Nước mặt mẹ khi nghe con bị án chung thân

Nước mặt mẹ khi nghe con bị án chung thân
Ngay từ sáng sớm, người mẹ tóc đã bạc cùng với người cô ruột của bị cáo đã có mặt tại trụ sở Tòa án. Vì không có tiền nên hôm nay họ phải dậy thật sớm đi bộ cho kịp phiên tòa phúc thẩm.

Nước mặt mẹ khi nghe con bị án chung thân

> Gã sát nhân 'run rẩy' trước ba người phụ nữ

Ngay từ sáng sớm, người mẹ tóc đã bạc cùng với người cô ruột của bị cáo đã có mặt tại trụ sở Tòa án. Vì không có tiền nên hôm nay họ phải dậy thật sớm đi bộ cho kịp phiên tòa phúc thẩm.

Hai người đàn bà tuổi đã ngoài 60, thất thểu bước bộ trên quãng đường khá xa (từ quận 4 qua quận 1) để mong gặp đứa con, đứa cháu trai của mình.

Vì mâu thuẫn nhỏ mà Lê Duy Long ngồi tù, bỏ lại đứa con thơ và bố mẹ già nơi quê nghèo
Vì mâu thuẫn nhỏ mà Lê Duy Long ngồi tù, bỏ lại đứa con thơ và bố mẹ già nơi quê nghèo.

Éo le cảnh nghèo

Lê Duy Long sinh năm 1977 ở một vùng quê nghèo thuộc xã Quảng Lộc, (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Gia đình khó khăn, lại không có mảnh đất cắm dùi nên Long khổ từ trong bụng mẹ. Lớn lên, không được học hành tới nơi tới chốn, Long phải bon chen làm lụng đủ mọi thứ nghề để đỡ đần cha mẹ.

Năm 2000, Long lập gia đình với cô gái cùng quê. Sau một thời gian, không chịu được cảnh nghèo, người vợ bỏ Long cùng với đưa con chưa tròn 1 năm tuổi để đi theo một người đàn ông khác.

Cảnh gà trống nuôi con cộng với sự tủi nhục vì bị vợ phụ bạc, Long quyết chí làm lại từ đầu.

Năm 2003, Long để con cho bố mẹ già ở quê chăm sóc rồi vào Sài Gòn đi bán dạo mấy thứ hàng rong như kính mắt, bông tai, gương, lược.

“Nó thương cha mẹ và đứa con lắm. Vào đây nó ở với tui rồi hai cô cháu cùng đi bán dạo. Nhiều hôm không bán được gì, nó nhịn đói cả ngày không chịu ăn gì cả. Còn những ngày bán được, nó cũng chỉ dám ăn gói mì cho qua bữa để tiết kiệm mỗi tháng mấy trăm ngàn gửi về cho con ở quê…”, bà Lê Thị Thao, cô ruột của bị cáo Long nghẹn ngào tại phiên tòa.

Sau một thời gian đi bán hàng dạo, Long chuyển sang làm nhiều nghề khác như bốc vác, làm thuê làm mướn, lượm ve chai… rồi lại chuyển sang nghề đánh giày dạo.

Xe chở phạm nhân đã đóng cửa, người mẹ già vẫn đứng bần thần mong có thể nhắn nhủ thêm với con
Xe chở phạm nhân đã đóng cửa, người mẹ già vẫn đứng bần thần mong có thể nhắn nhủ thêm với con.

Đêm định mệnh

Vào tối 28-3-2011, sau một ngày lang thang khắp mọi ngóc ngách để đánh giày, Long trở về nhà và cùng với một số người bạn đánh bài để giải khuây, trong đó có nạn nhân Nguyễn Văn Tiến là người cùng quê với Long.

Chơi được mấy ván thì thấy còn thừa một người ngồi ngoài, Long chủ động nhường chỗ cho anh này nhưng Tiến lại cho rằng Long chơi xấu vì ăn tiền rồi bỏ đi. Long đi bộ về nhà trọ, nhưng khi đi qua một phòng trọ gần đó thấy có con dao để trên kệ chén bát nên Long đã vào lấy, giấu vào trong quần rồi đi ra chỗ đang đánh bài ngồi coi.

Vẫn bực tức vì Long “ăn lời rồi trốn”, Tiến lại khích bác Long. Hai bên thách thức nhau, khi Tiến vừa vứt bài đứng lên định gây gổ thì bị Long khống chế, kẹp cổ rồi rút dao đâm một nhát chí mạng. Sau khi đâm, Long sợ hãi tức tốc bắt xe về quê ở Thanh Hóa để trốn. Ít ngày sau, Long đã ra Công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đầu thú.

Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ như một phần lỗi thuộc về nạn nhân, gia đình bị cáo có công với cách mạng…, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Duy Long tù chung thân. Cho rằng bản án là quá nặng với mình, bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Hôm qua – 10-10, TANDTC tại TP.HCM bác đơn kháng cáo và tuyên y án với bị cáo Long.

Nhát dao oan nghiệt của Long đã cướp đi sinh mạng của Nguyễn Văn Tiến. Không chỉ vợ bị hại mất chồng, con bị hại mất cha, giờ đây đứa con gái của Long nơi quê nghèo ấy cũng sẽ không còn ai trông nom, chăm sóc vì Long là lao động chính trong gia đình.

“Tội con bé lắm chú à, vì thương cha, thương ông bà nên năm nào nó cũng cố gắng và đạt học sinh giỏi. Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên nhiều khi con bé cũng lầm lì lắm. Nhiều hôm nó hỏi về mẹ nó, nhưng vợ chồng tui chỉ biết khóc mà thôi. Thực tình khi con bé chưa đầy năm, mẹ nó đã bỏ đi và không một lần quay lại thăm con. Vợ chồng tui thì già cả rồi, chỉ còn thằng Long là lao động chính, vậy mà giờ đây nó mãi mãi ở tù rồi chú ơi…”, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò cộng với những tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ tảo tần khiến ai cũng nghẹn lòng.

Phiên tòa khép lại, nối sau đó là hình ảnh người mẹ già và người cô ruột lẽo đẽo lê những bước khó nhọc theo đứa con, đứa cháu của mình ra xe tù. Trong chốc lát, chiếc xe chở phạm nhân đã lẫn vào dòng xe cộ tấp nập và mất hút, chỉ còn lại hai người đàn bà với mái tóc muối tiêu vẫn lếch thếch lê bước về khu nhà trọ ở quận 4 để rồi ngày mai họ lại tiếp tục mưu sinh với nghề bán vé số nuôi đứa cháu nội tội nghiệp, gom góp chút tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Theo Ngọc Quý
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG