Phó Giám đốc Công an Ninh Thuận bị dọa giết

Phó Giám đốc Công an Ninh Thuận bị dọa giết
TP - Trong khi vụ án “đưa người xuất cảnh trái phép” đang hướng mũi điều tra về những sai phạm của một số cán bộ công an thì Đại tá Nguyễn Thiếu Hoàng – Phó GĐ Công an tỉnh Ninh Thuận, người trực tiếp chỉ đạo thanh tra bị đối tượng lạ mặt đe dọa.
Phó Giám đốc Công an Ninh Thuận bị dọa giết ảnh 1
Chị Hán Thị Ni (bên trái) và ảnh trong CMND đã mạo danh chị

Lúc 21 giờ 30 ngày 6/5, có một cuộc điện thoại gọi đến số máy nhà riêng của Đại tá Nguyễn Thiếu Hoàng (số máy nội bộ tổng đài CA tỉnh). Ông nhấc máy, người ở đầu dây bên kia hỏi bằng giọng Bắc: “Mày đi thành phố về rồi phải không”.

Khi ông Hoàng hỏi: “Anh là ai?”, người kia đe dọa: “Mày để báo chí tiếp tục đăng vụ xuất cảnh thì mày chết!”. Nói xong y cúp máy. Đại tá Nguyễn Thiếu Hoàng đã báo cáo ngay với Thường trực Tỉnh ủy và Giám đốc Công an Ninh Thuận về sự việc này.

Theo ông, có thể cuộc gọi được thực hiện từ máy nội bộ của CA Ninh Thuận, vì ông nghe tín hiệu hơi khác tín hiệu từ máy ngoài, và bộ phận kỹ thuật của CA Ninh Thuận không truy xuất được số máy gọi đến.

Trước đó, trong một cuộc họp mở rộng của Đảng ủy Công an Ninh Thuận, đã có người lên tiếng “nhắn nhủ” Đại tá Hoàng: “Sức chịu đựng của con người chỉ có hạn thôi”! 

Đây là diễn biến mới nhất, nóng nhất liên quan đến vụ án “tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép” ở Ninh Thuận, đã được Tiền phong phản ánh trong các số báo ra ngày 20/3, 22/3 và 5/4/2006.

Phải chăng có những người đang lo sợ trước việc, báo chí đang tiếp tục có thêm những bằng chứng góp phần làm rõ “phần chìm của tảng băng”, còn Đại tá Hoàng bị coi là người đã cung cấp thông tin cho báo chí?

Vụ án “đưa người xuất cảnh trái phép” ở Ninh Thuận

- Tháng 9/1999, Cơ quan An ninh Điều tra CA Ninh Thuận phát hiện một đường dây làm giả hồ sơ để ghép những người muốn XC đi Mỹ vào gia đình những người được XC theo diện HO hay con lai. Đường dây này đã đưa khoảng 50 người ở Ninh Thuận, Đồng Nai, TP.HCM xuất cảnh trót lọt, thu bất chính hơn 300.000 USD. Nhưng cũng có vài chục người đang ở Ninh Thuận mất của mà không đi được.

- Để đưa người XC trái phép trót lọt, phải qua UBND và CA phường, xã, CA quản lý XNC, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra tại sân bay… Thế nhưng, “kính chiếu yêu” không rọi vào các cơ quan đó, chỉ có đám “đối tượng ngoài xã hội” bị quy tội. Người duy nhất đang thụ án 6 năm tù giam là Hà Thuận, một nông dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận), mới học hết lớp 3.

-  Năm 2003, Hà Thuận và một bị cáo khác trong vụ án là Huỳnh Văn Long viết đơn tố cáo nhiều cán bộ CA Ninh Thuận có khuất tất liên quan tới vụ án. Trong số những người bị tố cáo có các ông Huỳnh Thế Kỳ - Nguyên Trưởng CA huyện Ninh Sơn nay là Phó giám đốc CA Ninh Thuận, Phan Xuân Ngũ - Phó Trưởng phòng PA35, Lâm Đại Sơn – Trưởng phòng PA24, Phạm Tấn Phú – Trưởng phòng PC21, CA Ninh Thuận. Đại tá Nguyễn Thiếu Hoàng là người trực tiếp chỉ đạo thanh tra theo nội dung các đơn tố cáo. Nhưng khi đó, CA tỉnh Ninh Thuận không đủ điều kiện để xác minh rõ. Tháng 7/2005, ông Hoàng tiếp tục gửi thư về vụ này đến đồng chí Tổng Bí thư, lãnh đạo Bộ CA và Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận.

