Nước mắt của người mẹ nghi can

Nước mắt của người mẹ nghi can
Trong căn nhà chỉ hơn 10 m2 tại  phường Nguyễn Cư Trinh (Q1, TP.HCM) có bà Chung Châu - mẹ của Nguyễn Chí Trung, nghi can tổ chức vụ bắt cóc cháu bé hai tuổi để đòi chuộc 300 lượng vàng không đêm nào ngủ được, bà cứ khóc ngất và cầu mong bé gái bị bắt cóc được khỏe mạnh…
Nguyễn Chí Trung(trái) và bà Châu (phải) - mẹ Trung rất đau lòng khi biết con phạm tội
Nguyễn Chí Trung(trái) và bà Châu (phải) - mẹ Trung rất đau lòng khi biết con phạm tội.

Mẹ không biết con gây án

Bà Châu khóc nức nở khi chúng tôi nhắc lại vụ việc và thông báo cháu Tuyền được giải cứu về nhà an toàn, sức khỏe tương đối ổn định. Nghe tin cháu Tuyền an toàn, bà mừng vì lẽ tội của Trung bớt nặng đi mà hơn hết là sự đồng cảm với nỗi lo của cha mẹ, gia đình nạn nhân phải hứng chịu trong thời gian 90 ngày lưu lạc cùng Trung.

Ngày 17-7, Trung bị bắt, ngay sau đó khoảng 10 cảnh sát đến khám nhà, thu giữ các giấy tờ, hình ảnh liên quan đến Trung nhằm phục vụ điều tra vụ án. Tại đây, công an tìm thấy điện thoại có SIM trùng số điện thoại gọi giao dịch với ông H. - cha bé Tuyền để đòi tiền chuộc.

Khi cơ quan điều tra thông báo việc Trung phạm tội bắt cóc tống tiền, bà Châu bàng hoàng muốn ngất xỉu. Trung không ở chung nhà với bà mà ở riêng với vợ hai mà bà không biết chỗ ở cụ thể. Từ khi ra tay bắt cóc cháu Tuyền đến lúc bị bắt, Trung vẫn thường ghé nhà thăm hỏi bà và ở lại ăn cơm. Đương nhiên Trung không hé lộ điều gì về tội ác mình đang thực hiện. Trung cũng không cho tiền bạc hay vật chất gì đối với bà hoặc anh chị em trong nhà.

Bà nói không biết gia đình cháu Tuyền có mối quan hệ họ hàng gì với phía vợ của Trung nhưng bà khẳng định nếu biết Trung dại dột như vậy thì bà đã khuyên con ra đầu thú. “Mỗi đứa con cha mẹ nào cũng quý. Cũng may nó đem cháu bé đi lâu như vậy mà cháu không bệnh tật gì” - bà Châu ngân ngấn nước mắt nói.

Từ nợ nần đến phạm tội

Tương tự mẹ Trung, nhiều người hàng xóm cũng bất ngờ bởi “cái thằng hiền khô vậy mà…” . Những đứa trẻ trong khu phố thỉnh thoảng vẫn được Trung cho ít tiền ăn quà. Nếu đứa nào bị ai hiếp đáp là Trung sẵn sàng bênh vực. Cũng vì cái tính khí ấy, năm 1995, Trung đã bị tòa phạt 14 năm tù vì đâm bị thương một thanh niên với tỉ lệ thương tật 25% khi giải vây cho người bạn bị thanh niên này đánh.

Trung từ nhỏ vốn ốm yếu, cha mất sớm, mẹ bị gãy cột sống đã hơn 25 năm nay. Nhà nghèo, có bốn anh chị em, Trung là út và chỉ học tới lớp 3 thì nghỉ ở nhà, phụ gia đình buôn bán. Trung làm đủ nghề từ bốc vác, lơ xe, lái xe tải nhỏ để phụ giúp gia đình. Năm 1995, khi người vợ chưa cưới mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc Trung thụ án.

Lúc đứa con được hai tháng tuổi, vợ Trung ẵm đến trại giam Chí Hòa cho Trung nhìn mặt. Vài năm sau, người vợ này bị bệnh mất, đứa con năm tuổi được gửi ở với dì ruột. Năm 2005, Trung ra tù, dành dụm tiền đi học lái xe để cố gắng đổi đời. Không may, một lần vác hàng Trung bị gãy cột sống, từ đó không thể làm việc nặng, Trung cố gắng đi buôn bán kiếm sống. Thời gian này, Trung có thêm một người vợ ở quận 8.

Khoảng hai năm nay, vài lần Trung đem gà đá về gửi cho mẹ giữ hộ vài ngày. Theo lời Trung thì có người thuê Trung chăm nuôi gà, trả công 500.000 đồng/tháng. Từ đó Trung sa đà cá độ gà để kiếm tiền. Bà Châu lo buồn khi thấy con ham mê cờ bạc, đá gà thường xuyên nợ nần. Gần đây có hai người đàn ông mặt mày dữ tợn, xăm trổ đầy mình đến nhà bà Châu tìm Trung để đòi nợ. Theo bà Châu thì Trung làm liều để trả nợ và nhắm vào cháu Tuyền do thấy gia đình cháu khá giả.

Khi chúng tôi ngỏ ý xin tấm ảnh Trung thì bà Châu lục tung xấp giấy tờ trong tủ rồi đưa ảnh thẻ duy nhất của Trung còn sót lại trên hồ sơ đăng ký học lái xe. Bỗng dưng bà khóc ngất: “Tôi sẽ giữ kỹ tấm ảnh này, chắc Trung bị án nặng, giam lâu năm, không biết lúc tôi chết có nhìn thấy mặt nó không nữa… Giá mà nó biết nhà nghèo, lo chí thú làm ăn lương thiện thì không sa vào tù tội”.

Ái Nhân
Theo Pháp luật TP HCM

MỚI - NÓNG