'Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng': 3 câu hỏi cần lời đáp

'Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng': 3 câu hỏi cần lời đáp
TP - Bài phóng sự “Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng” trên Tiền phong cuối tuần số 24 được dư luận quan tâm. PV Tiền phong tiếp tục gặp những người trong cuộc và chứng kiến đêm đảo điên ấy để làm sáng tỏ một số vấn đề.

Ông Biện Hoàng Lập kể, vợ chồng ông có nhà cửa khang trang, đất đai rộng hàng trăm công ở ấp Khúc Tréo, xã Tân Phong (Giá Rai, Bạc Liêu).

Hơn chục năm trước, vợ chồng ông sang khu đất ở ấp 5, thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) mặt tiền rộng 12m, dài 50m, cất 50 phòng trọ cho thuê mỗi tháng thu trên 10 triệu đồng.

Vợ con ông chuyển hết về thị trấn Hộ Phòng sinh sống. Riêng ông vẫn coi vuông tôm, nhà cửa và tham gia công tác xã Tân Phong.

“Hàng ngày, tôi thức sớm đổ lú bắt tôm, đi bán, rồi đi làm. Chiều mang cá mú về cho vợ con. Tối vô mùng ngủ thì vợ ra mùng khác. Làm đàn ông mà bị vợ lạnh nhạt như vậy buồn lắm”, ông Lập nói.

Bà Trần Ngọc Điệp (vợ ông Lập): “Tôi chưa bắt gặp chớ người ta nói ổng còn chở con nhỏ đó đi tò tò. Tôi phải sang bên đó 3 lần mới gặp được một lần.

Mẹ con tôi đi đánh ghen đấy, không thuê mướn ai hết, chỉ có thêm chị Ba Đáng tức là chị Ngô Hồng Đào. Còn những thanh niên khác là xe ôm tôi thuê chở đi, mỗi xe trả 100 ngàn đồng. Tôi đã trình bày với công an xã Phước Long, huyện Phước Long”.

Bà Ngô Hồng Đào trả lời qua điện thoại với PV Tiền phong: “Tôi đi bắt ghen với chị Điệp lúc ấy khoảng 11 giờ đêm. Rùm beng à, thì có tôi, chị Điệp, vợ chú Mạnh ở Quản lý thị trường tỉnh, có 2 con chị Điệp và thuê 5 người chạy xe ôm”.

Ông Lập kể: “Bà Ngô Hồng Đào cầm súng ngắn chĩa vào đầu tôi, đe dọa, khống chế để mọi người đánh đập nhục mạ!”.

Bà Điệp phản ứng: “Ổng vu khống có người cầm súng, tôi đấu tranh tới cùng. Phải chi có súng thì ấp lập biên bản sao không để vô. Ổng đút nhét thế nào đó mà người dân nói có súng”.

Bà Đào: “Trời ơi, dân thường mà làm gì có súng. Tại anh Lập ảnh ghét tụi tui rồi vu khống chớ. Có súng thì ghi vô biên bản rồi. Nếu có súng thì là súng mủ”. (súng mủ là súng nhựa).

Ông Lê Văn Thống, Bí thư chi bộ ấp Thọ Hậu, có mặt tại điểm đánh ghen đêm đó nói: “Khi tôi đến nơi thì thấy đang viết biên bản. Anh Lập nói có khẩu súng, chĩa vào đầu anh ta.

Tôi hỏi ai có khẩu súng? Một người đàn bà mập, mặc đồ màu xám, đội nón bo, đưa khẩu súng ra. Tôi có cầm coi thì là loại súng ngắn K59. Nhưng tôi quên lấy khẩu súng vì vô ý.

Khi ra ngoài, bà con nói đó là vợ anh Ba Đáng làm lớn trên tỉnh. Nhiều người dân chứng kiến đêm đó còn nghe chị ấy gọi cho công an huyện Phước Long xưng là chị Ba, vợ anh Ba Đáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở ấp Thọ Hậu có mặt đêm đó xác nhận: “Tôi nhìn thấy người đàn bà cầm cây súng trong tay. Bà ta còn gọi điện thoại cho công an xuống tiếp mà, đâu có sợ gì đâu. Khi ấp đến lập biên bản có móc cây súng ra”.

Con trói cha có phạm pháp?

'Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng': 3 câu hỏi cần lời đáp ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân chứng kiến vụ đánh ghen

Bà Trần Ngọc Điệp kể: “Trói anh Lập, cô Thu à, hai con trai ổng trói chớ ai! Con trói cha mà. Không trói ổng thì ổng chạy làm sao có bằng chứng. Tôi bắt ghen để làm bằng chứng, ra toà cho dễ nói chuyện.

Nói chung, bây giờ, ổng muốn đi đâu thì đi, tôi không cần nữa. Ổng đi đâu đó thì đi luôn đi. Còn cắt tóc bà Huỳnh Bé Thu đêm ấy, tôi cắt. Khi trói xong, có ấp đến lập biên bản, giải về xã”.

Bà Ngô Hồng Đào giải thích việc tùy tiện bắt người, trói người: “Trời ơi, đi từ 11 giờ khuya, không biết có gặp không mà báo với công an”.

PV Tiền phong hỏi bà Đào: “Nghe đâu bà có quen với công an huyện Phước Long?”. Bà Đào trả lời: “Quen thì quen nhưng mà lúc ấy khuya quá, người ta ngủ hết đâu ai vô.

Tôi điện 116 hỏi thăm số công an huyện Phước Long. Tốn hết mấy cú điện thoại mà không có ai vô hết. Tôi điện cho Công an huyện Phước Long thì nói cho công an xã Phước Long vô.

