến để tẩu tán chiếc tủ và chiếc sập - hai tài sản đáng giá nhất trong nhà. Chị Mai ngăn không cho Hưng khuân đồ đi, Hưng đẩy chị Mai ngã ngửa đập đầu xuống nền xi măng, làm chị Mai chết.

Trong hai ngày 16 và 17-2-2009, TAND TX Phủ Lý đã xét xử sơ thẩm bị cáo Hưng về hành vi "cố ý gây thương tích". Anh Huế được tòa mời đến với tư cách nhân chứng.

Các luật sư bảo vệ bị hại trích dẫn các chứng cứ có trong hồ sơ và các điều luật, đặc biệt là Luật Phòng chống bạo lực gia đình, để nhận định không truy tố bị cáo Hưng và nhân chứng Huế về hành vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản" là lọt tội, lọt người.

HĐXX không chấp nhận ý kiến các luật sư, tuyên bị cáo Hưng phạm tội "cố ý gây thương tích", hình phạt 5 năm 6 tháng tù giam.

Tại phiên phúc thẩm mở ngày 19-6-2009, TAND tỉnh Hà Nam đã chấp nhận quan điểm của các luật sư, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại, theo hướng khởi tố thêm tội danh "công nhiên chiếm đoạt tài sản" đối với Chu Thắng Huế và Chu Thị Hưng.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TX Phủ Lý đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Chu Thắng Huế để điều tra về hành vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản".

5. Vụ án Nông trường Sông Hậu - chưa đạt được sự đồng thuận xã hội

Ngày 15-8-2009, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Sương (nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu) tám năm tù, về hành vi "lập quỹ trái phép". Bị cáo Sương chống án, kêu oan. Ngày 20-11-2009, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm, đã tuyên y án sơ thẩm.

Vụ án đã gây xôn xao dư luận. Không chỉ lãnh đạo các cơ quan tố tụng cấp cao nhất, mà lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội cũng đã trả lời phỏng vấn báo chí, bày tỏ quan điểm về vụ án.

Về mặt pháp lý, các ý kiến đều dành quyền quyết định cho các cơ quan tư pháp, song về tình cảm, hầu hết những lời phát biểu đều bày tỏ sự thông cảm với bị cáo, Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương.

Hiện vụ án đang được các cấp cao nhất của cơ quan tố tụng nghiên cứu hồ sơ để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm; bị cáo Sương đang được hoãn thi hành án.

6. Dấu hiệu oan sai

Từ 14 đến 18-9-2009, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án ma túy Thanh Nhàn giai đoạn hai. Đáng chú ý trong vụ án này là lời kêu oan của bị cáo Phạm Đình Tiếng, nguyên thiếu tá công an, công tác tại PC17 Công an TP Hà Nội, bị truy tố về hành vi "nhận hối lộ" và "lừa đảo".

Chứng cứ để kết tội bị cáo Tiếng chỉ là lời khai của các đối tượng ma túy, họ khai rằng đã đưa cho Tiếng tổng cộng 25.000 USD để tha cho các đối tượng trong đường dây ma túy không bị bắt, hoặc đã bị bắt thì không bị truy cứu hình sự.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Tiếng chứng minh các chứng cứ để cho rằng bị cáo Tiếng nhận tiền của các đối tượng ma túy là không đủ giá trị pháp lý; đặc biệt, các luật sư đánh giá hoàn toàn không có căn cứ để cho rằng bị cáo Tiếng đã làm những việc có lợi cho các đối tượng ma túy.

HĐXX không chấp nhận lời kêu oan của bị cáo và lời bào chữa của các luật sư, tuyên bị cáo Tiếng "nhận hối lộ" và "lừa đảo", hình phạt 17 năm tù. Vụ án hiện đang được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Đáng chú ý, sau phiên tòa sơ thẩm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có hội thảo khoa học về vụ án này, và có văn bản kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền về dấu hiệu oan sai đối với bị cáo Phạm Đình Tiếng. Nhiều tài liệu về vụ án (đã được công khai tại phiên tòa sơ thẩm) cũng được đưa vào làm tài liệu học tập tham khảo của Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp.

Những vụ án hình sự đáng chú ý năm 2009 ảnh 1
Bị can Vũ Thị Kim Anh từ giã giảng đường để đến với nhà tù. Ảnh: Công Hùng

7. Nữ sinh giết người

Rạng sáng 14-2-2009, một người đàn ông bị cắt cổ dẫn đến tử vong, ngay trên chiếc xe Lexus người này cầm lái. Vụ án mạng càng xôn xao dư luận mạnh hơn, khi sau đó, cơ quan điều tra bắt được thủ phạm là cô sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội xinh đẹp sinh năm 1987, Vũ Thị Kim Anh.

Lời khai của hung thủ, cô ta từng là nhân tình của nạn nhân. Nguyên nhân khiến Kim Anh cắt cổ người tình cũ, can phạm này khai bị "sàm sỡ".

Ngày 30 và 31-12-2009, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm vụ án. Gây sốc tại tòa là phát biểu của con trai nạn nhân, anh này cho rằng bị cáo Kim Anh đã từng có quan hệ tình cảm với mình.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Kim Anh 14 năm tù. Có người đánh giá mức án này nhẹ, người khác đánh giá nặng, song tất cả đều có chung nhận xét: vụ án này cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay bị xuống cấp về đạo đức, họ sống buông thả, có những quan hệ tình cảm dễ dãi và thực dụng.

8. Ánh Phú - Hạnh Nhật hoạt động xã hội đen

Ngày 28-3-2009, TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm trùm cho vay nặng lãi Trần Thị Hoàng Ánh tức Ánh Phú và một số đồng phạm trong đó có Hạnh Nhật - tay dao búa khét tiếng, về các hành vi "cưỡng đoạt tài sản", "cố ý gây thương tích" và "cho vay nặng lãi". Tổng hợp hình phạt cả ba hành vi này, Ánh Phú nhận mức án 7 năm 6 tháng tù.

Ngày 17-9-2009, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm. Trong phiên tòa này, Hạnh Nhật và một đàn em được đưa đến tòa với tư cách nhân chứng, đã quậy ầm ĩ, khiến cảnh sát hỗ trợ tư pháp một phen rất vất vả mới vãn hồi được trật tự. Trước đó, Hạnh Nhật và đàn em cũng đã gây lộn xộn tại một phiên tòa mở ngày 17-9-2009.

Băng nhóm Ánh Phú - Hạnh Nhật từng tác oai tác quái ở địa phương suốt một thời gian dài, vụ án chỉ bị bóc dỡ khi có sự tham gia của Bộ Công an. Hầu hết các bị hại của Ánh Phú - Hạnh Nhật không dám đến các phiên tòa xử các can phạm này, cộng với việc can phạm dám "quậy" ngay tại tòa, cho thấy sự coi thường luật pháp của các đối tượng hoạt động theo kiểu "xã hội đen".

MỚI - NÓNG