Nỗi buồn 'điều tra bổ sung'

Nỗi buồn 'điều tra bổ sung'
TP - Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định, trong tố tụng hình sự, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung phải được xem là rất không bình thường. Nó khiến vụ án bị kéo dài, và cho thấy hoạt động tố tụng đang “có vấn đề”.

Những vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần thường mang dấu hiệu oan sai hoặc lọt người, lọt tội. Niềm tin của người dân vào các cơ quan tố tụng trong những vụ án như thế bị giảm sút nghiêm trọng.

Đã nhiều năm Đảng và Nhà nước ta tiến hành cải cách tư pháp, án phải điều tra bổ sung chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Vụ án chứa chấp mại dâm, môi giới mại dâm, giao cấu với trẻ vị thành niên mà TAND TP Hà Nội vừa xét xử (đăng tải trong số báo này) là một ví dụ. Từ chủ chứa tới khách làng chơi, đều có dấu hiệu lọt người, lọt tội, mặc dù cơ quan xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần...

Những ví dụ như trên không hiếm. Tiền Phong ra ngày 23-7 cũng đã phản ánh vụ án xảy ra ngày 17-2-2010 tại xã Tân Việt (Yên Mỹ, Hưng Yên). Bốn người bị đâm chém thương tích nặng, chỉ một đối tượng ra toà. Tòa tỉnh trả hồ sơ nhiều lần, yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó có việc thực nghiệm hiện trường, nhằm tìm ra những đồng phạm khác. Trước sau, CQĐT và Viện KSND tỉnh vẫn không thực nghiệm điều tra. Rốt cục vụ án vẫn được xét xử, với những mâu thuẫn không thể chấp nhận vẫn được chấp nhận...

Đương nhiên những bản án như thế không nhận được đồng tình của đông đảo người dân. Rất, rất ít vụ án mà việc điều tra bổ sung dẫn đến cán bộ tố tụng nhận kỷ luật, người bị oan được minh oan, như vụ án tai nạn giao thông trên đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội), hoặc vụ án Vườn Điều (Bình Thuận).

Làm thế nào để có thể hạn chế điều tra bổ sung?

Trong loạt bài “Tăng dân chủ, giảm oan sai”, Tiền Phong đã nêu ý kiến của một số chuyên gia pháp luật, rằng trong tố tụng hình sự, trả hồ sơ để điều tra bổ sung chỉ nên được chấp nhận khi phiên tòa chưa mở. Khi đã mở tòa, việc điều tra bổ sung phải gắn với làm rõ trách nhiệm của CQĐT và Viện Kiểm sát. Nếu có vi phạm tố tụng trong các hoạt động điều tra, truy tố, phải thay điều tra viên và kiểm sát viên, yêu cầu họ tạm đình chỉ công tác để giải trình.

Thông tư liên tịch số 01/2010 của Bộ Công an, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao về việc điều tra bổ sung đã đề cập đến “trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Theo đó, khi điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, và lãnh đạo của họ có sai phạm dẫn đến phải điều tra bổ sung, thì “lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người tiến hành tố tụng ở mỗi cấp có liên quan đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Những quy định như trên đây rất cần đi ngay vào cuộc sống. Với những vụ án được báo chí phản ánh, kết quả kiểm điểm, xử lý những cá nhân sai phạm trong việc phải điều tra bổ sung cần được cung cấp ngay cho các tòa báo để chuyển tải đến bạn đọc. Với những biện pháp cương quyết như vậy, mới hy vọng có thể làm vơi đi nỗi buồn mang tên “điều tra bổ sung”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.