Phá án từ mảnh vỡ máy cassette

Những ngày trong trại giam chờ thi hành án tử hình, Đỗ Minh Hải tỏ ra ân hận khi gây ra vụ nổ làm chết 2 trẻ thơ vô tội. Ảnh: C.T.V (Thanh Niên)
Những ngày trong trại giam chờ thi hành án tử hình, Đỗ Minh Hải tỏ ra ân hận khi gây ra vụ nổ làm chết 2 trẻ thơ vô tội. Ảnh: C.T.V (Thanh Niên)
Sau hơn 2 năm 3 tháng đeo bám, điều tra vụ nổ kinh hoàng làm chết 2 trẻ thơ, bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm, chỉ từ một mảnh vỡ của chiếc máy cassette, Công an tỉnh Đồng Nai đã buộc hung thủ phải nhận tội.
Những ngày trong trại giam chờ thi hành án tử hình, Đỗ Minh Hải tỏ ra ân hận khi gây ra vụ nổ làm chết 2 trẻ thơ vô tội. Ảnh: C.T.V (Thanh Niên)
Những ngày trong trại giam chờ thi hành án tử hình, Đỗ Minh Hải tỏ ra ân hận khi gây ra vụ nổ làm chết 2 trẻ thơ vô tội. Ảnh: C.T.V (Thanh Niên).


Vụ nổ kinh hoàng

Vào khoảng 5 giờ 45 phút ngày 8-6-2005, ông Lê Trọng Đạt (SN 1962, ngụ tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chở vợ là Lê Thị Tình (SN 1966) từ trong rẫy ra nhà riêng nằm ngoài quốc lộ 56. Ra đến nơi, Đạt phát hiện trước nhà có một bao cám, cột bằng sợi dây nylon màu xanh. Mở bao ra, vợ chồng Đạt phát hiện bên trong có cái áo tay dài màu tím gói chiếc máy cassette màu đen, trong túi áo còn có bịch thuốc rê, hộp quẹt màu vàng, 5 kg hột điều lép... Tưởng rằng kẻ trộm đánh rơi, Đạt mang vào nhà, định cắm điện thử máy cassette nhưng cầu dao bị đứt nên bỏ vào rẫy.

Đến 6 giờ 15 phút, Đạt trở về nhà đánh thức 4 người con dậy. Lúc này, Lê Trọng Giao (11 tuổi, con trai Đạt) phát hiện máy cassette nên cầm vào trong buồng để cắm thử. Tò mò, 3 người con còn lại của Đạt gồm Lê Trọng Đoàn, Lê Trọng Kết (cùng 15 tuổi) và Lê Thị Thanh Nga (14 tuổi) cũng chạy vào xem. Khi Giao cắm vào ổ điện, một tiếng nổ lớn vang lên, vụ nổ làm Giao và Nga tử vong, Đoàn và Kết bị thương nặng.

“Lúc này, tôi đang làm Đội trưởng Đội điều tra trinh sát địa bàn, được phân công làm tổ trưởng chuyên án trực chỉ vào Cẩm Mỹ điều tra đúng vào ngày thứ 21 cúng Giao và Nga. Thủ đoạn gây nổ quá tinh vi, không có bất cứ mối thông tin gì để điều tra. Công tác khám nghiệm hiện trường cũng không xác định được chiếc máy cassette bị nổ là loại gì?...” - thượng tá Bùi Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Đồng Nai nhớ lại.

Đã có hàng loạt giả thiết được đặt ra như kẻ xấu đặt chất nổ tòa án (nhà Đạt sát cạnh tòa án) cho bõ ghét, nhưng Đạt tham của nên rước họa vào thân; có quan điểm hung thủ dùng để trả thù người khác nhưng bỏ rơi quên chất nổ trước nhà Đạt... “Dù vậy, qua nhiều ngày nghiên cứu và thu thập chứng cứ, đánh giá của tôi là đối tượng đặt chất nổ chỉ nhắm vào Đạt để trả thù. Đối tượng rất rành quy luật đi lại, tính tình của Đạt, biết ngày giờ dọn nhà và tài sản còn lại của Đạt (theo điều tra Đạt đang chuẩn bị dọn nhà vào rẫy ở, khi vụ nổ xảy ra thì những đồ vật trong bao tải khá trùng vật dụng có trong nhà - PV) mới thực hiện hành vi phạm tội” - thượng tá Sơn phân tích.

Sàng lọc những người trước đây có mâu thuẫn với Đạt, nổi lên Đỗ Minh Hải (SN 1954, nhà sát rẫy với Đạt). Hải trước đây từng là thủ trưởng của Đạt trong một đơn vị quân đội. Sau khi xuất ngũ (năm 2001), Đạt vào mua rẫy phía sau nhà của Hải và hai người xảy ra mâu thuẫn. Heo, gà của Đạt thường xuyên lăn đùng ra chết nên Đạt nghi ngờ con trai Hải đầu độc và tố cáo với công an. Do không có chứng cứ gì nên Công an xã Long Giao không giải quyết. Ngay sau đó, Hải về rào đường lại, chỉ để khoảng 1m vào rẫy nhà Đạt. Bị rào, máy xới không vào được nên vợ chồng Đạt đã đạp ngã hàng rào. Năm 2003, Đạt khởi kiện ra tòa án và thắng kiện (được mở lối đi). Từ đó cho đến ngày xảy ra vụ nổ (hơn 2 năm) giữa hai người không xảy ra mâu thuẫn gì. Đám ma, Hải vẫn đến viếng gia đình Đạt một cách bình thường.

