Phát hiện ma túy cực độc chưa có trong danh mục

Các viên nén màu hồng chứa N-Ethylpentylone là chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương mạnh tương tự chất Cathinone trong lá Khát.
Các viên nén màu hồng chứa N-Ethylpentylone là chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương mạnh tương tự chất Cathinone trong lá Khát.
TPO - N-Ethylpentylone là chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương mạnh tương tự chất Cathinone trong lá Khát, một chất ma túy cực độc, nằm trong danh mục I - các chất tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và trong đời sống xã hội. Còn 5FR-MDMB-PICA là chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng kích thích và gây ảo giác. 

Ngày 25/7, Bộ Công an cho biết qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công an các địa phương đã phát hiện một số loại nghi là ma túy nên gửi giám định.

Kết quả giám định tại Viện khoa học hình sự và các Phân viện khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã phát hiện hai chất ma túy mới có tên là N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng và 5FR-MDMB-PICA trong mẫu thảo mộc khô cắt nhỏ. 

Theo Viện khoa học hình sự, Bộ Công an N-Ethylpentylone là chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương mạnh tương tự chất Cathinone trong lá Khát, một chất ma túy cực độc, nằm trong danh mục I - các chất tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và trong đời sống xã hội (quy định tại Nghị định số 73 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất).
Còn 5FR-MDMB-PICA là chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng kích thích và gây ảo giác. 

Nhiều nước trên thế giới đã có cảnh báo và đã đưa hai chất N-Ethylpentylone và 5FR-MDMB-PICA vào danh mục quản lý. Tuy nhiên tại Việt Nam, cả hai chất trên đều chưa được đưa quy định trong danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Phát hiện ma túy cực độc chưa có trong danh mục ảnh 1 Trong thảo mộc khô chứa 5FR-MDMB-PICA, chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng kích thích và gây ảo giác. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Đấu tranh với tội phạm ma túy tổng hợp và tiền chất (Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy), cho biết ma túy tổng hợp được sản xuất ra từ các loại tiền chất. Mỗi loại tiền chất tương ứng lại có thể điều chế ra một chất ma túy tổng hợp mới. Tội phạm có thể tổng hợp một hoặc nhiều loại tiền chất khác nhau để cho ra các loại ma túy mới, thậm chí cũng các loại tiền chất đó nhưng pha trộn tỉ lệ khác nhau cũng cho ra các loại ma túy khác nhau. Do vậy ma túy tổng hợp mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát.

Theo quy định của công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, một chất trở thành chất ma túy phải đưa vào danh mục Chính phủ quản lý. Trong khi đó hai chất ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam chưa có trong danh mục. 

“Nghị định 73 ngày 15/5/2018 của Chính phủ về danh mục các chất ma túy và tiền chất vừa cập nhập, bổ sung 514 chất ma túy và 44 tiền chất, tuy nhiên vừa bổ sung không lâu đã lạc hậu vì lực lượng chức năng đã phát hiện một số chất ma túy và tiền chất mới” - ông Thiêm nói.

Hiện Bộ Công an đã có thông báo tới lực lượng phòng, chống ma túy trên toàn quốc về sự xuất hiện của hai chất ma túy mới này để chủ động có biện pháp đấu tranh và phòng ngừa.
Đồng thời Bộ Công an cũng báo cáo các cơ quan chức năng bổ sung hai chất này vào danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định, không để các đối tượng lợi dụng sơ hở vào việc sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy.

MỚI - NÓNG