Những vụ kiện tranh chấp tài sản đình đám năm 2012

Những vụ kiện tranh chấp tài sản đình đám năm 2012
TPO - Các vụ án tranh chấp tài sản với giá trị lớn diễn ra một thời gian dài đã được xét xử khiến năm 2012 trở thành tâm điểm của những vụ kiện giá trị tài sản đình đám nhất.

> Những sát thủ gây phẫn nộ bị trừng phạt năm 2012

Một trong những nơi bà Thạch Kim Ph sinh sống trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TPHCM - Ảnh: L.N
Một trong những nơi bà Thạch Kim Ph sinh sống trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TPHCM - Ảnh: L.N.

Tranh chấp di sản thừa kế 1.000 tỷ

Đây là vụ kiện tranh chấp tài sản được xem là "độc nhất vô nhị" giữa con gái nuôi và em trai chủ tài sản bởi người phụ nữ nắm giữ số tài sản lên tới 1.000 tỷ lại là  một phụ nữ chuyên làm bún gia truyền và sống cuộc đời kham khổ.

Theo đó, sau khi bà T.K.P. qua đời, do không có di chúc nên đã xảy ra tranh chấp tài sản thừa kế giữa anh em của bà P. (đại diện là ông Ph.) và chị T.H.H.L. (con gái nuôi của bà P.).

Trong quá trình xảy ra tranh chấp, để bảo đảm khối tài sản được an toàn, hai bên đã thống nhất lập vi bằng thừa nhận các tài sản thừa kế (gồm vàng, trang sức, sổ tiết kiệm, giấy chủ quyền nhà đất…) và ký 2 hợp đồng thuê tủ sắt của ngân hàng để cất giữ.

Theo hợp đồng thì bên thuê tủ sắt gồm hai người: ông Ph. và chị H.L.Thỏa thuận của hợp đồng là chỉ khi có chữ ký và có mặt cùng lúc của ông Ph. và H.L., ngân hàng mới được phép cho mở tủ ngăn. Nếu có tranh chấp thì phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án yêu cầu mở. Hợp đồng có thời hạn một năm và được gia hạn hợp đồng.

Một tháng trước khi hết hạn thuê, phía ông Ph. đã gửi thông báo đề nghị gia hạn hợp đồn và ứng trước tiền thuê của một năm tiếp theo do gia tộc chưa thống nhất.

Tuy nhiên phía ngân hàng Sacombank vẫn đơn phương thanh lý hợp đồng, xử lý tài sản của ông Ph. khi chưa có sự đồng ý, ký nhận của ông nên ông cho rằng việc làm này xâm phạm đến sự an toàn, bảo mật tài sản của khách hàng.

Ông Ph. đã gửi đơn kiện đề nghị tòa án xem xét buộc Sacombank tiếp tục hợp đồng thuê ngăn tủ với ông Ph., không được tự đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba (chị H.L.) khi chưa có sự đồng ý của ông Ph. hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, dù ông Ph. đã nộp đơn đến tòa nhưng sau cuộc làm việc (ngày 30-5) giữa ngân hàng với ông Ph. và chị H.L không đi đến thống nhất, Sacombank vẫn thanh lý hợp đồng thuê tủ sắt, giao toàn bộ tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng trong tủ cho chị H.L. giữ.

Vụ kiện đòi 55 triệu tiền thắng cược đánh bạc
Vụ kiện đòi 55 triệu tiền thắng cược đánh bạc.
 

Kiện đòi 55 triệu USD tiền thắng cược máy đánh bạc

Đây là vụ kiện được cho là “tiền vô khoáng hậu” bởi giá trị vụ kiện vô cùng lớn quay xung quanh một lượt đánh bài của nguyên đơn là ông Ly Sam (61 tuổi, doanh nhân gốc Việt (quốc tịch Hoa Kỳ, chủ nhà hàng Y.N tại Q.3, TPHCM).

Bị đơn của vụ kiện là Công ty liên doanh Đại Dương (chủ đầu tư khách sạn Sheraton Sài Gòn, đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM). Câu lạc bộ (CLB) Palazzo là một công ty con trực thuộc Công ty liên doanh Đại Dương. Quản lý CLB này là Công ty TNHH tư vấn Ewarton (cũng thuộc liên doanh nói trên).

