Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam:

Phải chống bức cung, nhục hình

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. ảnh: Doãn Tấn/TTX.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. ảnh: Doãn Tấn/TTX.
TP - Ngày 27/2, thảo luận tại Phiên họp 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật tạm giữ, tạm giam, một số ý kiến nhấn mạnh: Luật phải góp phần đấu tranh hiệu quả với tội phạm; đồng thời phải bảo đảm quyền công dân, quyền con người - khi những quyền này chưa bị hạn chế, chống bức cung, nhục hình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, theo quy định tại dự thảo, trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam một người có thể bị hạn chế  quyền đi lại, giao dịch, tự do thân thể... Tất cả có tới 6 quyền bị hạn chế, nhưng quy định như vậy đã đúng chưa? Người bị buộc tội, bị tạm giữ, tạm giam vẫn chưa phải là có tội, nếu tước đi những quyền tự do ấy là không đúng. Quyền tự do thân thể của con người không thể bị xâm phạm, nhưng trong điều kiện tạm giữ, tạm giam có được đảm bảo không, chưa kể có thể họ còn bị các hình thức bức cung, nhục hình.

Ngoài ra, công dân còn có quyền tự do báo chí, ngôn luận, biểu tình, vậy khi bị tạm giữ, tạm giam có được bảo đảm? “Vấn đề thứ hai là quy định cùm chân người bị cách ly, người vi phạm kỷ luật trong trại tạm giữ, tạm giam. Những người này cũng chưa bị coi là có tội, nhưng lại bị xử phạt bằng hình thức cùm chân có phù hợp hay không? Luật quy định, không ai có quyền xâm phạm thân thể, bức cung, nhục hình người bị tạm giữ, tạm giam. Cùm chân là một hình phạt rất nặng, phải cân nhắc...” - ông Lý phát biểu.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo ngại, dự thảo có thể vi phạm quyền con người đã được hiến định. Theo ông, cần có sự phân biệt rõ chế độ tạm giữ, tạm giam, phân biệt đối tượng chưa có án với có án, vì thời gian tạm giữ, tạm giam thường dễ xảy ra tra tấn, nhục hình. “Có thể do anh o ép, giam cùm người ta, bắt người ta phải khai theo ý đồ của anh mà người ta phải nhận tội. Tôi đề nghị, những người chưa bị kết tội, trong thời gian này không bị làm ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần vì họ vẫn có đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Còn với người có án, nếu bị hình thức kỷ luật trong trại, cũng phải đảm bảo những quyền mà họ không bị tước đoạt, phải lấy đại nghĩa để giáo dục người phạm tội” - ông Phước bày tỏ.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong chỉ rõ, bức cung, nhục hình chủ yếu xảy ra trong thời gian 9 ngày bị tạm giữ (theo luật); thông cung, nhục hình xảy ra trong thời gian tạm giam. Vì vậy, cần tạo điều kiện để Viện kiểm sát được kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam để bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Việc áp dụng hình thức cùm chân, còng tay, còng chân để đẩy nhanh quá trình điều tra thực chất chính là nhục hình. Những hình thức này không nên luật hóa. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần xem xét, quy định về điều kiện cơ sở giam, giữ tốt hơn.

Trách nhiệm phải rõ

Báo cáo tại Thường vụ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, bức cung, nhục hình thường xảy ra trong quá trình điều tra chứ không phải do cơ sở giam, giữ. Hành vi bức cung, nhục hình bị nghiêm cấm, cần phòng ngừa, ngăn chặn và quan trọng là khâu thực hiện, chấp hành luật phải nghiêm. Chúng ta có nhiều luật nhưng bức cung vẫn còn xảy ra là do khâu thực thi, do con người thi hành pháp luật. Do đó, phải đẩy mạnh giáo dục, ngăn chặn vi phạm tại nơi tạm giữ, tạm giam.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, nhiều đối tượng bị tạm giữ, tạm giam thường có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Thực tế một số nước cũng sử dụng biện pháp cùm, xích chân, nhằm ngăn chặn họ gây nguy hiểm cho người khác. Ví dụ đối tượng Lê Văn Luyện gây án giết cả nhà người ta; đối tượng vừa nghiện vừa gây án giết người, hiếp dâm thì rất cần phải có hình thức để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội.

Lưu ý dự thảo Luật cần bám sát Hiến pháp và các luật liên quan, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhìn nhận: Người bị tạm giữ, tạm giam chỉ bị hạn chế một phần quyền con người, quyền cơ bản của công dân - như hạn chế  đi lại, còn những quyền khác vẫn phải bảo đảm, nhất là quyền dân sự. Theo ông Khánh, quyền hạn, trách nhiệm của các chức danh cụ thể trong quá trình thực hiện tạm giữ, tạm giam cũng phải làm rõ. Nên có quy định để có sự độc lập trong hoạt động điều tra với hoạt động tạm giữ, tạm giam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến cho rằng, cần đối chiếu, quy định sao cho Luật này không mâu thuẫn, không vi phạm Công ước Chống tra tấn mà Việt Nam tham gia.

Không làm phình bộ máy cơ quan điều tra

Cùng ngày,  thảo luận về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý lưu ý: Việc xây dựng dự án Luật này phải thực hiện được các yêu cầu trong Kết luận 92 của Bộ Chính trị, cần giữ nguyên hệ thống tổ chức lực lượng điều tra chuyên trách, đồng thời sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Cần quán triệt quan điểm của Đảng là không mở rộng tổ chức mà phải sắp xếp gọn hơn, tinh nhuệ hơn; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; không lợi dụng, lộng quyền. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp 2013”. Không tán thành với quy định mở rộng thẩm quyền điều tra tới lực lượng công an xã và một số lực lượng khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu: Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng, dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

MỚI - NÓNG