Ông Bửu Huy tiếp tục đòi Mỹ trả lại công lý

Ông Bửu Huy tiếp tục đòi Mỹ trả lại công lý
TP - Ông Bửu Huy sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để yêu cầu phía Mỹ phải hủy bỏ mọi cảnh báo của Interpol để ông có thể tự do đi lại cũng như bồi hoàn những thiệt hại do việc bắt giữ ông tại Bỉ gây ra.
Ông Bửu Huy tiếp tục đòi Mỹ trả lại công lý ảnh 1
Ông Bửu Huy

“Việc tôi được tòa án Bỉ trả  tự do và cho phép trở về Việt Nam mới chỉ là một nửa vấn đề, phần nửa quan trọng tiếp theo là buộc phía Mỹ phải hủy bỏ mọi cảnh báo của Interpol để tôi có thể tự do đi lại cũng như bồi hoàn những thiệt hại cho tôi” - Ông Bửu Huy, Phó GĐ Cty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) đã trao đổi với Tiền phong tối 22/11.

PV: Xin ông cho biết một số công việc mà ông đang tiến hành để đòi lại công lý từ phía Mỹ ?

Hiện tôi đang được Hội luật gia thành phố HCM  giúp đỡ, tư vấn trong việc tìm kiếm luật sư và các thủ tục tiến hành.

Về luật sư, chúng tôi sẽ thuê một số luật sư Mỹ, nhưng đến nay vẫn còn đang tiếp tục lựa chọn.

Theo một số luật sư tư vấn, việc này sẽ tiến hành theo thủ tục hòa giải. Chúng tôi sẽ đưa ra những chứng lý cụ thể để phía Mỹ xem xét và rút lại hoặc hủy bỏ cáo trạng và thông báo xóa bỏ mọi cảnh báo trên mạng Interpol để tôi có thể an toàn khi ra nước ngoài. Tiến trình này cần có thời gian nhất định và chúng tôi sẽ cố gắng thương lượng càng sớm càng tốt.

Theo ông, việc VN gia nhập WTO có lợi gì cho vụ kiện của ông?

Thuận lợi rất nhiều chứ. Vì bây giờ vị thế VN  đã lên và Luật Chống phá giá sẽ hết thời hạn vào năm 2008. Các luật sư cho biết, vụ việc này không nhất thiết phải đưa ra tòa. Tôi nghe phong thanh rằng, bị đơn bên Mỹ cũng đang xem xét vấn đề hòa giải. Nếu hòa giải không thành, mới phải cần tới khiếu nại ra tòa án.

Ông dự đoán bao nhiêu phần trăm thành công cho vụ việc sắp tới?

Chắc chắn phải thành công chứ. Tinh thần của VASEP là giải  quyết  triệt để càng nhanh càng  tốt.

Trước mắt, tôi đang nhờ luật sư tiếp cận, tìm hiểu. Bước đầu tiên là tiến hành hòa giải, sau đó sẽ tính tiếp đến những bồi thường đến những thiệt hại mà tôi phải gánh chịu.

Ngay cả ông luật sư Bỉ cũng nói với  tôi rằng, tôi hoàn toàn có cơ sở đòi họ phải bồi thường. Nếu cần thiết, ông sẽ  tham gia. Việc người làm sai phải chịu bồi thường là chuyện hết sức bình thường, chẳng hạn như gần đây nhất có một ông Việt kiều Mỹ cũng đã được bồi thường mấy triệu đô la đấy thôi.

Một số luật sư của Bỉ và Mỹ sau khi tìm hiểu thực chất sự việc Afiex/Bửu Huy đã có nhận xét khả năng thành công ở Mỹ của chúng tôi là rất cao, vì chứng lý của phía mình rất rõ ràng, không vi phạm pháp luật Mỹ và cáo buộc vừa qua của họ là sai lầm. Hiện tại, chúng tôi cũng đang thăm dò phản ứng của Tòa án Mỹ đối với vụ việc này sau khi Tòa án Bỉ trả tự do cho tôi.

Theo ông, phía Mỹ đã có những động thái nào không phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế?

Tôi xin khẳng định, phía Mỹ đã hành xử không theo trình tự tố tụng hình sự tại Mỹ. Họ đã bỏ qua một giấy triệu tập đương sự trước khi ra lệnh bắt giữ. Trình tự này đã bị bỏ qua mà tiến hành bắt giữ một cách “bí mật”, nếu tôi chống đối có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bắt, cơ quan chức năng cũng không thông báo ngay cho Sứ quán Việt Nam trong vòng 24 giờ mà chỉ thông báo sau đó  4 ngày khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối. Điều này vi phạm công ước Viên về quyền miễn trừ lãnh sự ngoại giao.

Vậy chứng lý gì đã đem lại thành công cho vụ tranh tụng đó?

Thứ nhất, Afiex/Bửu Huy không phải là chủ mưu tiếp tay làm sai nhãn hiệu sản phẩm vì trên tất cả các hồ sơ giao hàng, hợp đồng trên bao bì đều ghi tên Latin là Pangasius hypopthalmus.Đây là cơ sở khoa học để xác định đúng loại sản phẩm cá.

Thứ hai, tôi không phải là người khai sai hàng nhập vào Mỹ.

Thứ ba, chúng tôi không trốn thuế chống bán phá giá vì các lô hàng của Afiex đều được nhập vào Mỹ trước 31/1/2003 là thời điểm bắt đầu áp thuế. Afiex/Bửu Huy đã chấm dứt bán hàng cho khách hàng ở bang Florida từ sau thời điểm này và không có nghĩa vụ đóng thuế cho Mỹ.

Thứ tư, tôi là người bán hàng cho Afiex, là một doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân riêng, độc lập, không liên quan đến các công ty Việt Nam khác bán cá cho khách hàng Mỹ như cáo trạng nêu.

Sau sự việc đáng tiếc này, ông đã rút ra bài học gì?

Tôi đã rút ra một bài học lớn. Đó là chỉ chọn đối tác tin cậy, phải tìm hiểu rõ pháp luật nước nhập khẩu về tiêu chuẩn hàng hóa, quy định chất lượng, nhãn hiệu, bao bì, phương thức giao nhận hàng.

 Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với đối tác nhằm tránh sự cạnh tranh thương mại đưa đến áp thuế chống bán phá giá, tránh sự bảo hộ mậu dịch. Cần có tham vấn là luật sư giỏi (tốt nhất là luật sư quốc tế) ngay từ đầu, nếu có điều kiện, nên thuê luật sư riêng.

Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công!

MỚI - NÓNG