Phiên toà gán ghép bị hại

Con đường chở mì chạy giữa vùng đồi núi và khe suối hiểm trở (ảnh lớn); Ba ông nông dân tại phiên tòa (ảnh nhỏ). Ảnh: Sáu Nghệ
Con đường chở mì chạy giữa vùng đồi núi và khe suối hiểm trở (ảnh lớn); Ba ông nông dân tại phiên tòa (ảnh nhỏ). Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Ngày 18/7, TAND tỉnh Đắk Nông xử hình sự sơ thẩm ba ông nông dân ở tỉnh Bình Phước tội cưỡng đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có ba ông nông dân khác được mời tới toà với vai trò “bị hại” lại cho biết, họ không bị thiệt hại và không hề có đơn khiếu nại hay tố cáo.

Ba ông nông dân bị xử tội cưỡng đoạt tài sản là Nguyễn Văn Thành, Đoàn Văn Sỹ ở xã Bom Bo và Hoàng Văn Tình ở xã Đắk Nhau (Bù Đăng, Bình Phước). Năm 2012, được chính quyền cho phép, các ông sửa một con đường dài khoảng 4 km ở xã Đắk Nhau, cho xe vào mua khoai mì (sắn), thu phí 407 triệu đồng. 

   

Tháng 8/2013, họ bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vì cho rằng ép buộc người mua khoai mì để cưỡng đoạt tài sản (khoai mì có trồng trên đất Đắk Nông).

Còn ba ông “bị hại” là Đậu Ngọc Dung, Đinh Hữu Thuật ở xã Bom Bo và Nguyễn Văn Trung ở xã Đắk Nhau (Bù Đăng, Bình Phước). Tại toà, họ cho biết, vào khu vực trồng mì có 4 con đường, khi con đường qua đất của ông Sỹ được sửa dễ đi, họ họp với nhau ba lần thống nhất trả phí 150.000 đ/tấn. Theo ba ông, vào tận ruộng mua mì giá rẻ hơn bên ngoài 600.000 – 700.000 đồng/tấn, trừ phí làm đường và tiền xăng xe, họ còn lời 150.000 – 200.000 đồng/tấn.

Ba ông khẳng định: họ đã mua mì 6-7 năm, những năm trước phải hùn tiền sửa đường, khi có người sửa đường thì thoả thuận trả tiền, không bị ép buộc hay đe dọa. Ông Dung nói thêm, các ông không có đơn từ, trở thành “bị hại” là do các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông gán ghép và vụ án mở ra, được người nhà ba nông dân kia trả lại phí làm đường đã thu thì “rất băn khoăn vì phải đóng mới hợp đạo lý”.

Đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho rằng ba ông nông dân “với mục đích kiếm tiền” đã coi thường luật pháp nên đề nghị xử tội. Luật sư bào chữa phân tích, hành vi của ba ông nông dân chưa đủ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản; hơn nữa, ngày 16/4/2014, toà án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ việc thu tiền do ép buộc hay thỏa thuận, điều tra chưa làm rõ nhưng thẩm vấn tại tòa đã rõ là thỏa thuận.

“Làm đường chở nông sản được nhà nước khuyến khích, trường hợp này theo sự cho phép của chính quyền nên không thể phạt tù”, luật sư tranh luận.

Còn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xử ông Nguyễn Văn Thành vì bán hơn 3 ha đất trồng mì, giá 96 triệu đồng, cho ông Đậu Ngọc Dung và một người khác. Tại tòa, ông Dung cũng cho biết, vai trò “bị hại” do cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông gán ghép cho ông.

Đám đất ở xã Quảng Đức (Tuy Đức, Đắk Nông), bỏ hoang nên ông Thành khai phá trồng mì mấy năm đến cuối 2012, bán giấy tay. Giấy mua bán cam kết, nếu đất và mì có người tranh chấp thì bên bán phải chịu trách nhiệm. Đến nay, không có tranh chấp, thu hoạch mì được 50 triệu đồng, đám đất được ông Dung và người bạn đem cho thuê, mỗi năm 15 triệu đồng. Hiện vẫn cho thuê. 

Thế nhưng, đầu năm 2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng, đám đất đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho một doanh nghiệp nên khởi tố ông Thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại tòa, đại diện Viện KSND không chứng minh được tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu. Trong lúc, ông Dung trả lời cho thấy đang được hưởng lợi từ đám đất.

Đúng 11 giờ 39 phút, Chủ toạ phiên toà tuyên bố “nghị án 15 phút”, sau đó đọc bản án dài 11 trang, chấp nhận quan điểm của cáo trạng, phạt ông Thành 7 năm tù, ông Sỹ và Tình mỗi người 3 năm 6 tháng tù. Ba ông nông dân và người nhà cho biết, sẽ kháng án lên phúc thẩm.

Luật sư Nguyễn Trường Thành ở Văn phòng Luật sư Vạn Lý-Cần Thơ cho rằng, các ông nông dân nếu có vi phạm là thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh (được phép làm đường thu phí thì phải đăng ký để nộp thuế) và vi phạm trong sử dụng đất đai. Những hành vi ấy cần xử lý hành chính, buộc khắc phục trước khi xử lý hình sự.

MỚI - NÓNG