Phá ổ sản xuất quân trang dỏm, lộ kẻ chạy án 30 ngàn USD

Đối tượng Long, Nghiệp
Đối tượng Long, Nghiệp
TPO - Quá trình điều tra ổ nhóm sản xuất giày da sĩ quan quân đội giả, ​Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) - Công an Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ hai đối tượng lừa đảo chạy án với giá 30 ngàn USD.

Ngày 13/5, PC46 Công an Hà Nội cho biết đã bắt giữ bốn đối tượng về các hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Cụ thể, trước đó, lực lượng QLTT và An ninh Kinh tế - Công an Hà Nội kiểm tra một cơ sở gia công sản xuất giày da tại thôn Nội, xã Châu Can, Phú Xuyên (Hà Nội), phát hiện thu giữ hơn 1.000 đôi giày da sĩ quan quân đội giả. Chủ cơ sở này là Cao Trường Sơn (SN 1984) khai được Lưu Văn Mậu (SN 1988) thuê gia công số giày trên.

Quá trình điều tra làm rõ, đầu tháng 9/2013, Mậu được một đối tượng thuê gia công sản xuất giày da sĩ quan quân đội mang nhãn mác “Tổng cục Hậu cần – Cục Quân nhu – Công ty CP 26 -2013” với giá 17.000 đồng/đôi. Đối tượng này ứng trước 20 triệu đồng và chuyển toàn bộ nguyên vật liệu để sản xuất giày da thành phẩm. 

Biết rõ việc đặt hàng này là sản xuất hàng giả nhưng vì hám lợi nên Mậu vẫn nhận lời rồi tiếp tục đi thuê Sơn sản với giá 7.000 đồng/đôi. Mậu ở giữa hưởng chênh lệch 10.000 đồng/đôi. Trước khi bị phát hiện, Sơn đã giao 1.000 đôi giày da sĩ quan giả thành phẩm cho Mậu. Theo tính toán của cơ quan chức năng tổng trị giá số hàng giả mà các đối tượng đã sản xuất và tiêu thụ là gần 1 tỷ đồng.

Trong quá trình Cơ quan CSĐT đang thụ lý hồ sơ vụ việc, lo sợ bị xử lý hình sự về hành vi sản xuất hàng giả, Mậu đã tìm người để “chạy án”. Qua các mối quan hệ xã hội, Mậu được giới thiệu gặp Lê Văn Long (SN 1974) quê Khoái Châu, Hưng Yên; hiện trú tại Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. 

Bản thân không nghề nghiệp nhưng Long “chém gió” rằng anh ta có quen biết rất nhiều người có thể lo lót được cho Mậu và “ra giá” là 30.000 USD (tương đương 600 triệu đồng) để anh ta chi phí việc “chạy án”. 

Mậu về chạy vạy, vay mượn, cầm cố cả sổ đỏ mới được 300 triệu đồng nên nhờ Long “hạ giá” và được Long đồng ý. Trong tháng 12/2013, Long đã 3 lần nhận của Mậu tổng số 300 triệu đồng và hứa sẽ “chạy” cho Mậu từ xử lý hình sự xuống mức xử lý hành chính.

Sau Tết Nguyên đán 2014, vẫn bị cơ quan điều tra triệu tập, ghi lời khai, Mậu tìm gặp Long hỏi thông tin về việc "lo lót" ra sao và có ý đòi lại tiền, nhưng được Long trấn an rằng "việc ghi lời khai chỉ là thủ tục". Tiếp đó, Long đề nghị Mậu chi thêm 20 triệu đồng.

Thấy dấu hiệu bất thường, Mậu đã làm đơn gửi PC46 Công an Hà Nội tố cáo và đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo “chạy án” của Lê Văn Long. Tại cơ quan công an, Lê Văn Long khai nhận bản thân không có quen biết, không có khả năng giúp Mậu “chạy án” nhưng vẫn nhận tiền và hứa hẹn giúp đỡ.

Số tiền 300 triệu đồng nhận của Mậu, Long đã chuyển cho Tôn Thất Thành Nghiệp (SN 1962), ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Nghiệp và Long cũng chỉ quen biết nhau thông qua các mối quan hệ xã hội.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT đã thực hiện Lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Tôn Thất Thành Nghiệp. Bản thân Nghiệp cũng là kẻ không nghề nghiệp. Sau khi nhận tiền, Nghiệp đã chi tiêu cá nhân hết.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.