PVN mất trắng 800 tỷ đồng vì Oceanbank

Đại diện ủy quyền của PVN trả lời HĐXX
Đại diện ủy quyền của PVN trả lời HĐXX
TP - Lúc cao điểm, PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) gửi tại Oceanbank số tiền 11.000 tỷ đồng nhưng không thừa nhận lấy tiền lãi ngoài hợp đồng. Ngoài ra, PVN còn góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất trắng khi ngân hàng này bị mua với giá 0 đồng.

“Tôi đã lừa nhân viên”

Đó là thừa nhận của Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào ngày 2/3, tại phiên xử vụ tham nhũng 2.000 tỷ đồng của Oceanbank. Khi được hỏi về vai trò của Lê Thị Thu Thủy - nguyên Phó TGĐ Oceanbank và các đơn vị cấp dưới, Thắm thừa nhận gần như đã lừa họ. 

Bị cáo nói: “Các khoản tiền rút cho anh Sơn (Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ Oceanbank - PV), bị cáo nói chị Thủy là khoản tạm ứng. Chị Thủy thực hiện nhưng không biết gì, sau đó chị có nghe ai đó nói thì mới biết là khoản chi chăm sóc khách hàng. Chị Thủy muốn bị cáo nộp chứng từ... Có những lần chị Thủy khá căng, bị cáo giải thích nếu không thực hiện ngân hàng sẽ sập. Chị Thủy không làm thì sẽ bị rút tư cách”.

Cũng theo lời Thắm: “Các hành vi của các bị cáo là phạm tội nhưng là tội của mình bị cáo. Chị Thủy và nhân viên dưới quyền không có tội, trong hoàn cảnh họ buộc phải làm như vậy… Họ phải chịu sức ép từ việc bị cáo giao chỉ tiêu. Tiếp đó, Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó TGĐ Oceanbank cũng khẳng định không muốn chi lãi ngoài nhưng không thực hiện thì không hoàn thành chỉ tiêu Thắm đề ra.

Sếp dầu khí không nhận tiền?

Tiếp theo, tòa xét hỏi Nguyễn Minh Thu - nguyên TGĐ Oceanbank về 125 tỷ đồng Thu trả lãi ngoài cho khách hàng, gồm hơn 114 tỷ tiền gửi không kỳ hạn và hơn 11 tỷ tiền gửi có kỳ hạn. Thu thừa nhận nội dung cáo trạng và khai chi hơn 48 tỷ đồng không kỳ hạn cho 3 đơn vị là Tổng Cty Dầu Việt Nam - PVOIL (15 tỷ), Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (19 tỷ) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (22 tỷ). Theo Thu, tại Vietsopetro, 70% số tiền này được chuyển cho kế toán trưởng, 30% cho TGĐ; tại PVOIL, TGĐ và kế toán trưởng mỗi người 50%; tại BSR, tiền được giao theo yêu cầu cho các lãnh đạo. Ngoài ra, còn nhiều đơn vị thuộc ngành dầu khí nhận tiền trả lãi ngoài của Oceanbank.

Dù được tòa triệu tập nhưng đại diện nhiều đơn vị ngành dầu khí được cáo trạng xác định có nhận tiền từ Oceanbank đã không có mặt. Đại diện PVOIL và Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (tức Vinashin) có mặt nhưng khẳng định không nhận tiền của Oceanbank. Đáp lại, Thu cho rằng mình đem tiền đi phải được sự chỉ đạo của cấp trên, lúc giao tiền phải có mặt giám đốc hoặc phó giám đốc chi nhánh. Đó đều là tiền mặt, được để vào trong túi và khi giao không yêu cầu ký nhận.

Tương tự, đương sự Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng rồi Phó TGĐ của PVN cũng không thừa nhận việc PVN lấy tiền lãi ngoài từ Oceanbank. Theo ông Quỳnh, PVN có 20% cổ phần ở Oceanbank đồng thời gửi tiền ở ngân hàng này lúc nhiều nhất là 11.000 tỷ và có nhận cổ tức đều đặn tới năm 2013. 

Việc gửi tiền không có bất kỳ áp lực nào và ông cũng không nhận tiền theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn. Khi thẩm phán đặt câu hỏi về quan hệ của ông và Sơn, ông này cho biết hai người không tin tưởng, cảnh giác nhau trong công việc. Ông Quỳnh nhớ lại: “Năm 2010, PVN bổ nhiệm PGĐ tài chính thì tôi và anh Sơn đều nằm trong quy hoạch. Về năng lực, uy tín tôi đều hơn Sơn nhưng về sau Sơn được và khi lên chức Sơn rất coi thường tôi”.

PVN mất 800 tỷ đồng

Theo cáo trạng, việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank gồm PVN 800 tỷ đồng (20%) và Cty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà 266 tỷ (6,65%) đến nay không có khả năng thu hồi do Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng cũng cần được làm rõ. Do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT tách hồ sơ xử lý sau.

PVN mất trắng 800 tỷ đồng vì Oceanbank ảnh 1

Ông Ninh Văn Quỳnh tại tòa.

Tại tòa, đại diện PVN cho biết năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên PVN góp 400 tỷ (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ và 100 tỷ nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.

Để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.
   

Theo đại diện PVN, từ 2009 - 2013, chưa có năm nào Oceanbank báo cáo lỗ và PVN có nhận lãi hằng năm (cổ tức). Nếu PVN mất vốn thì trách nhiệm thuộc về các đại diện giám sát và sẽ có chế tài xử lý họ. Giải thích về kết luận thanh tra năm 2014 cho thấy Oceanbank âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, đại diện PVN cho biết việc NHNN mua lại Oceanbank giá 0 đồng dẫn tới việc hiểu rằng PVN đã mất vốn. 

Việc này được CQĐT tách ra xử lý ở giai đoạn II của vụ án. Việc năm 2012 có cảnh báo Oceanbank sẽ lỗ, vị này cho biết tất cả các báo cáo HĐQT (sau là hội đồng thành viên) PVN nhận được đều ghi ngân hàng này hoạt động hiệu quả, thể hiện chia cổ tức hằng năm, không có dấu hiệu nào hoạt động không hiệu quả.

Hôm nay (3/3), tòa tiếp tục xét xử.

Giải thích về kết luận thanh tra năm 2014 cho thấy Oceanbank âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, đại diện PVN cho biết việc NHNN mua lại Oceanbank giá 0 đồng dẫn tới việc hiểu rằng PVN đã mất vốn.


MỚI - NÓNG