Vụ việc bắt đầu vào tối 25-10-2009,khi ông Ly Sam chơi trò Landlord tại máy số 13 ở Câu lạc bộ Palazzo (nằm bên trong khách sạn Sheraton Saigon, quận 1, TPHCM). Trong lúc chơi, ông Ly Sam được máy báo kết quả trúng thưởng 55.542.296,73 USD. Sau đó, ông Ly tiếp tục chơi thì máy báo thua và trừ đi 5 USD vào kết quả trúng thưởng trên còn 55.542.251,73 USD.

Tuy nhiên, Công ty TNHH quản lý Ewarton, đơn vị quản lý của Câu lạc bộ Palazzo cho rằng máy gặp sự cố. Người quản lý của CLB Palazzo không ký vào biên bản nhận kết quả mà chỉ hứa sẽ trả tiền trong vòng ba ngày cho người chơi trúng thưởng.

Ông Ly Sam yêu cầu được trả khoản thưởng trên nhưng nhân viên ở đây cho biết khoản tiền trên quá lớn nên đề nghị ông chờ cấp trên của họ đang nghỉ phép tại nước ngoài về giải quyết. Ngay sau đó, ông ghi lại hình máy số 13 và lập biên bản ghi nhận việc máy trò chơi này thông báo trúng thưởng, ký tên đồng thời xin chữ ký của một số người có mặt tại đây để làm chứng (riêng nhân viên câu lạc bộ không chịu ký tên).

Sau một thời gian không đòi được số tiền thắng cược trên ngày 20-1-2010, ông Ly Sam khởi kiện Công ty liên doanh Đại Dương ra tòa đề nghị giải quyết. Nguyên đơn cũng đề nghị Tòa đưa Công ty TNHH Ewarton – đơn vị quản lý Câu lạc bộ Palazzo vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ngày 7-1-2013 tòa sơ thẩm TAND Q.1 (TP.HCM) đã tuyên thắng cuộc thuộc về ông Ly Sam theo đó buộc Liên doanh Đại Dương phải trả cho ông Ly Sam số tiền 55.542.291,7 USD, tương đương trên 1.154,7 tỷ đồng.

Vụ ly hôn trị giá 2000 tỷ đồng của vợ chồng đại gia

Vụ ly hôn được coi là có nhiều kỷ lục: Khối tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng, hàng chục người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thời gian từ khi thụ lý đến khi mở phiên tòa diễn ra gần 4 năm, số lượng luật sư tham gia khá hùng hậu (gồm 8 luật sư thuộc các đoàn luật sư Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng) tham gia bảo vệ quyền lợi cho hai bên vừa đại diện ủy quyền tham gia tố tụng. Tuy chỉ là phiên tòa ly hôn, nhưng cũng được rất nhiều người quan tâm, tham dự vì cả hai đều là những nhân vật có tiếng trong giới doanh nhân.

Theo diễn biến vụ án, ông Trần Văn Mười (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao) và bà Phạm Thị Hương Giang (Phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương) đăng ký kết hôn từ năm 1999, sau đó có hai con chung. Khoảng năm 2004 thì hai bên bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân theo ông Mười là bà Giang có quan hệ bất chính. Còn bà Giang cũng cho rằng ông Mười có quan hệ bất chính với các cô gái miền Tây, không quan tâm đến gia đình.

Phần căng thẳng nhất trong vụ án này là phân chia khối tài sản khổng lồ. Theo bà Giang, vợ chồng bà có khối tài sản trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng bao gồm: trên 10 bất động sản là biệt thự ở TP.HCM; biệt thự Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều căn nhà, đất đai khác.

Ngoài ra, vợ chồng bà còn đầu tư cổ phần trong các doanh nghiệp: Công ty CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỉ đồng), Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư đô thị Sam My (30 tỉ đồng), Công ty CP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỉ đồng). Bà Giang đề nghị được chia 50% tài sản này.

Trong khi đó, ông Mười cho rằng số tài sản này hầu hết là đi vay mượn để mua bán kiếm lời còn vốn thì trả nợ. Do suy thoái kinh tế, giá nhà đất xuống thấp, mặt khác vợ chồng lục đục ly hôn nên chưa bán nhà để trả nợ được. Cụ thể, ông Mười kê ông còn nợ khoảng 109 tỉ đồng và 6.804 lượng vàng. Vì vậy, ông Mười đề nghị tài sản hiện có của vợ chồng sẽ ưu tiên giải quyết trả nợ, còn lại sẽ chia. Bà Giang cho rằng số nợ này bà không biết nên bà không có trách nhiệm phải trả.

Do các bên không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề giải quyết tài sản nên HĐXX đã hoãn xử để định giá lại khối tài sản trên.

Theo Viết
MỚI - NÓNG