Phúc thẩm vụ “bầu” Kiên: Ủy thác tiền gửi là chủ trương trái luật

“Bầu” Kiên khai từng định dùng 718 tỷ đồng cá nhân để sửa sai
“Bầu” Kiên khai từng định dùng 718 tỷ đồng cá nhân để sửa sai
TP - Hôm qua, phiên xử “bầu” Kiên cùng đồng phạm bước sang ngày thứ chín. Ở phần tranh luận, cơ quan công tố khẳng định, chủ trương ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB là trái pháp luật. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên phản đối, cho rằng kiểm sát viên chưa bám vào các nội dung tranh luận cụ thể.

“Viện” nói ACB gửi tiền lòng vòng…


Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND Tối cao duy trì quyền công tố tại tòa khẳng định, chủ trương của HĐQT ACB trong việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền là trái luật. Theo kiểm sát viên, việc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) nhận tiền gửi của các nhân viên ACB là hoạt động huy động vốn, là hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, còn ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền không phải hoạt động liên quan ngân hàng. “Việc gửi tiền lòng vòng không khuyến khích hoạt động của ngân hàng, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư”, kiểm sát viên phân tích.

Để dẫn chứng, vị đại diện của cơ quan công tố cho rằng, việc ACB ủy thác cho cá nhân đi gửi hơn 718 tỷ đồng vào Vietinbank đã vi phạm các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng. “Điều 90 luật này quy định, các tổ chức tín dụng chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Cũng có nghĩa, trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không được áp dụng quy định được phép làm những điều pháp luật không cấm, mà chỉ được phép làm những gì mà Ngân hàng Nhà nước cho phép”, công tố viên lý giải.

Bên cạnh đó, đại diện Viện KSND Tối cao khẳng định, trong giấy phép kinh doanh của ACB không có tài liệu nào cho phép tổ chức tín dụng được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền các tổ chức tín dụng khác. “Nếu hiểu việc chưa có hướng dẫn nên không phạm luật là không đúng. Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng cũng ghi rõ điều này”, kiểm sát viên tiếp tục dẫn chứng.

Đối đáp về một số ý kiến cho rằng bị cáo Kiên vào năm 2008 đã ra khỏi HĐQT của ACB, không tham gia chủ trương ủy thác, cơ quan công tố khẳng định: “Nhiều lời khai khẳng định bị cáo Kiên có ảnh hưởng lớn, mang tính quyết định tại ACB. Liên quan đến nghị quyết ngày 22/3/2010 (thông qua chủ trương ủy thác tiền gửi - PV), bị cáo Kiên có tham gia cuộc họp, dù không có thẩm quyền ban hành, nhưng nhiều lời khai đã thể hiện vị thế của ông Kiên trong việc ban hành nghị quyết này”.

Ngay sau đó, kiểm sát viên dẫn một số lời khai liên quan, khẳng định bị cáo Kiên đã giao cho Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải thực hiện ủy thác tiền gửi tại các ngân hàng khác.

“Viện kiểm sát càng giải thích càng mâu thuẫn”

Đối đáp lại đại diện cơ quan công tố, hầu hết các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng, kiểm sát viên không đi vào từng vấn đề cụ thể luật sư nêu, càng giải thích càng mâu thuẫn. Luật sư Nguyễn Đình Hưng khẳng định: “Viện kiểm sát càng giải thích càng mâu thuẫn. Nếu coi HĐQT của ACB là tổ chức hành chính, vậy một tổ chức không thể là chủ thể của pháp luật hình sự. Viện kiểm sát nhấn mạnh rất nhiều về các hợp đồng không đúng pháp luật, nhưng hợp đồng là do tổ chức thực hiện, không phải các cá nhân, bởi vậy sẽ bị sự điều chỉnh của pháp luật kinh tế, dân sự chứ không phải hình sự”.

Bổ sung ý kiến trên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp lập luận: “Có lẽ phần đại diện Viện kiểm sát đáp lại chưa thỏa mãn với quy định ở Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự vì chưa tranh luận với từng vấn đề đặt ra trong quan điểm bào chữa”. Theo luật sư Thiệp, nếu cho rằng bị cáo Kiên có vai trò chỉ đạo trong mọi hoạt động của ACB, vậy lý giải như thế nào trong bút lục ở hồ sơ, thể hiện trong cuộc họp tại HĐQT của ACB: “Về nguyên tắc, HĐQT là cơ quan quản trị cao nhất”. Bào chữa cho “bầu” Kiên ở tội trốn thuế, ông Thiệp hướng về phía 2 kiểm sát viên: “Đề nghị Viện kiểm sát chứng minh, đưa ra việc số thuế phải nộp khi chưa rõ là lỗ hay lãi”.

“Bầu” Kiên từng đề nghị chi 718 tỷ để sửa sai cho ACB

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Kiên được tòa cho cầm đọc bản kháng án. Theo đó, ông Kiên công bố một thông tin gây sửng sốt: “Tôi xin tiết lộ thông tin không có trong bất kỳ tài liệu nào. Đó là tôi có đề nghị với anh Hải (Tổng giám đốc ACB – PV), nếu các anh sai, tôi xin dùng tiền cá nhân 718 tỷ đồng của tôi để sửa cái sai này đi, đừng để các anh vi phạm pháp luật. Anh Hải không đồng ý với tôi vì số tiền ấy quá lớn, muốn ACB tự giải quyết”.

Nói về sự ảnh hưởng của mình tại ACB, bị cáo Kiên nói: “Tôi có vị trí rất cao ở ACB. Nếu nói tôi không có vị trí, không có ảnh hưởng tại ACB là tôi đớn hèn. Nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau thì có vị trí khác nhau. 5 năm làm Phó Chủ tịch hội đồng sáng lập, tôi chỉ là chỗ dựa cho anh em, chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của ACB”. Theo ông Kiên, trong các cuộc họp HĐQT ACB, bị cáo không có ý kiến, điều đó không có nghĩa đồng tình với các chủ trương của ACB.

“Đề nghị Viện kiểm sát kiểm tra lại, nội dung tôi nói có liên quan gì tới ủy thác không. Tôi đề nghị đối chất với các thành viên HĐQT ở đây về việc tôi có phát biểu, chỉ đạo gì không?”, bị cáo Kiên nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).