Ông trùm ma túy và thân quyến: Nhiều câu hỏi bí ẩn

Ông trùm ma túy và thân quyến: Nhiều câu hỏi bí ẩn
Trước hết nói về người cha của Trịnh Nguyên Thủy, ông Trịnh Văn Dụ, cho đến nay, em trai ông Dụ vẫn tin rằng anh mình từng sang hoạt động tại nước bạn Lào, làm thư ký cho một lãnh đạo Lào(?).

Sau khi về Hà Nội, Thủy  cũng đôi lần nhắc đến việc cha mình có những năm làm ở “Đại sứ quán bên Lào”(?). Thông tin này đúng hay sai còn phải kiểm chứng, song điều không ai phủ nhận là ông Dụ nói tiếng Mông rất giỏi và múa lăm vông rất uyển chuyển.

Việc Thủy rời khỏi mảnh đất Nghĩa Lộ (Yên Bái) về Hà Nội là một nước cờ rất cao.

Cho đến nay Thủy vẫn chưa hề cắt chuyển hộ khẩu khỏi thị xã Nghĩa Lộ. Khi Thủy ra đi, rất ít người biết, song trong “giới làm ăn” khi đó đã đưa ra những nhận định.

Thứ nhất, về Hà Nội có nghĩa Thủy đã gây dựng được một “căn cứ” . Từ đó có thể tạo dựng được mạng lưới và điều phối con đường đi của dòng “thuốc phiện”.

Thứ hai, Thủy đã thoát ra khỏi sự giám sát của cơ quan chức năng Yên Bái vốn nhiều duyên nợ với Thủy. Về lâu dài Thủy là cái đầu tàu để kéo con tàu gia đình về xuôi và khi cần thiết sẽ xóa đi được nguồn gốc quá khứ đã “nhúng chàm” của mình, và rửa sạch những đồng tiền tội lỗi. 

Sau một thời gian tạm án binh, Thủy một mặt vẫn giữ mối hàng cũ tại Nghĩa Lộ dù đã trở nên khan hiếm. Mặt khác Thủy mở hướng làm ăn sang Sơn La - địa bàn nổi tiếng về thuốc phiện.

Hơn thế, Thủy còn vươn sang thị trường heroin ở Lào. Thủy cũng tăng cường liên kết  với một số “đại lý” có thâm niên ở miền xuôi trong đó nổi lên là đường dây của bố con N.H.Đ và N.H.H quê Bắc Ninh.

Rất có thể quan hệ này có từ thời gia đình Thủy cung ứng thuốc phiện về Hà Bắc để hồ thuốc lá chuyển vào Nam. Từ sự kết hợp này, Thủy đã cho ra đời heroin “Made in Trịnh Nguyên Thủy” và trở thành ông trùm.

Nhiều dấu hỏi đằng sau việc xóa dấu vết quá khứ

Cho dù chưa học đến lớp 7, song Thủy có khả năng thuyết phục người khác bằng vẻ lịch lãm và cách diễn đạt những tri thức chắp vá rất thuyết phục. Thủy là người biết đánh giá đúng về “sức mạnh công cụ” của đồng tiền. Để che giấu con người thật của mình, Thủy rất ít khi tiếp xúc với người lạ, với cơ quan công quyền.

Thủy sở hữu một “quyền lực ảo” và từ đó vươn lên “địa vị” cao. Thủy sử dụng triệt để việc ủy quyền. Thủy ủy quyền từ đăng ký kinh doanh, nhập hộ khẩu, đến họp hành... Kèm với sự ủy quyền, Thủy cũng mạnh tay chi tiền cho những phi vụ cần đến sự ủy quyền.

Trong một bản khai nộp cho cơ quan chức năng, Thủy khai: Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 3A Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Số chứng minh thư nhân dân: 011934324 do CA TP Hà Nội cấp ngày 17/3/1996.

Nếu đây là chứng minh thư thật thì câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Thủy được cấp chứng minh thư nhân dân tại Hà Nội và nhập khẩu Hà Nội trong khi Thủy không có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để làm điều đó, hơn nữa lại có một lý lịch đầy vấn đề?

Tấm chứng minh thư, tấm bìa hộ khẩu đã giúp cho Thủy có được vỏ bọc rất an toàn để che đậy những việc làm phi pháp. Theo một nguồn tin, để nhập được hộ khẩu Hà Nội, Thủy đã nhờ cậy đến một cán bộ “tương đối”. Cán bộ này có quyết định tiếp nhận Thủy vào một cơ quan Nhà nước rồi lại có quyết định cho “nghỉ” hẳn hoi.

