Ông Đinh La Thăng tái khẳng định mình vô tội

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TP - Ngày 23/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án. Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng xin tái khẳng định bản thân vô tội, không tư lợi trong việc góp vốn của PVN vào OceanBank.

Kiểm sát từ chối tranh luận

Sáng 23/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ thất thoát 800 tỷ đồng vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Tại phần đối đáp, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN đề nghị đại diện VKSND giải thích việc 244 tỷ đồng cổ tức PVN nhận từ OceanBank là tiền thật hay là ảo. Bị cáo này đề nghị tranh luận: “VKSND có nêu tôi ký người đại diện 20% là sai và là căn cứ ra nghị quyết góp vốn. Vậy nếu đại diện VKSND là Chủ tịch PVN thì ký thế nào? Nếu chỉ ký đại diện 15% theo luật, 5% còn lại ai quản lý khi PVN chưa được thoái vốn?”.

Đáng chú ý, bị cáo Đinh La Thăng nêu câu hỏi: “VKSND làm rõ vì sao PVN không được thoái vốn? Trách nhiệm trong việc PVN không được thoái vốn dẫn tới mất 800 tỷ đồng thuộc về ai? Đại diện VKSND cho biết, nếu không giải quyết hệ lụy Ngân hàng Hồng Việt với hơn 300 tỷ đồng và hàng trăm con người thì ai là người chịu trách nhiệm?”. Cuối cùng, ông Thăng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, thuế, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước các câu hỏi trên và nhiều đề nghị tranh luận khác của các luật sư, các bị cáo còn lại, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội hầu như chỉ nhắc lại các nội dung có trong bản án sơ thẩm. Cụ thể, từ năm 2009 - 2011, bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm đã 3 lần góp vốn với tổng số 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank nhằm liên tục nắm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Việc góp vốn đã trái quy chế làm việc của PVN, Luật các tổ chức tín dụng, yêu cầu của Thủ tướng và các bộ, ngành… Sau đó, do OceanBank thua lỗ nặng nề nên được NHNN mua lại với giá 0 đồng khiến PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng. Kiểm sát viên tái khẳng định tòa sơ thẩm xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội và từ chối tranh luận.

“Tôi không có tội”

Đây là khẳng định của bị cáo Đinh La Thăng khi được nói lời sau cùng. Ông Thăng bị tòa sơ thẩm phạt 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ đồng về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã kháng cáo kêu oan.

Bị cáo Thăng trình bày: “Trong công việc, tôi luôn nỗ lực cố gắng, không tư lợi… Việc đầu tư của PVN vào OceanBank là giải pháp tình thế để nhằm giải quyết hệ lụy do sự thay đổi chính sách của Chính phủ về giảm lạm phát, ổn định kinh tế nên không cho (PVN) thành lập ngân hàng Hồng Việt”.

Ông Đinh La Thăng cho rằng, vì không được lập ngân hàng riêng nên PVN đã tìm đối tác đầu tư và được OceanBank đồng ý nên PVN “rót tiền” vào đây. Bị cáo nói: “Việc đầu tư này đúng chủ trương, pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng; hiệu quả đầu tư đã được khẳng định. Tại tòa, chủ tọa cũng nói ra con số hiệu quả”.

Về trách nhiệm của bản thân, bị cáo Thăng cho rằng: “Tôi đã chuyển công tác từ năm 2011, trách nhiệm bảo toàn vốn của tập đoàn tôi đã hoàn thành vì năm 2013, PVN vẫn được chia cổ tức mấy chục tỷ. Sau này, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, PVN làm thủ tục xin thoái vốn. Đầu tiên, Chính phủ có văn bản đồng ý nhưng sau 2 tuần lại không đồng ý… Bản thân tôi dù làm việc gì cũng luôn có ý thức tuân thủ pháp luật, không bao giờ cố ý làm trái, biết sai vẫn làm. Vì vậy, tôi xin khẳng định một lần nữa, tôi không có tội”.

Cũng kêu oan như ông Thăng, bị cáo Phan Đình Đức - nguyên Thành viên HĐTV PVN thể hiện sự tin tưởng việc HĐXX sẽ đưa ra bản án công khai, minh bạch với mình. Các bị cáo còn lại nêu ra những lý do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đang mắc bệnh, không cố ý phạm tội… để mong HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Chủ tọa cho biết sẽ tuyên án vào chiều 26/6/2018.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.