Nỗi đau từ hai phía

Nỗi đau từ hai phía
Tài xế và lơ xe đánh chết hành khách tại Bình Dương. Nơi miền quê của họ, những người thân đang xót đau. Nhưng nơi quê hương người xấu số, nỗi xót đau cũng chẳng gì sánh nổi.
Nỗi đau từ hai phía ảnh 1
Hoạt động xe khách cần được kiểm soát chặt hơn nữa

Anh Trần Quốc Vương - Trưởng Công an xã Đồng Hải (Hải Hậu, Nam Định) giọng thật buồn: “Quê tôi nghèo nhưng bà con sống nghĩa tình, khi nghe tin nhóm thanh niên quê mình là tài xế, lơ xe gây án đánh chết người ở Bình Dương ai cũng sững sờ. Ngọc đi bộ đội về, lái xe từ năm 2000. Hai lơ xe là Trần Văn Tiệu (không phải là Nguyễn Văn Thiện như khai báo ban đầu) và Nguyễn Văn Kim cũng là bà con của Ngọc. Cả hai mới làm lơ xe một năm nay".

Bà Trần Thị Chín - Mẹ của Nguyễn Quang Ngọc - hai mắt thâm quầng vì mấy ngày không ăn, đêm không ngủ. Trước đây, chồng bà là ông Nguyễn Thái Bảo do sinh con thứ tư nên nghỉ làm cán bộ xã. Bà thật sự không tin con mình và lơ xe đánh chết người. Ngọc từng đi bộ đội và được đào tạo lái xe trong quân đội.

Ra quân, Ngọc lái xe cùng một người anh em khác chạy tuyến Bắc - Nam. Sau này, khi đã quen tuyến, quen đường và có ít tiền nên cả nhà quyết định gom tiền, mua xe chạy riêng. Chiếc xe khách trị giá 430 triệu đồng (trong đó vay Ngân hàng 230 triệu đồng) đã giúp ông Bảo và con trai có phương tiện làm ăn, sinh sống. Công việc làm ăn đang thuận lợi, nợ đang được trả dần…

Cách đây đúng một tháng, gia đình vui mừng làm đám cưới cho Ngọc với một cô giáo dạy tiểu học ở xã bên. Gia đình đang yên vui, hạnh phúc, vậy mà… Bà Chín kể : “Hôm ấy có cả ông Bảo – bố Ngọc đi cùng. Bố lái ca một xong, giao cho con trai lái và đi ngủ. Sự việc xảy ra, ông ấy đang ngủ trên xe. Nay thì cả cha, con và xe đều bị bắt rồi. Con dâu tôi hai ngày nay xin nghỉ dạy học vì buồn quá…”. Bà nghẹn giọng, lấy vạt áo lau những giọt nước mắt.

Đến nỗi đau của gia đình nạn nhân

Anh Huỳnh Văn Hạnh - Chủ tịch UBND xã Long Khánh B (Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Chúng tôi thật bất ngờ khi nhận được tin anh Kết bị tài xế và lơ xe đánh chết. Cả vùng quê ven sông Tiền này cũng căm giận với những hành vi mất hết nhân tính. Anh Kết là người hiền lành, gia đình khó khăn do không có ruộng rẫy gì. Anh cũng là tài xế xe tải, vợ ở nhà may vá”. Anh Hạnh nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà anh Kết.

Ông Nhan Văn Đoàn – Trưởng ấp Long Bình (cha anh Kết) ôm mặt khóc: “Đau lòng lắm các anh ơi. Kết là con trai lớn trong nhà, mọi việc chúng tôi đều nhờ cậy vào cháu cả. Kết còn 3 em gái và em trai út còn nhỏ dại. Gia đình chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm bọn côn đồ này”.

Căn nhà mái lá của anh Kết vốn chông chênh nay lại càng trống trải hơn. Cháu Nhan Văn Sáng, 4 tuổi cứ bám áo mẹ, mắt ngơ ngác nhìn ảnh cha trên bàn thờ. Chị Trần Thị Lệ, 28 tuổi – vợ anh Kết - như người mất hồn cứ thẫn thờ ôm con vào lòng và nhắc đến chồng: “Anh ấy là người hiền lành, chịu khó. Dạo Tết, anh ấy được người em rể kêu đi làm ăn cùng ở ngoài miền Bắc. Họ đi từ ngày Mùng 6 Tết. Ra ngoài đó anh kêu rét quá, lại nhớ nhà. Sẵn dịp nhà có chút việc nên nhắn ảnh về. Ai ngờ, chưa về được đến nhà thì anh ấy bị bọn chúng giết chết…”.  

ĐG - CTV

Lúc 5 giờ sáng ngày 28/2, chiếc xe khách mang biển số 18T – 3494 dừng xe trả 6 người khách xuống ấp Bình Đường 1 (xã An Bình, Dĩ An, Bình Dương). Anh Nhan Văn Kết (SN 1975) không đồng ý, yêu cầu đưa về đúng bến hoặc trả 20.000 đồng để đi xe ôm.

Ngay lập tức anh bị Trần Văn Tiệu (SN 1981) và Nguyễn Văn Kim (1983) quật té vào gốc cây bên lề đường rồi lên xe đi tiếp. Anh Kết có lượm một miếng vữa tường bằng hai ngón tay ném vào sau xe. Tài xế Nguyễn Quang Ngọc (1978) dừng xe lại cùng hai lơ xe nhảy xuống cầm dao và tuýp sắt rượt đánh anh Kết cho đến chết.

Điều ít ai hình dung được đó là sau khi đánh chết hành khách, cả ba leo lên xe và tiếp tục cuộc hành trình và vẫn ung dung đón khách dọc đường.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.