“Sáu tháng ròng rã điều tra, ngay cả bản thân tôi cũng nản vì không một chút manh mối nào cả. Tất cả đều được rút về để tăng cường cho các vụ án khác” - thượng tá Sơn kể.

Mảnh vỡ chiếc máy cassette

Sau gần 2 năm rơi vào bế tắc, thì ở TP.HCM xảy ra 2 vụ nổ, Bộ Công an chỉ đạo cho Công an Đồng Nai tiếp tục điều tra lại vụ án ở Cẩm Mỹ. “Thật ra trong thời gian này, không lúc nào mà tôi không quan tâm đến vụ án. Ngoài việc trao đổi thông tin, tôi thường xuyên xuống địa bàn để nắm lại vụ án. Sau khi vụ án được điều tra trở lại, tôi vẫn tập trung mọi sự nghi vấn vào Đỗ Minh Hải. Cầm mảnh vỡ của chiếc máy cassette đến hỏi một số người chuyên mua bán và sửa chữa, chỉ biết là hiệu Sony một hộc băng và một hộc đĩa màu đen hình bầu dục được xuất sang Việt Nam từ năm 2001, đến năm 2004 thì loại máy này không còn sản xuất” - thượng tá Sơn nói.

Manh mối bắt đầu hé lộ khi các trinh sát phát hiện trước nhà vợ và em vợ của Hải bày bán rất nhiều máy cassette nội địa cũ như loại đã gài chất nổ.

“Một hôm, chúng tôi quyết định làm việc với bà H., vợ Hải, cùng với L. (em vợ Hải) và giả vờ thông báo đang điều tra vụ trộm, trong đó có thu giữ máy cassette hiệu Sony một hộc băng, một hộc đĩa nội địa của Nhật. Tuy nhiên, ngoài anh Hải, nhiều nhà khác cũng khai mất. Nhưng anh Hải nói việc mua máy có chị biết” - Sơn kể. Vừa nghe xong, cả 2 người đều khẳng định, cuối năm 2003, Hải có nhờ giới thiệu và mua một máy cassette của người bán dạo trước cổng nhà với giá 280.000 đồng. Tiến hành điều tra, người bán máy cũng khẳng định như thông tin trước đó mà các trinh sát nắm được.

Sau khi lên TP.HCM nghe người vợ kể lại, Hải rất hoang mang và tìm cách đối phó. Hải lên tận TP.HCM kêu những người biết Hải mua máy cassette tuyệt đối không được khai báo gì. Bằng nghiệp vụ điều tra, cơ quan điều tra khẳng định hung thủ gây ra vụ nổ chính là Hải. Đến ngày 4-9-2007, Hải bị bắt khẩn cấp để điều tra vụ sử dụng chất nổ với mục đích giết người.

“Trong trại tạm giam, Hải luôn chối tội, nhưng khi chúng tôi đưa ra những chứng cứ thu thập được; đồng thời đánh vào tâm lý tội phạm, cuối cùng bị can phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hải khai, mục đích chỉ nhằm vào Đạt nên đã chuẩn bị rất kỹ từ năm 2003, nhưng không may lại sát hại 2 đứa trẻ vô tội nên lâu nay rất ân hận. Lời nhận tội làm cho chúng tôi thở phào nhẹ nhõm về vụ án đã được khám sau hơn 2 năm 3 tháng theo đuổi” - thượng tá Sơn nói.

28 năm phục vụ trong ngành công an, đối mặt với hàng loạt tội phạm khác nhau kể cả khi đối diện với họng súng của đối tượng (như trong vụ truy bắt băng cướp sử dụng AK cướp tiệm vàng Kim Hồng), nhưng khi nhắc lại vụ Đỗ Minh Hải, thượng tá Bùi Thanh Sơn nhận xét: "Đây là vụ án tốn nhiều thời gian đeo bám quyết liệt, đấu trí với tội phạm gay cấn nhất mà tôi đã gặp phải từ trước đến nay. Do đối tượng lên kế hoạch trả thù một cách tinh vi với thời gian hơn 2 năm nên mọi dấu vết gần như được xóa sạch. Nhưng một khi đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, bao giờ cũng phải để lại dấu vết. Từ những dấu vết nhỏ nhoi này, với nhiệm vụ được giao, chúng tôi phải đấu tranh, buộc tội phạm phải thừa nhận tội ác của mình".

Nhận xét trên của thượng tá Bùi Thanh Sơn đã nói lên được phẩm chất chung của những chiến sĩ CAND mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến trong loạt bài Những chiến công của lực lượng Công an Nhân dân.

Theo Hoàng Tuấn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.