Qua vụ Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD:

Phải nhanh chóng bịt kín các lỗ hổng

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
TP - Trao đổi với Tiền Phong về khối tài sản khổng lồ của bị can Giang Kim Đạt, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Một cán bộ cấp phòng, thuộc Vinashin mà còn dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản như thế thì cán bộ cấp cao hơn còn dễ đến mức nào?

Do đó, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng rút ra bài học, không để một số cán bộ biến chất có cơ hội chuyển giá, trục lợi từ các hợp đồng mua bán, đấu thầu công trình, dự án…

Loại bỏ cán bộ biến chất trục lợi

Ông bình luận thế nào về hành vi tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của bị can Giang Kim Đạt, trong vụ án Vinashin?

Một cán bộ cấp phòng như Giang Kim Đạt mà lại có thể dễ dàng tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt đến 18,6 triệu USD để mua đến 40 bất động sản trong toàn quốc và cả nhà ở Singapore là câu chuyện buồn. Đây chính là cảnh báo nghiêm khắc cho chúng ta thấy rằng, công tác quản lý kinh tế ở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cực kỳ lỏng lẻo. Mỗi hợp đồng mua bán tàu do Đạt thực hiện đều đã bị gửi giá vào đó để chiếm đoạt. Điều này không thể chấp nhận được, bởi chúng ta có cả bộ máy về quản lý kinh tế, tư pháp, bảo vệ pháp luật mà sao vẫn để chuyện này xảy ra. Thử hỏi một cán bộ cấp phòng thuộc một đơn vị trực thuộc Vinashin mà còn dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt hàng chục triệu USD, thì cán bộ cấp cao hơn còn dễ dàng đến mức độ nào nữa?!

Tài sản của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, suy cho cùng cũng chính là tài sản của nhân dân, những người đã “còng lưng” đóng thuế. Nay bị thất thoát, chiếm đoạt thì nhân dân là người bị mất mát, bị gánh chịu chứ còn ai nữa. Không nhanh chóng nhìn nhận, bịt kín những lỗ hổng này là có tội, có lỗi với nhân dân.

Theo ông, chúng ta phải “bịt” bằng cách nào để những vụ việc như Giang Kim Đạt không còn xảy ra nữa?

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội các cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, đây là cơ hội để chúng ta sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy những phần tử thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để trục lợi.

 Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến

Trước hết khi đã phát hiện, làm rõ hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt, phải kiên quyết thu hồi lại toàn bộ tài sản bất minh mà đối tượng đã chiếm dụng. Có thu hồi được khối tài sản của đối tượng này mới rung lên được tiếng chuông cảnh báo đối với những đối tượng khác, để chúng không dám tham ô, tham nhũng. Vì nếu tham ô tham nhũng, bỏ trốn ra nước ngoài thì cũng sẽ bị truy bắt, bị pháp luật trừng trị. Đồng thời, tài sản dù có tẩu tán tinh vi đến đâu, có chuyển dịch ra nước ngoài thì cuối cùng cũng sẽ bị thu hồi hết. Chỉ có như thế mới có tác dụng răn đe, mới thể hiện được quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý kinh tế cần phải nhanh chóng phân tích, nhìn nhận lại những lổ hổng trong quản lý, trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời sửa chữa, bổ sung, bịt lại những lỗ hổng hiện có. Đối với những dự án nhà nước đang đầu tư, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, không để các đối tượng chuyển giá, trục lợi, hưởng “hoa hồng” từ các hợp đồng mua bán, đấu thầu các công trình, dự án… Có như thế mới không để xảy ra những vụ như Giang Kim Đạt nữa.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội các cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, đây là cơ hội để chúng ta sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy những phần tử thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Phải nhanh chóng bịt kín các lỗ hổng ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến.

Bịt đường tẩu tán tài sản

Trong vụ án của Giang Kim Đạt, chúng ta thấy bị can dịch chuyển tài sản tham nhũng, chiếm đoạt cho người thân. Có cách nào ngăn chặn tình trạng này không?

Tại nghị trường Quốc hội, tôi đã cảnh báo về vấn đề trên để các cơ quan nhà nước nhìn nhận. Bây giờ những kẻ tham nhũng rất tinh vi, chúng không dại gì đứng tên mà đều chuyển dịch tài sản tham nhũng cho những người thân trong gia đình. Chống tham nhũng, chúng ta cần phải lưu ý là không chỉ xử lý tài sản của các đối tượng tham nhũng mà còn phải làm rõ tài sản của những người thân đối tượng đó có từ đâu. Ví dụ, đối tượng Giang Kim Đạt đã chuyển dịch tài sản cho người thân thì giờ phải chứng minh tài sản đó có từ đâu. Nếu họ không chứng minh được thì đó chính là tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt.

