Nương nhẹ cho “lâm tặc”

Nương nhẹ cho “lâm tặc”
TP - Nguyễn Quý Tùng sinh năm 1975, trú tại xã Quang Sơn (Đô Lương, Nghệ An), từng có tiền sự về hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Khoảng 20 giờ ngày 25/8/2005, Tùng lái xe ô tô biển số 37H 68-07 chạy trên đường 15A, trên xe chở 12 phiến gỗ táu không có giấy tờ hợp pháp.

Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Đô Lương gồm các ông Hồng (lái xe), Chiêm và Biện (các cán bộ kiểm lâm), do ông Bùi Văn Long làm tổ trưởng, đã phát hiện, chặn giữ và yêu cầu Tùng đánh xe về Hạt để xử lý.

Tùng đánh xe bỏ chạy, đến eo núi thì dừng lại, giở bài “xin”, song ông Long không chấp nhận, cương quyết yêu cầu Tùng phải đưa xe về Hạt.

Nổi máu côn đồ,  Tùng rồ ga lao thẳng xe vào người ông Chiêm, nhưng ông Chiêm tránh được. Ông Long bám được vào cửa xe bên trái (phía Tùng ngồi), yêu cầu dừng xe, song Tùng vẫn tiếp tục rồ ga cho xe phóng hình chữ chi... Hậu quả là chiếc xe đổ, gỗ trên xe đè chết ông Long. Tùng lập tức bỏ trốn.

Sau khi Tùng bị bắt, ngày 27/2/2006, TAND huyện Đô Lương đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Quý Tùng về 2 hành vi: “vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng” và “chống người thi hành công vụ”, tổng cộng hình phạt là 54 tháng tù.

Sau phiên toà này, cả gia đình ông Long và Chi cục Kiểm lâm Nghệ An (được coi là người bị hại) đều có đơn chống án, cho rằng tòa sơ thẩm xử quá nhẹ, bỏ lọt hành vi phạm tội của Tùng.

Qua nghiên cứu các tài liệu đã được công bố công khai tại phiên tòa sơ thẩm, PV báo Tiền phong nhận thấy ngay trong hồ sơ của vụ án đã thể hiện Tùng không có giấy phép lái xe.

Khi Tùng cho xe chạy ngoằn ngoèo tìm cách gạt ông Long rơi xuống đường, trên ca bin xe còn có vợ Tùng và một người nữa. Tùng cho xe chạy như vậy, không chỉ gây nguy hiểm cho ông Long, mà còn gây nguy hiểm cho những người trên xe, trong đó có Tùng.

Hành vi của Tùng rõ ràng đã vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cần thiết phải xử lý theo pháp luật, song cấp tòa sơ thẩm lại bỏ qua cho Tùng hành vi này (?!).

Nhiều người theo dõi phiên tòa sơ thẩm còn có chung nhận định: Hội đồng xét xử đã để các cán bộ kiểm lâm Chiêm và Biện tham gia tố tụng với tư cách là “người bị hại” là không đúng, bởi họ chính là những nhân chứng quan trọng nhất của vụ án.

Tại tòa, cả hai nhân chứng này đều khai rõ: Khi ông Long bám được vào cửa xe của Tùng, Tùng đã cố tình chạy xe ngoằn ngoèo để gạt ông Long vào cột tiêu đường, xe lại chở gỗ nặng, đó là nguyên nhân lật xe gây nên cái chết của ông Long.

Họ đề nghị tòa phải xét xử Tùng về tội “giết người” mới đúng với hành vi của Tùng. Lời khai của họ đã không được chấp nhận, HĐXX lại chỉ tin vào lời khai của Tùng và 2 nhân chứng ngồi trên xe (là người nhà của Tùng), rằng ông Long đã bám vào vô lăng xe của Tùng, hai bên giằng co nhau, dẫn đến lật xe.

Đọc kỹ hồ sơ, thấy lời khai của ông Chiêm và ông Biện phù hợp với việc khi bị gỗ đè chết, tay trái ông Long vẫn cầm chặt một chiếc bật lửa. Như vậy, ông Long chỉ có tay phải bám được vào xe; một cách lô gích, ông Long phải bám vào cánh cửa mới đủ chắc chắn, chứ không thể bám giữ vô lăng, gây nguy hiểm cho những người trên xe và cho chính bản thân mình.

Hy vọng những điều bất cập của bản án sơ thẩm sẽ được làm sáng tỏ tại phiên toà phúc thẩm do TAND tỉnh Nghệ An mở vào ngày hôm nay.

MỚI - NÓNG