Nước mắt 'đại ca nhí' miền rừng

Nước mắt 'đại ca nhí' miền rừng
TP - Câu chuyện về nhóm chuyên trấn lột tiền bạc đang độ tuổi “ô mai” ở một tỉnh miền núi xảy ra đã lâu, song đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Bài học về tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân cũng như sự quan tâm, giáo dục con trẻ của các bậc cha mẹ đang đặt ra bức thiết.

Cầm đầu đường dây “trấn lột” là một cô gái tuổi vừa độ trăng tròn: Vy Hiền Lương(*) sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, nhà có hai chị em, bố mẹ làm nghề mổ lợn.

Lương sẵn “chất quái” từ nhỏ, sớm bỏ học, thường tụ tập thành nhóm cả trai, gái nghịch ngợm quậy phá, bắt nạt các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều người lo lắng, sợ hãi mỗi khi gặp Lương. Ngón nghề Lương thường sử dụng thành thạo là “xin đểu” các học sinh trong trường trung học cơ sở, nhất là các em gia đình thuộc diện khá giả, bắt phải nộp tiền, bằng không sẽ bị đánh đập, hù doạ đến không dám đi học.

Khi bố Lương còn sống, sự nghịch ngợm của Lương bị kiềm chế phần nào, song từ khi ông bị tai nạn giao thông, chết cách đây vài năm, Lương như được “tháo cũi xổ lồng”, lao sâu vào con đường quậy phá, ăn chơi.

Lương từng đi làm thêm tại một số nhà hàng, tụ điểm ăn chơi và kết quả là một cái thai không rõ tác giả cứ lớn dần lên. Đúng lúc ấy, một chàng hàng xóm tốt bụng nhận cưới Lương làm vợ, chăm lo cho đứa bé mới ra đời.

Thế nhưng, hạnh phúc chưa tròn một năm thì chồng Lương qua đời  vì căn bệnh “thế kỷ”. Hết chỗ dựa dẫm, Lương tập hợp một số thành phần “bất hảo” đi trấn lột tiền, vàng.

Một số em học sinh bị Lương “sờ gáy” rất sợ hãi, song không dám báo cho người thân và công an, nên Lương càng lấn tới. Và thị đã sớm trở thành “đại ca” có tiếng miền sơn cước.

Trong số các nạn nhân bị hãm hại, có em Thu, nữ sinh trường THPT “được” Lương đeo bám suốt ba năm trời. Còn đối với em Hà, một học sinh nghèo  không thể quên được buổi chiều cuối năm, bỗng nhiên có người đến tận lớp tìm. Hà chột dạ vì giáp mặt với một gương mặt trâng tráo, lạnh lùng, kèm theo là tiếng nói rít lên từ khoé miệng:

- Mày biết tao là ai không? Lương “điên” đây. Tao đang bí tiền, cho mượn tạm 200 ngàn.

Hà run rẩy trình bày: “Em không có”. Lương sấn tới, gầm lên:

- Mày có cho không? - Vừa nói, thị Lương vừa “tặng” Hà vài cái véo. Đúng lúc ấy, một số đồng bọn của Lương xuất hiện. Bọn chúng đều học ở trường này nên  quen biết nạn nhân.

Một đứa tiến lại gần rồi ngoắc tay Hà lôi đến một chỗ khuất, nói nhỏ: “Chồng của chị Lương vừa bị chết vì nhiễm AIDS đấy. Bà này “gấu” lắm, có tiền thì đưa ra, không thì bà ta cắn mày sẽ bị lây bệnh “ếch””.

Nghe thấy vậy, Hà sợ hãi rút từ trong túi ra một tờ 100 ngàn đưa cho Lương. “Nữ quái” này không chịu, chê ít, đòi Hà phải lo cho bằng đủ hai trăm ngàn.

Nhìn thấy bộ mặt tím lựng, hung dữ của đối phương, Hà vội quay lại lớp học, mượn được của một người bạn thêm 50 ngàn đồng, rồi đi ra ngoài cầu thang để cống nạp cho Lương.

Cầm tiền xong, Lương cười khểnh, nháy mắt bảo Hà: “ Thế chứ. Chị mày bảo thì phải nghe, bằng không thì no đòn. Tao biết mày là thủ quỹ của lớp mà”.

Ba ngày sau, Lương lại đến lớp học, cho người gọi Hà ra gặp ở đầu cầu thang, đòi 200 ngàn nữa. Hà lại ngoan ngoãn lấy từ quỹ lớp 100 ngàn đưa cho Lương “mượn”.

Sa lưới

Đều đặn, hai ngày một lần, thị Lương lại đến lớp của Hà để “hỏi thăm”. Một hôm, Lương gặp Hà ở cổng trường, khi Hà trả lời: “Em không có tiền”. Lương bèn cầm lấy tay Hà, nói như quát: “Cho tao mượn cái này!”. Hà mếu máo: “Đây là nhẫn của mẹ em cho. Nếu không thấy nó, mẹ sẽ đánh em!”.

Hà định quay vào lớp thì bị Lương chặn đường, kèm theo là một cái tát nảy lửa vào mặt: “Mày có cởi nhẫn ra không?”. Tiếp đến, thị  vung tay định tung chưởng, làm cô bé vội đưa tay để Lương tháo chiếc nhẫn.

Lương trừng mắt, nói như ra lệnh: “Sao mày không biết tháo nhẫn ra. Muốn chết à?”. Hà ngoan ngoãn làm theo, dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rồi đau khổ nhìn theo thị Lương mang chiếc nhẫn vàng tây của mình khuất dần trên con đường sâu hút…

“Ngựa quen đường cũ”, Lương liên tiếp đến “hỏi thăm” Hà cùng nhiều nữ sinh khác. Có em bị lột tới ba chiếc nhẫn vàng. Tin tức về một “nữ quái” hoành hành ở thị trấn miền núi đã vào tầm ngắm của cơ quan công an.

Chiều tối, cuối thu ở góc trường vắng, khi Hà đang chuẩn bị cống nạp cho Lương hai trăm ngàn đồng, thì các trinh sát thuộc phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh xuất hiện. Vụ án được khởi tố, điều tra.

Đối diện với pháp luật, Lương mới thấy thấm thía về những việc làm sai trái. Nhất là khi, chính những bạn đã bị trấn lột đã có lời xin giảm nhẹ hình phạt cho mình, làm Lương mất ngủ mấy đêm liền.

Đôi mắt sưng húp vì khóc. Lương thật thà nhận hết những lỗi lầm của mình, nhưng tất cả đã muộn.

Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử công khai vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, đồng thời áp dụng điểm B, khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt Vy Hiền Lương bốn năm tù giam đồng thời phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.

Có một người bà già thơ thẩn trước trại tạm giam Công an tỉnh vào những ngày cuối tuần. Đến khi gặp được Lương, bà không nói được lời nào. Con phạm tội, có phần lỗi của bà...

*Một số tên trong bài viết đã được đổi thay

MỚI - NÓNG