Thủy đã rất thành công trong việc “tự đánh bóng” mình nhờ tên tuổi của nhiều quan chức. Việc có một nguyên Phó Thủ tướng đến trồng cây tại trang trại Sơn Thủy là một ví dụ. Đến bây giờ, nhiều người và ngay cả bố vợ của Thủy vẫn tin rằng cán bộ lãnh đạo có cổ phần trong trang trại và thậm chí là... bố nuôi của Thủy.

Tại Hà Nội, Thủy cũng có nhiều quan hệ khá thân tín. Đặc biệt có một đại tá quân đội thân thiết với Thủy đến mức đã góp trên 5 tỷ đồng cùng làm ăn với Thủy. Vào cuối năm 2003, một cán bộ CA tỉnh L. tên là H. đã từng tổ chức đám cưới cho em trai khá linh đình tại nhà hàng Sơn Thủy. Bố của H. (nguyên trưởng một phòng của CA một tỉnh) luôn giới thiệu với khách, Thủy là bạn thân của H. Sau này khi về Hà Nội học, sĩ quan CA tên H. nọ luôn cập kè bên Thủy.

Và đứa em trai “huyền thoại” của ông trùm

Anh em Thủy được đánh giá là khá “thành đạt”. Cả 9 anh em Thủy đều có cơ ngơi tại Hà Nội. Có người lập doanh nghiệp, có người lập cửa hàng buôn bán lớn… Song, một thành viên trong gia đình Thủy khá bí ẩn và rất ít, thậm chí không được nhắc đến: đó là Trịnh Văn Thạch (sinh năm 1963).

So với 6 anh em trai trong nhà, Thạch đẹp trai vượt trội. Nếu như Thủy có dáng dấp của một “bố già” cổ cồn trắng thì Thạch lại mang đặc trưng của dân anh chị đậm chất “găngxtơ”. Thạch cũng ít nói và lạnh lùng. Ngay sau khi Thủy về Hà Nội được một thời gian, Thạch cũng về Hà Nội giúp anh làm ăn.

Giới làm ăn với Thủy từng so sánh: Khánh “trắng” gặp Thạch cũng chào thua(?). Trong một chuyến “làm ăn” tại Trung Quốc, Thạch bị bắt. Có dư luận cho rằng, Thạch bị bắt vì liên quan đến buôn bán tiền giả, “hàng đen” và rằng Thạch đã bị thủ tiêu (?). Nhưng một nguồn tin khác lại cho hay, Thủy đã chi khá nhiều tiền để chạy cho Thạch được tự do, và Thạch hiện vẫn đang làm ăn khá phát đạt tại Trung Quốc, thậm chí Thạch còn là cầu nối giúp Thủy vươn ra làm  ăn với đối tác nước ngoài (?).

Sự xuất hiện thường xuyên cùng Thủy ở Trang trại Sơn Thủy của một người Trung Quốc có tên An-tô-ni với cái đầu trọc nói tiếng Việt rất thạo (Tiền Phong đã từng đề cập) rất có thể có mối quan hệ với Thạch!? Và nữa, việc những chiếc xe du lịch của Thủy thường xuyên ngược Lạng Sơn rồi “chủ nhân” tranh thủ ghé Trung Quốc cũng đặt ra giả thiết: Có sự liên hệ làm ăn Thạch - Thủy?

Như Tiền Phong từng đề cập, Thủy đã nhiều lần nhắc đến một nhà hàng tại Thượng Hải. Trước khi bỏ trốn, Thủy còn đề nghị Cty CPPTNN Sơn Thủy thắt chặt chi tiêu để Thủy giải quyết hậu quả vụ cháy nhà hàng này. Đặc biệt trước lúc tra tay vào còng số 8, Thủy còn huy động rất nhiều tiền (để chuyển đến nơi nào đó)... Vì thế, những nghi vấn về mối quan hệ làm ăn giữa Thủy và em trai và thậm chí cả một số đối tượng người nước ngoài là có cơ sở.

Cho đến ngày định mệnh (6/8/2005), Thủy dường như vẫn tin rằng có một quý nhân nào đó đã phù trợ mình và sẽ tiếp tục phù trợ. Bởi Thủy vẫn luẩn quẩn tại Hà Nội, dù trước đó vào giữa tháng 6/2005 Thủy đã biết việc ra lệnh bắt đối với mình chỉ còn tính theo ngày. Lấy lý do là đi chữa bệnh, Thủy đã biệt tăm từ đó cho đến khi bị bắt. Có một điều phải khẳng định là Thủy vào nhà giam ngày nào thì cũng có nhiều người mất ăn, khó ngủ từ ngày đó.  

Kỳ sau: Những người đàn bà để lại dấu ấn trong đời ông trùm

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.