PV Tiền Phong bị giữ: Chụp ảnh đồng nghĩa với “gây rối”?

PV Tiền Phong bị giữ: Chụp ảnh đồng nghĩa với “gây rối”?
TP - Nhóm PV Tiền phong đã có mặt tại Lạng Sơn để tìm hiểu việc nhà báo Nguyễn Duy Chiến bị thu giữ máy ảnh và buộc phải về trụ sở cơ quan công an.
PV Tiền Phong bị giữ: Chụp ảnh đồng nghĩa với “gây rối”? ảnh 1
PV báo Tiền Phong đang hỏi chuyện nhân chứng

Tiền phong số 31(13/2/2006) đã đưa những thông tin ban đầu về việc nhà báo Nguyễn Duy Chiến bị thu giữ máy ảnh và buộc phải về trụ sở cơ quan Công an, khi nhà báo này đang tác nghiệp.

Tại Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Lạng Sơn, các PV báo Tiền phong đã được gặp khá đông các đồng nghiệp của TTXVN, báo Lạng Sơn, Đài PTTH Lạng Sơn, đang có mặt tại đây, cũng với mục đích tìm hiểu vụ việc liên quan đến nhà báo Nguyễn Duy Chiến.

Tường trình của nhà báo Nguyễn Duy Chiến

Nhà báo Nguyễn Duy Chiến cho biết, ngày 12/2/2006 là ngày khai mạc Chương trình lễ hội văn hóa - du lịch Lạng Sơn 2006, đồng thời cũng là ngày Hội đền Pắc Nga tại xã Gia Cát (Cao Lộc).

Nhận được lời mời từ Ban tổ chức, cùng với nhiều nhà báo TW và địa phương có mặt ở Lạng Sơn, nhà báo Nguyễn Duy Chiến đã tham dự lễ khai mạc Chương trình lễ hội vào buổi sáng, tại TP Lạng Sơn, và buổi chiều thì tham gia Hội đền Pắc Nga.

Lúc 17 giờ ngày 12/2, Chiến đang ngồi cùng một số người bạn tại đền Pắc Nga, bỗng thấy huyên náo, rồi thấy một số cán bộ Công an đang áp giải 5 thanh niên lên xe ô tô.

Theo phản xạ nghề nghiệp, Chiến vội tiến lại gần, rút máy ảnh ghi lại cảnh này, và dự kiến sau đó sẽ theo xe cảnh sát về trụ sở để lấy thêm thông tin, viết bài về đề tài an ninh trật tự.

Thế nhưng, Chiến đã bất ngờ bị tước máy ảnh, đấm vào bụng, bẻ tay ấn lên xe ôtô. 

Sau khi lên xe ôtô, Chiến được đưa về trụ sở Công an huyện Cao Lộc, và phải đứng “thơ thẩn” rất lâu ở đây để chờ một số người gọi điện trao đổi với nhau.

Sau đó, Chiến lại được đưa trở lại trụ sở UBND xã Pắc Nga. Tại đây, Chiến bị lập biên bản ghi lời khai, được trả lại máy ảnh, được ra về vào lúc 23 giờ 30 ngày 12/2.

Các nhân chứng nói gì?

PV báo Tiền Phong và nhiều đồng nghiệp tại Lạng Sơn cũng đã đến khu vực đền Pắc Nga. Chị Hoàng Thị Min, 39 tuổi, nhà cạnh đền, cho biết chị có nhìn thấy một thanh niên giơ máy ảnh chụp cảnh các thanh niên đang bị công an bắt đưa lên ô tô. Tuy nhiên, theo chị Min, người thanh niên này không hô hét gì cả.

Anh Đặng Tiến Định, nhà gần đền, cũng cho biết, anh Định có nhìn thấy anh thanh niên chỉ chụp ảnh, chứ không hô hét, xô đẩy ai cả.

Nhà báo Đông Bắc (báo Lạng Sơn), người có mặt tại đền Pắc Nga ngay sau khi nghe tin nhà báo Nguyễn Duy Chiến được “mời” đi theo xe công an, đã ghi âm được nhiều tiếng nói của người dân địa phương, trong đó có cả người già và em nhỏ.

Hầu hết các ý kiến ghi được đều cho rằng, ông Trưởng Công an huyện đấm nhà báo (?) là sai, cản trở nhà báo tác nghiệp là vi phạm pháp luật.

Nhiều người dân còn cho biết, trong 5 đối tượng bị bắt giữ vì tình nghi tham gia đánh nhau, có đối tượng kêu oan, song đối tượng này cũng bị đánh, rất nhiều người chứng kiến.

Ý kiến ban đầu của cơ quan chức năng       

Nhà báo Nguyễn Duy Chiến quê Lạng Sơn, công tác tại Tạp chí Xứ Lạng từ năm 1989, và là cộng tác viên nhiều năm nay của báo Tiền phong.

Từ tháng 1/2006, Nguyễn Duy Chiến trở thành phóng viên chính thức của báo Tiền phong, thường trú tại Lạng Sơn.

PV báo Tiền Phong và các đồng nghiệp tại Lạng Sơn đã có mặt tại trụ sở UBND xã Gia Cát. Khi các PV xuất hiện, ông Trưởng công an xã (người đã lập biên bản ghi lời khai của Nguyễn Duy Chiến hôm trước) vẫn đang có mặt tại trụ sở, nhưng sau đó ông này lặng lẽ bỏ đi đâu mất.

Sau một cuộc điện thoại rất dài với ai đó, ông Đường Long Biên - Chủ tịch UBND xã Gia Cát - đã quay lại, làm việc với các PV.

Về sự việc liên quan đến nhà báo Nguyễn Duy Chiến, ông Biên nói ông không biết Chiến là nhà báo, cũng không thấy Chiến đăng ký làm việc với chính quyền xã. Ông chỉ nghe nói có một thanh niên chụp ảnh và ngăn cản cảnh sát làm nhiệm vụ.

Ông Biên cũng cho biết, trong lúc lộn xộn, máy ảnh rơi xuống đất, đồng chí Chánh văn phòng UBND huyện Cao Lộc nhặt được, có nộp cho xã. Sau khi nhà báo Nguyễn Duy Chiến được đưa về trụ sở UBND xã Gia Cát, trực tiếp ông Hoàng Văn Khoa - Trưởng Công an xã - đã lấy lời khai của anh Chiến, lập biên bản trao trả máy ảnh, và anh Chiến đã ra về trước 24 giờ ngày 12/2.

Tại trụ sở Công an huyện Cao Lộc, các PV đã làm việc với ông Chu Minh Sự (ở số báo 31, ra ngày 13/2/2006, chúng tôi đưa là Hoàng Sự, nay xin được đính chính lại) – Trưởng Công an huyện, và ông Nguyễn Xuân Thu - Phó Trưởng công an huyện.

Ông Sự cho biết, lúc xảy ra sự việc liên quan đến nhà báo Nguyễn Duy Chiến, ông Sự có mặt tại hiện trường. Ông Sự cho rằng nhà báo Nguyễn Duy Chiến đã “cản trở cảnh sát làm nhiệm vụ”, “hò hét Công an đánh người kích động đám đông”, vì vậy ông Sự có chỉ đạo đưa nhà báo về UBND xã để làm rõ và xử lý.

Ông Sự phủ nhận việc ông đã thụi nhà báo Nguyễn Duy Chiến, và phủ nhận có người đã tước máy ảnh của nhà báo này.

Theo ông Sự, việc nhà báo Nguyễn Duy Chiến về UBND xã Gia Cát là theo “lời mời”, chứ không phải là tạm giữ hành chính.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.