Nhưng mấy tiếng đồng hồ không có ai vô. Khi bắt trói rồi, tôi hỏi thăm người ta. Có một chú gì đó ở ấp đi tìm gặp công an ấp đang ngủ ngoài lán nuôi tôm”.

“Chú gì đó” chính là ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh kể: “Tôi đang ngủ, vợ tôi nói có đám bắt ghen rùm beng hết kìa. Tôi lội qua thì thấy cảnh tượng khủng khiếp. Ông Lập bị trói với cô Thu như trói heo vậy. Những người này phá đồ đạc, đánh đập, dỡ nò tôm…

Tôi thấy trói người là kỳ quá mới đi tìm ông Trọn - Trưởng công an ấp. Ông Trọn đang ngủ say, bị đánh thức thì chửi thề rồi mới dậy. Tôi lại chạy lên cho báo với ông Lê Văn Thống - Bí thư chi bộ ấp”.

Ông Võ Văn Trọn, Trưởng công an ấp Thọ Hậu, kể: “Tôi qua đến chòi vuông anh Lập thì thấy cảnh đập phá, người rất đông. Tôi hỏi ai trói anh Lập, chị Thu thì 2 con của ông Lập thừa nhận mình trói. Tôi kêu cởi trói thì các con ông Lập không chịu cởi trói cho chị Thu. Tôi cũng bó tay!”.

Dân trói dân trước mặt công an là rất khó coi, vì sao ông không buộc cởi trói bằng được? Ông Võ Văn Trọn trả lời: “Bởi vì con của ông Lập không cho cởi. Tóc người ta còn cắt mà. Tôi cởi trói rồi, bỏ chạy thì sao? Họ nói tôi binh bên ông Lập, Bé Thu thì sao? Con trói cha mà”.

Bà Điệp cũng như ông Trưởng công an ấp đều nói “con trói cha mà” để giải thích cho hành vi trói người trong đêm, phía bà Điệp hả hê còn phía Trưởng công an ấp thì không kiên quyết cởi trói.

Họ nói như thể “con trói cha” là không vi phạm pháp luật? Và dù giải thích theo cách của bà Điệp “cha có sao con mới trói” thì cũng không biện minh được hành vi cắt tóc, đánh đập và trói bà Huỳnh Bé Thu?

Hòa giải hay phải xử lý theo pháp luật?

'Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng': 3 câu hỏi cần lời đáp ảnh 2
Ông Lê Văn Thống, Bí thư chi bộ ấp Thọ Hậu, người đã cầm xem khẩu súng K59 của bà Ngô Hồng Đào

Bà Ngô Hồng Đào kể: “Chúng tôi yêu cầu công an ấp giải lên xã Phước Long. Đến nơi cũng gần sáng, công an xã Phước Long nói tới 7 giờ mới làm việc.

Tụi tui chờ đến 8-9 giờ sáng công an Phước Long xin ý kiến công an huyện mới làm việc. Công an xã Phước Long lấy lời khai đến bốn giờ chiều mới xong”.

Ông Trương Sơn Vũ, Phó công an xã Phước Long cho biết: “Hôm đó tôi trực. Khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 1/2, đoàn bắt ghen đi khoảng 5-6 xe Honda có công an ấp, cán bộ ấp đi cùng.

Tình trạng bà Huỳnh Bé Thu bị trói, còn mớ tóc bị cắt tơi tả. Công an ấp là anh Võ Văn Trọn dẫn ra, có đưa biên bản. Tôi dẫn bà Huỳnh Bé Thu vào phòng làm việc của công an xã, rồi mở trói.

Còn anh Biện Hoàng Lập cũng được đưa vô phòng. Chúng tôi không có ra lệnh giữ người mà chỉ giữ lại để làm rõ, theo Trực ban của công an huyện Phước Long chỉ đạo qua điện thoại”.

PV Tiền phong hỏi: “Sau đó ông có xuống ấp Thọ Hậu không?”. Ông Vũ trả lời: “Có chứ. Tôi phải đi xuống ấp Thọ Hậu để tìm hiểu tình hình báo cho công an huyện Phước Long xử lý”.

Ông Lập bức xúc: “Gần 5 tháng qua, tôi viết 6 lần đơn gởi các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nhờ xét xử. Tôi yêu cầu các cơ quan xử lý theo pháp luật những người đã trói, đánh đập, bắt người và trả giấy tờ tuỳ thân, tài sản bị đập phá cho tôi. Nhưng công an chỉ hòa giải”.

Bà Ngô Hồng Đào xác nhận: “Công an mời hoà giải 2 lần rồi. Lần trước anh Lập không chịu, đòi xử theo pháp luật. Lần sau, mời lên nhưng không làm việc vì mấy ông bận vụ có người chết. Mấy ông công an huyện nói khi nào giải quyết thì điện cho tôi hay”.

Bà Lê Thị Tài, 73 tuổi, ở ấp Thọ Hậu tỏ thái độ bất bình: “Thân phận đàn bà con gái mà bị đối xử như con heo. Bà con chúng tôi chứng kiến cảnh đánh đập, trói người, lấy tài sản… đều bất bình.

Bà Thu gào khóc thảm thiết mà đâu được buông tha. Đi bắt ghen có súng ống. Dựa hơi cán bộ làm dữ với dân rồi êm ru. Công an xã, công an huyện Phước Long đến đây ghi lời khai của bà con rõ lắm rồi”.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng nói: “Hai, ba bữa sau đêm hôm ấy, công an huyện Phước Long vô hỏi, tôi kể lại hết rồi mà, chẳng biết sao đến nay chưa xử lý?”.

Thời gian kéo dài, tuy nhiên công an xã và huyện đã kịp thời vào tận nơi điều tra, hy vọng những chứng cứ xác thực của vụ việc không mờ nhòe hay biến mất.

MỚI - NÓNG