Tuy nhiên, hiện Thường trực Tỉnh uỷ và lãnh đạo Công an Ninh Thuận chưa có phản hồi nào đối với những thông tin của báo chí về vụ án này.

Cuối tháng 4/2006, trong quá trình điều tra, tiếp tục thông tin về vụ tiêu cực này, chúng tôi được người dân cung cấp một bộ hồ sơ xuất cảnh (HSXC) theo diện HO (sỹ quan thời Ngụy) của gia đình ông Hán Sẩm đang làm dở dang.

Tại nhà riêng ở thôn Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước), ông Hán Sẩm kể: Khi được phía Mỹ phỏng vấn, ông không xuất trình được cho họ một số hồ sơ gốc nên cả gia đình không được giải quyết nhập cảnh vào Mỹ. Chúng tôi lấy sổ hộ khẩu (SHK) của gia đình ông Sẩm trong bộ HSXC cho ông xem.

Xem xong, ông lộ vẻ ngạc nhiên, vội bảo con đi lấy SHK gia đình ông đang sử dụng. Cả hai SHK có cùng số, cùng ngày cấp là 10/12/1994, cùng có chữ ký của Đại úy Đào Kim Hùng (CA huyện Ninh Phước) và đóng dấu CA huyện Ninh Phước.

Nhưng trong SHK gia đình ông Sẩm đang dùng chỉ ghi 8 nhân khẩu, còn SHK kia ghi 12 nhân khẩu và không có dấu giáp lai giữa các trang. 4 người được ghi thêm là Hán Thị Phương Loan, Hán Thị Ni, Hán Thị Dung và Hán Thị Phin là các con gái lớn của ông Sẩm.

“Gia đình tôi có 12 người, nhưng 4 đứa con lớn đã có chồng con nên tách khỏi hộ khẩu gia đình từ năm 1994. Cũng vì 4 đứa đó đã có chồng con nên phía Mỹ không cho làm thủ tục xuất cảnh (XC), tôi chỉ làm hồ sơ 8 người” - Ông Sẩm khẳng định, đến lúc này ông mới biết HSXC bị làm giả.  

Khi chúng tôi cho cả nhà ông Sẩm xem 3 giấy chứng minh nhân dân (CMND) của các chị Ni, Dung, Phin, họ lại ồ lên ngơ ngác. Các chi tiết trong CMND như năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo đều đúng là của các chị, nhưng ảnh và đặc điểm nhận dạng không phải của họ…

Trong HSXC có 4 đơn đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ghi tên các chị Loan, Ni, Dung, Phin được làm ngày 25/8/1997, dán ảnh giống ảnh trong CMND (giả). Trong các đơn này, phần khai thân nhân người đứng đơn đều ghi cha mẹ là ông Sẩm và bà Chẳng, nhưng người đứng đơn còn… độc thân!

Đơn ghi tên Ni có ký tên, 3 đơn kia không có chữ ký. Tuy vậy, cả 4 đơn đều có chữ ký xác nhận của ông Phan Văn Hải - Trưởng CA xã Phước Hữu và đóng dấu, nhưng không điền ngày tháng.

Tại sao những kẻ làm giả HSXC biết 4 con gái ông Sẩm không được phía Mỹ chấp nhận để ghép 4 người khác vào? Họ có tay trong, hay ông Sẩm không trực tiếp nộp HSXC cho người có trách nhiệm mà qua trung gian? Ông Sẩm khẳng định, chính ông đã nộp HSXC tận tay cán bộ Phòng Xuất nhập cảnh là ông Phan Xuân Ngũ.

Các CMND, SHK của gia đình ông Sẩm được làm giả hết sức tinh vi. Việc này cùng việc Phó GĐ Công an Ninh Thuận bị đe doạ cho thấy, quy mô và mức độ nghiêm trọng của vụ án lớn hơn nhiều so với những gì công luận đã biết. Lẽ nào đến lúc này các cơ quan pháp luật vẫn chưa vào cuộc, làm nổi toàn bộ “phần chìm của tảng băng”?

MỚI - NÓNG