Phía sau dự án sai phạm hàng trăm tỷ đồng

Quốc lộ 5 kéo dài đoạn cầu Chui - cầu Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long (Hà Nội) đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Như Ý
Quốc lộ 5 kéo dài đoạn cầu Chui - cầu Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long (Hà Nội) đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 22/6, tại Thông báo kết luận thanh tra dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui - cầu Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long (Hà Nội), Thanh tra Chính phủ cho biết, đã phát hiện sai phạm về tài chính số tiền 658 tỷ đồng.

Chậm 6 năm, đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng

Dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui – cầu Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long (Hà Nội) thuộc dự án nhóm A, do Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư. Dự án có tầm quan trọng đặc biệt về giải quyết mạng lưới giao thông thành phố Hà Nội, kết nối khu vực kinh tế, khu công nghiệp, đô thị và giao thông liên tỉnh, khu vực phía Bắc.

Theo quyết định số 1881 ngày 15/4/2005 của UBND TP Hà Nội, dự án được thực hiện trong 3 năm (từ 2005-2008) và được Thủ tướng chấp thuận trong danh mục các dự án công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. 

Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ 6 năm (đến năm 2014 dự án mới thông xe), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,1 nghìn tỷ đồng so với mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ một số nguyên nhân làm tăng tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 3 nghìn tỷ đồng, đó là nhiều hạng mục công trình điều chỉnh dự toán không tuân thủ quy định để giá trị dự toán vượt quá cao. 

Đặc biệt, gói thầu số 13 khi thay đổi thiết kế kỹ thuật – dự toán, thay đổi nhà thầu phụ đã tăng giá trị quá cao, chậm tiến độ 2 năm… Mặt khác, việc thiếu quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến dự án bị chậm trễ, kéo dài. 

Đáng chú ý, việc tổ chức giải phóng mặt bằng đối với đất dân cư, cơ quan tổ chức và các công trình trên tuyến kéo dài cho tới năm 2014. Hơn nữa, công tác quản lý giá thành đầu tư yếu cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư, lãng phí ngân sách nhà nước.

Vi phạm xảy ra trong suốt quá trình đầu tư

TTCP cho rằng, việc tổ chức quản lý, điều hành dự án có nhiều hạn chế, nhiều vi phạm xảy ra trong suốt quá trình đầu tư; một số nội dung chưa tuân thủ quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện dự án. 

Đặc biệt, vai trò trách nhiệm của một số lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã được phân công trong chỉ đạo điều hành không xử lý kịp thời, vi phạm nguyên tắc, thiếu quyết liệt đối với những tồn tại phát sinh khi thực hiện dự án. Qua thanh tra đã phát hiện việc chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho một số tổ chức, đơn vị, cá nhân sai quy định với số tiền hơn 77 tỷ đồng.

Cũng theo TTCP, tổng số tiền sai phạm về tài chính được phát hiện qua thanh tra là gần 657,9 tỷ đồng, trong đó số tiền hơn 273 tỷ đồng đã được xác định, số còn lại hơn 384 tỷ đồng (gói thầu 12 là 48,2 tỷ đồng và gói thầu 13 là 336 tỷ đồng) cần phải tính toán chi tiết cụ thể để xử lý.

Cùng yêu cầu về xử lý tài chính, TTCP cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (các thời kỳ) liên quan và có hình thức xử lý theo quy định, nhất là trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý theo phân công, phân cấp trong cả quá trình triển khai dự án.

Đồng ý với kiến nghị của TTCP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khuyết điểm, sai phạm có biện pháp khắc phục và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.