Ngoài ra, cần phải mở rộng điều tra, làm rõ xem còn ai có liên quan không? Có những ai cùng đường dây với Giang Kim Đạt nữa? Vì với chức vụ như thế, một mình Giang Kim Đạt khó mà thực hiện được hành vi tham nhũng khối tài sản lớn như vậy.

Qua vụ việc trên cho thấy, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của chúng ta hiện nay quá lỏng nên không kịp thời phát hiện khối tài sản khổng lồ của Giang Kim Đạt và người thân?

Đúng là hiện nay chúng ta mới chỉ kiểm soát được bề nổi, tức là phần lương, thu nhập chính thức. Còn những “tảng băng chìm” như kiểu Giang Kim Đạt, tài sản rất nhiều, rất lớn thì lại không kiểm soát được. Thực tế, trong một số vụ án, vụ việc chúng ta cũng thấy, chỉ khi các cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc thì dư luận mới biết rằng, quan chức này, quan chức kia, có biết bao nhiêu tài sản, bao nhiêu căn nhà, biệt thự… Chưa kể có người còn dùng cả valy tiền để đi hối lộ. Đó chính là bài học đắt giá để các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý cán bộ nhìn nhận, kịp thời sửa chữa, bổ sung các quy định của pháp luật sao cho kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, cũng như của cả xã hội.

Cảm ơn ông!

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ngoài Giang Kim Đạt, còn ai nữa?

Phải nhanh chóng bịt kín các lỗ hổng ảnh 2

Dù rất khó khăn nhưng cũng may là lực lượng công an đã tóm được Giang Kim Đạt. Nếu không, khối tài sản đó cũng mất trắng. Từ vụ việc này đã bộc lộ lỗ hổng cả về quản lý tài sản và quản lý con người, nhưng vấn đề quản lý con người đáng quan tâm hơn cả. 

Tầm cỡ một Tổng giám đốc có thể làm như vậy đã đành. Nhưng vì sao chỉ một cán bộ cấp trưởng phòng, Giang Kim Đạt lại có thể gây ra một vụ việc lớn như vậy? Điều đó cho thấy công tác quản lý con người đang bị buông lỏng tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Cứ tình hình quản lý như thế này, không biết ngoài Giang Kim Đạt ra còn những ai nữa? Tôi cho rằng Giang Kim Đạt không tài giỏi gì để có thể lọt lưới được, mà cái chính do công tác quản lý con người thôi. Một DNNN được xem như “át chủ bài” của đất nước mà lại để một cán bộ cấp phòng làm như vậy là cả một vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.

Không có sự chấn chỉnh, tài sản của DNNN cứ giao cho một số cá nhân thoái hóa như vậy, không biết chúng sẽ còn “ăn” đến bao nhiêu? Tài sản nhà nước sẽ bị thất thoát đến chừng nào? Rồi số phận các DNNN sẽ đi về đâu? Bài học Vinashin thì chúng ta đều đã biết rồi.

Tôi cho rằng, cần phải soát xét lại tất cả những vấn đề liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý tài sản của tất cả các DNNN hiện nay. Tổ chức thanh tra, kiểm tra của Đảng, của Nhà nước cần phải vào cuộc. Tôi tin rằng, nếu sờ vào những chỗ khác có thể cũng không kém vụ việc này đâu.

Sự việc này một lần nữa khiến chúng ta nghĩ đến công tác kiểm soát tài sản. Lâu nay người ta cứ thắc mắc kê khai thế này, kê khai thế kia, nhưng thực chất việc này cũng chỉ làm cho hình thức thôi, chỉ “phù phép” thôi. Mặt khác, kê khai có khi lại thành “bật đèn xanh” cho tham nhũng, vì kê khai mà không kiểm soát được thì kiểm kê làm gì?

Theo tôi, cần phải có một tổ chức thực quyền, độc lập để phòng chống tham nhũng. Tôi nhớ tại diễn đàn Quốc hội, từng có đại biểu đề xuất thành lập ra một Ủy ban độc lập về phòng chống tham nhũng, nhưng đáng tiếc lại không được chấp nhận.

MỚI - NÓNG