Phòng, chống mại dâm: Cứng rắn không hiệu quả

Phòng, chống mại dâm: Cứng rắn không hiệu quả
TP - Chỉ thực hiện biện pháp mạnh của chính quyền, chưa bao giờ là phương thuốc chữa trị vấn nạn mại dâm hiệu quả và sẽ càng nguy hiểm, nếu xã hội luôn miệt thị những đối tượng này.
Phòng, chống mại dâm: Cứng rắn không hiệu quả ảnh 1
Ảnh minh họa

Đây là nhận định của Nhóm Phối hợp của Liên Hợp Quốc về Phòng Chống HIV tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, Chống Mại dâm, tổ chức sáng 6/3 tại Hà Nội.

Theo ông Eamonn Murphi, đại diện Nhóm Phối hợp LHQ, mọi quốc gia đều tồn tại mại dâm nhưng, đáng tiếc, người mại dâm luôn bị đẩy ra bên lề cuộc sống khiến họ phải vật lộn kiếm sống qua ngày. Việt Nam nên nhìn nhận mại dâm mang tính xã hội và lịch sử.

Sự phát triển kinh tế, biến động dân cư và các hoạt động thương mại qua biên giới không thể tránh được các hoạt động mại dâm. Mọi nỗ lực nhằm xóa mại dâm chỉ nên được thay thế bằng việc tập trung giảm thiểu nó.

Việc quan trọng nhất là phải giúp đỡ người mại dâm (cả nam và nữ) và khách mua dâm tránh HIV, có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế. Nếu miệt thị họ, lập tức họ sẽ lao vào mại dâm càng quyết liệt. Xã hội phải tiến đến nhận thức, nếu thấy một cô gái mang theo bao cao su, thì không thể coi đó là bằng chứng liên quan mại dâm.

Tuy mọi người, mọi ngành cùng ra quân quyết liệt và khá đồng bộ, nhưng thực trạng hoạt động mại dâm vẫn đáng lo ngại. Số đối tượng bán dâm trên địa bàn cả nước hiện ước tính hơn 30.000 người (tăng 0,9 phần trăm so với năm 2003), trong đó số có hồ sơ quản lý chỉ đạt hơn nửa (tăng 3,2 phần trăm/năm).

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá, việc thực hiện Pháp lệnh Phòng, Chống Mại dâm năm năm qua đạt nhiều kết quả, song vẫn còn nhiều thách thức do diễn biến phức tạp trong tình hình mới.

Sau hội nghị này, các đóng góp tham luận (10 tham luận) sẽ được xem xét kỹ để Chính phủ đưa ra chiến lược mới nhằm giảm thiểu tệ nạn mại dâm, thay đổi cách nhìn, nhận thức đối với đối tượng mại dâm, giúp đỡ họ có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng. 

Cả nước hiện có hơn 6.500 xã, phường không có mại dâm nhưng là “con số không bền vững”. Các địa phương đã chữa trị, giáo dục cho hơn 25.000 lượt người bán dâm, trong đó, giáo dục ngay tại cộng đồng gần 10.000 lượt người. Hầu hết các địa phương đều tăng thời gian chữa trị, giáo dục cho đối tượng từ 3-6 tháng lên 12-18 tháng.

MỚI - NÓNG